Truyền cảm hứng, khai mở cơ hội vô giá cho hợp tác song phương và hợp tác nghị viện

Sáng nay, 11.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia, tham dự Đại hội đồng AIPA-44 và thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4-10.8. Trong 7 ngày diễn ra chuyến thăm, đã có gần 60 hoạt động, hai thỏa thuận hợp tác cấp cao được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Indonesia và Quốc hội Iran cùng với hàng chục thỏa thuận và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và hai nước Indonesia, Iran.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia và Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hai bài phát biểu rất quan trọng với nhiều thông điệp, kinh nghiệm mang tầm lý luận, được khái quát từ thực tiễn 37 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai bài phát biểu đã gây ấn tượng, thiện cảm sâu sắc với các học giả, gây tiếng vang với dư luận và báo chí không chỉ hai nước Indonesia và Iran mà còn với khu vực và quốc tế.

Quan trọng hơn cả, từ nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và kết quả cụ thể của chuyến thăm Indonesia và Iran lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã khai mở cơ hội, tạo cảm hứng, xung lực hợp tác mới giữa Việt Nam và hai nước. Như khẳng định của Tổng thống Iran Ebrahim Raeisi, “hai nước đã có nhiều mẫu số chung trong quá khứ”, và chuyến thăm góp phần quan trọng định hình chiều hướng phát triển cho 50 năm tới.

Thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam

Trong một bài xã luận, Hãng Thông tấn chính thức của Indonesia Antara khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam coi trọng quan hệ song phương với Indonesia, mong muốn góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách quan trọng với Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia, trong đó nhấn mạnh thông điệp: Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển. Ảnh: Doãn Tấn

Về quan hệ Việt Nam-Indonesia, Antara cho rằng nhân dân hai nước đã chung tay đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt và tình hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa đến giao lưu nhân dân.

Bài xã luận nhắc lại rằng, trong đại dịch Covid-19, nhân dân hai nước đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Trong những thời điểm căng thẳng và khó khăn nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia đã thường xuyên duy trì kênh ngoại giao, trao đổi và bàn giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giải quyết các khó khăn.

Hai nước cũng chia sẻ gánh nặng với các nước thành viên ASEAN trong việc xây dựng cơ chế hợp tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và từng bước mở rộng tiêm chủng cho cộng đồng. Chiến đấu và giành chiến thắng đại dịch, nhân dân hai nước tiếp tục chung tay tái xây dựng nền kinh tế quốc gia.

Mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Indonesia và Việt Nam được thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 40% so với năm 2020 và vượt mục tiêu 10 tỷ USD mà hai bên đề ra trong kế hoạch hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2028 nhằm định hướng hợp tác song phương trong tương lai, hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2028. Thương mại song phương được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.

Về hợp tác nghị viện, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế. Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia (DPR, tức Hạ viện) đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào tháng 3.2010.

Quốc hội Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thông qua việc thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác nghị viện như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các ủy ban chuyên môn và nhóm nghị sỹ hữu nghị.

Quốc hội Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm với Quốc hội Indonesia về công tác lập pháp, giám sát các nội dung liên quan đến phục hồi kinh tế, xã hội hậu đại dịch Covid-19 và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số.

Cũng theo Antara, trên lĩnh vực đa phương, Việt Nam bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, cũng như các nỗ lực của Jakarta nhằm tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, nhất là ở Đông Nam Á, và trên toàn cầu.

Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam và các nước ASEAN hiện đang thúc đẩy đàm phán thực chất, hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử (COC), tôn trọng chủ quyền và lợi ích của các bên liên quan trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.

Thể hiện tinh thần đoàn kết, tin cậy giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam -Indonesia

Trong bài bình luận đăng trên các tờ Asia Review, KompasianaRepublik Merdeka, ông Veeramalla Anjaiah - Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện rõ sự quan tâm của các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam; thể hiện tinh thần đoàn kết, sự tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, sẵn sàng hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa vì lợi ích của người dân cũng như vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Hơn nữa, chuyến thăm cũng sẽ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp Việt Nam và Indonesia.

Ông Ibnu Hadi, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tổng thống Indonesia bày tỏ đặc biệt ấn tượng về bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Diễn đàn chính sách đối ngoại ngày 5.8

Theo ông Anjaiah, kể từ khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội vào năm 2021, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã nỗ lực đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đưa đất nước vươn lên tầm cao mới, trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đổi mới phong cách làm việc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhà báo kỳ cựu của Indonesia cũng nhắc lại rằng, Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 30.12.1955. Năm 2013, hai nước đã nâng quan hệ hữu nghị lên tầm đối tác chiến lược.

Việt Nam và Indonesia đều là các thành viên quan trọng của ASEAN và đang nỗ lực đạt vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 thông qua chuyển đổi từ các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên sang các ngành công nghệ cao, cũng như tăng cường hợp tác giáo dục và chia sẻ kiến thức.

Nhà nghiên cứu quốc tế cho biết thêm rằng, Việt Nam cùng với Indonesia đã có những đóng góp to lớn cho ASEAN và cam kết cùng với Hiệp hội ứng phó trước những thách thức toàn cầu.

Hai nước cũng có chung quan điểm về vấn đề Biển Đông, theo đó mọi tranh chấp trên biển phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam: Ấn tượng, toàn diện và có tầm nhìn, là sự bổ sung hoàn hảo cho hành động và chính sách của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu tại Diễn đàn chính sách đối ngoại tổ chức ở Jakarta ngày 5.8, thay mặt các đại biểu, học giả tham dự Diễn đàn, TS. Dino Patti Djalal, Chủ tịch Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia trân trọng cảm ơn những phát biểu và trao đổi sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. “Khán phòng của chúng tôi trong ngày cuối tuần vẫn chật kín người. Điều này cho thấy năng lượng, sự quan tâm và mong đợi của chúng tôi dành cho Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Indonesia là vô cùng lớn”. Nhấn mạnh điều này, TS. Dino Patti Djalal một lần nữa cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Indonesia vững mạnh sẽ đóng góp cho một ASEAN vững mạnh.

Hãng thông tấn Antara của Indonesia đưa tin đậm nét về chuyến thăm và lễ ký Biên bản hợp tác giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước

Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với chủ đề "Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển" nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và tán thành cao của các học giả, nhân sĩ, trí thức của không chỉ Indonesia. Nhiều học giả Indonesia khẳng định, bài phát biểu rất ấn tượng và có tầm nhìn xa, đề cập toàn diện đến mọi khía cạnh của không chỉ quan hệ Indonesia và Việt Nam mà còn cả với ASEAN cũng như quan hệ với các đối tác và các vấn đề khác.

Ông Ibnu Hadi - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tổng thống Indonesia chia sẻ: Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thực sự là sự bổ sung hoàn hảo cho hành động và chính sách của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam.

Ông Ibnu đồng ý với tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rằng: Người dân là gốc của mọi chính sách phát triển của Việt Nam và họ phải được hưởng mọi thành quả của sự phát triển.

Điều này hoàn toàn đúng bởi ở hầu hết các quốc gia, cả Chính phủ với tư cách là cơ quan hành pháp và Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp đều do nhân dân bầu ra. Vì vậy, nhân dân phải là trung tâm trong mọi hành động của Chính phủ và Quốc hội. Và các công việc do Chính phủ và Quốc hội thực hiện phải đảm bảo rằng tất cả các quyết định của họ đều vì lợi ích của người dân, ông Ibnu nói thêm.

Ông Ibnu cho biết Việt Nam hiện có nền kinh tế rất cởi mở và tham gia nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng và mở rộng nền kinh tế, thể hiện qua chuyến thăm chính thức Indonesia lần này của nhà lập pháp hàng đầu Việt Nam, khi tháp tùng ông có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vietjet, Vinfast...

Ông bày tỏ hy vọng thông qua chuyến thăm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa với các đối tác Indonesia.

Antara - hãng thông tấn quốc gia của Indonesia đánh giá bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mang tầm lý luận sâu sắc, góp phần định hướng cho mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Hãng thông tấn dẫn lời Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những điểm tương đồng về văn hóa và hệ tư tưởng nền tảng của hai dân tộc, sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ lịch sử, cũng như nguyện vọng chung về hòa bình đã tạo nên mối liên kết tự nhiên giữa Indonesia và Việt Nam, đồng thời mang theo những giá trị đã vượt qua thử thách của thời gian.

Chủ tịch Quốc hội coi Indonesia là "quê hương" của nhiều ý tưởng truyền cảm hứng vượt ra ngoài khu vực, nơi tư tưởng về độc lập, tự lực, tự cường và không liên kết từ lâu đã trở thành triết lý đối ngoại của Indonesia và được nhiều quốc gia chia sẻ.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam tiếp tục lưu ý rằng, Indonesia và Việt Nam cũng có chung mối quan hệ văn hóa sâu sắc, đồng thời lưu ý rằng kể từ thế kỷ thứ 7, đã có những trao đổi và kết nối về thương mại, văn hóa, ngôn ngữ học và nhân chủng học giữa các vương quốc cổ đại của Việt Nam và Indonesia. Hai nước có chung nền nông nghiệp phát triển lâu đời, bên cạnh những đặc điểm kiến trúc tương đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, Indonesia là người bạn thân thiết, láng giềng tốt đã đồng hành lâu dài với Việt Nam trong thời gian qua. Đây là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1955. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno có cùng quan điểm và tầm nhìn về một thế giới hòa bình và phát triển, theo Antara.

Trong bài viết của mình, Republik Merdeka - một nền tảng truyền thông trực tuyến, đưa tin Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ca ngợi mối quan hệ lâu dài với Indonesia và khuyến khích hợp tác liên ngành trong thế kỷ XXI.

Ông cho rằng trong bối cảnh gần gũi về địa lý và quan hệ lịch sử gần gũi, hai nước cần tiếp tục phấn đấu vì nguyện vọng chung là kiến tạo hòa bình và ổn định ở khu vực, nhất là trong thế kỷ XXI được coi là thời kỳ quan trọng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo tờ Cộng hòa Độc lập, nhà lập pháp hàng đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra an ninh và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trên thế giới, phù hợp với tư tưởng của Indonesia là tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Chính vì vậy, trong nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khuyến khích hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Indonesia như kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân hai nước.

“Hợp tác liên ngành là rất quan trọng đối với khu vực này, nơi an ninh và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - châu Á Thái Bình Dương được hình thành. Hai nước phải đoàn kết để đạt được những mục tiêu chung trong thời đại này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Tờ Cộng hòa Độc lập cũng dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hai nước phải ưu tiên hành xử phù hợp với các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Theo nhà lập pháp hàng đầu, 10 nguyên tắc của Hội nghị Bandung 1955 như hòa bình, cùng tồn tại các giá trị và tôn trọng chủ quyền, cũng nên được sử dụng như một định hướng quan trọng cho hai nước trong việc thiết lập hợp tác và vượt qua các thách thức chung. Thông qua việc thực hiện các nguyên tắc này, Indonesia và Việt Nam hy vọng có thể mở đường hơn nữa cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước, hãng tin cho biết thêm.

Các báo Pikiran Rakyat (Dân trí) và Indoraya (Indonesia vĩ đại) cũng đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của Indonesia với tư cách là nước ASEAN đi đầu trong tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác cho khu vực, đồng thời kêu gọi các thành viên ASEAN nhanh chóng tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Đánh dấu chương quan trọng trong lịch sử của hai dân tộc Việt Nam - Iran

Đánh giá về chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Iran, nhà báo Ayesha Mumtaz của BNN Network viết: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước. Chuyến thăm này không chỉ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau mà còn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan lập pháp và mở ra cơ hội định hình chiều hướng phát triển cho mối quan hệ này trong tương lai.

Về ý nghĩa của chuyến thăm, nhà báo nhận định, đây là chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam; đồng thời cũng là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 24 năm, và là sự kiện đánh dấu việc nối lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế (IPIS), Bộ Ngoại giao Iran về quan hệ Việt Nam - Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Vì vậy, chuyến thăm mang tính bước ngoặt này chắc chắn sẽ là cột mốc đánh dấu một chương quan trọng trong lịch sử của hai dân tộc và phản ánh mong muốn chung của hai bên nhằm củng cố tình hữu nghị, nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới, khai thác mọi tiềm năng trong quan hệ hai nước.

Mở ra cơ hội vô giá cho hợp tác song phương và hợp tác Nghị viện

Iran Daily tổng kết, một điểm đáng chú ý khác trong khuôn khổ chuyến thăm, một số văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được hoàn thiện và ký kết, nhằm tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.

Trang nhất của tờ Iran Daily ngày 9.8 đưa trang trọng cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi

Trong số đó, đặc biệt phải kể đến Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký kết với người đồng cấp Iran.

Ngoài ra, hai bên cũng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thể thao và Thanh Niên Iran; Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam và Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran; Thỏa thuận hợp tác giữa Cục xúc tiến thương mại và Cơ quan xúc tiến thương mại Iran; Bản ghi nhớ về kiểm dịch động vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran.

Tờ Tehran Times trích dẫn lời một số chuyên gia Iran đánh giá tầm quan trọng của chuyến thăm, khẳng định đây sẽ là bước mở đầu cho việc mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa cơ quan lập pháp hai nước nói riêng và trong mối quan hệ nhiều mặt nói chung trong thời gian tới. Thông qua chuyến thăm này, đặc biệt là các văn kiện ký kết, hai nước để tăng cường giao lưu nghị viện và phát huy vai trò của Quốc hội trong việc giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

Các đại biểu hai nước và học giả Iran tham dự Diễn đàn chính sách, pháp luật về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Iran. Ảnh: Doãn Tấn

Chuyến đi cũng nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ chế điều phối tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Từ mẫu số chung trong lịch sử đến mẫu số chung trong tương lai

Hãng thông tấn Iran Mehrnews cũng liên tục có tin, bài hàng ngày về chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đặc biệt, trích dẫn lời của Tổng thống Iran Ebrahim Raeisi trong cuộc tiếp Chủ tịch Quốc hội, Mehrnews cho biết, Tổng thống Iran, Tiến sỹ Seyyed Ebrahim Raisi đánh giá cao lịch sử 50 năm quan hệ Iran - Việt Nam. Ông nhấn mạnh: Tinh thần độc lập, tự quyết, tự lực tự cường chính là mẫu số chung quý giá của hai dân tộc.

Hãng tin Merh News đưa tin trang trọng về cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf

Mặc dù cho rằng, “quan hệ kinh tế thương mại của Iran và Việt Nam chưa phát triển đến mức tương xứng với cấp độ quan hệ chính trị”, Tổng thống Iran khẳng định: “Chuyến thăm này sẽ trở thành một bước ngoặt trong sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước, bên cạnh sự phát triển của quan hệ nghị viện”.

Đặc biệt, hãng thông tấn IRNA dẫn lại lời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng nửa thế kỷ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là nền tảng vô giá tốt để đặt mục tiêu và hoạch định cho quan hệ tốt đẹp hơn nữa trong tương lai 50 năm tới. Còn Chủ tịch Quốc hội Iran thì khẳng định: Việt Nam có lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao, điều đó chứng tỏ rằng không có bất kỳ trở ngại nào trên con đường tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

Quỳnh Vũ (tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/truyen-cam-hung-khai-mo-co-hoi-vo-gia-cho-hop-tac-song-phuong-va-hop-tac-nghi-vien-i339738/