Truy xuất nguồn gốc – hóa giải 'cơn ác mộng' hàng giả

Vấn đề hàng giả, hàng nhái đang là 'cơn ác mộng' đối với hàng triệu người tiêu dùng, đồng thời là nỗi lo của toàn xã hội. Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp.

Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu, doanh nghiệp nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với quy mô, tốc độ ngày càng lớn, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2023 và quý I/2024 lực lượng Quản lý Thị trường đã thanh tra, kiểm tra 74.719 vụ và phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 539 tỷ đồng. Riêng, quý I năm 2024, kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc làm giả, nhái sản phẩm.

Chia sẻ thực tế từ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty An Khang Group Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, doanh nghiệp vừa mất thời gian nghiên cứu, đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn đã bị làm giả tràn lan. Điều đáng nói, sản phẩm bị làm giả đến doanh nghiệp sản xuất cũng không thể cạnh tranh được bởi giá cả cạnh tranh.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Giám đốc Công ty xây dựng Việt Nhật Ngô Tấn bức xúc, sản phẩm là cả sự nghiệp mà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng khi bị làm giả, làm nhái với giá rẻ hơn, chất lượng kém hơn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và kinh tế của doanh nghiệp, có thể khiến doanh nghiệp đi đến phá sản. “Hành vi này cần phải bị xử phạt nặng vì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính, còn làm tổn hại đến chi phí và niềm tin của người tiêu dùng” - ông Tấn bày tỏ.

Theo Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) Lương Minh Huân, thời gian qua, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm, coi trọng đến việc đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng bằng chất lượng và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp, đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. “Vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về nguồn lực, cơ hội và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng” – ông Lương Minh Huân nhấn mạnh.

Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu

Cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hóa của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin của các sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng.

Mặt khác, trong bối cảnh nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… đều yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra những quy tắc trong đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu, không chủ giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, mà còn bảo vệ người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế bắt tất yếu.

Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp Lương Minh Huân nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Cụ thể, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất khi đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc cũng giúp ngăn chặn việc sao chép không hợp pháp và sản xuất hàng giả. Các thông tin chi tiết về nguồn gốc và quá trình sản xuất giúp phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng giả.

Nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc, TS. Nguyễn Quốc Toản - Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chỉ rõ, truy xuất nguồn gốc đồng nghĩa với việc cơ quan hữu quan theo dõi, truy vết toàn bộ quá trình hình thành của sản phẩm, từ khi khởi tạo cho đến thành công cuối cùng. Nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sẽ tiếp cận được thông tin của 1 sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng và cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Để giúp các doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 28/03/2024, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/truy-xuat-nguon-goc-hoa-giai-con-ac-mong-hang-gia.html