Truy lùng tung tích qua mạng

Với phần kịch bản thông minh và nhiều bất ngờ, phim trinh thám giật gân 'Missing' vẫn tạo được sự mới mẻ, hoàn toàn vượt qua cái bóng của phần trước.

Missing (tựa Việt: Mất tích) là hậu truyện của Searching – dự án từng gây tiếng vang năm 2018 với kinh phí vỏn vẹn chưa đầy 1 triệu USD nhưng thu về hơn 75 triệu USD. Dù mô-típ tương tự, tác phẩm lại có nội dung hoàn toàn độc lập nên khán giả chưa xem phần trước vẫn có thể hiểu được câu chuyện.

Ê-kíp sản xuất được giữ nguyên, có điều Aneesh Chaganty không còn ngồi ghế đạo diễn mà chỉ đồng sáng tạo nội dung. Bộ đôi Will Merrick và Nick Johnson cùng lúc đạo diễn và viết kịch bản. Đây cũng là dự án điện ảnh đầu tay của cả hai.

Kịch bản thông minh

Chuyện phim có nội dung đơn giản, xoay quanh hành trình cô bé June Allen (Storm Reid) truy tìm tung tích của mẹ ruột Grace (Nia Long). Sau khi rời nhà ở Los Angeles đến Columbia du lịch cùng bạn trai, bà đột nhiên cắt đứt mọi liên lạc với con gái lẫn luật sư riêng. June nghi ngờ mẹ gặp nạn nên tìm cách kết nối ra nước ngoài. Cô cũng thu thập được thông tin cá nhân của bà thông qua các tài khoản mạng xã hội, từ đó lật mở nhiều bí mật bất ngờ xoay quanh vụ mất tích.

June Allen (Storm Reid) phải tự truy tìm tung tích mẹ ruột mà không có sự trợ giúp của cảnh sát.

Ở phần trước, khán giả được dõi theo câu chuyện người cha tìm kiếm con gái mất tích. Phần 2 lại chuyển hướng thành con gái tìm mẹ. Bài toán đặt ra cho các nhà làm phim là phải tạo ra một vụ án gay cấn, sau đó sắp đặt tình tiết khéo léo để mọi thứ trở nên logic. Biên kịch chủ yếu đào sâu các lỗ hổng trên không gian mạng, cách mạng xã hội “theo dõi” người dùng để dẫn dắt vấn đề.

Nhân vật chính June trong phim là một đại diện chính hiệu cho Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1996). Dù còn ở độ tuổi vị thành viên, cô bé rất thông minh và nhanh nhạy, nhất là trong việc khai thác tài nguyên trên Internet. Để phá án, nhân vật tận dụng từng thiết bị từ laptop, điện thoại, camera hay đồng hồ thông minh. June cũng thành thạo các ứng dụng nổi tiếng như WhatsApp, FaceTime, Siri… đến các mạng xã hội như Instagram, Facebook…

Gần như June không nhận được nhiều sự trợ giúp từ phía cảnh sát. Cô bé phải “tự thân vận động” trong suốt hành trình. Với nôn nóng tìm kiếm mẹ, nhân vật nhanh chóng tìm kiếm được nhiều thông tin quan trọng, truy lùng được mật khẩu mà chẳng cần kỹ năng hacker. Tuy nhiên, những thông tin June thu thập được lại không được xem là hợp pháp nên không thể dùng làm chứng cứ tại tòa.

Nhân vật chính khéo léo dùng mạng xã hội để thu thập thông tin cần thiết.

Thực tế, mọi thủ thuật trong phim đều dễ dàng có thể áp dụng trong đời sống, có điều không phải ai cũng biết. Qua từng diễn biến, người xem cũng thấy được mặt trái của việc sử dụng Internet khi Google trở thành thứ hiểu người dùng còn hơn cả người thân. Chỉ cần để lọt mật khẩu, mọi thông tin cá nhân sẽ bị người khác nắm được, từ đó mất hết bí mật đời tư.

Phát huy lợi thế của screenlife

Như phần trước, tác phẩm vẫn chọn phong cách screenlife (phim màn hình vi tính) để khai thác câu chuyện. Đây là hình thức dẫn dắt được phát triển dựa trên dòng found footage (phim giả tài liệu), nổi tiếng qua các dự án như The Blair Witch Project (1999) hay Paranormal Activities (2007).

Các thông tin trong kịch bản được cài cắm thông qua màn hình laptop, điện thoại, máy tính bảng… sau đó hiển thị lên màn ảnh rộng. Nhờ đó, người xem nắm bắt được diễn biến, hành động lẫn cảm xúc của June dưới một góc nhìn hoàn toàn khác.

So với phần trước, Missing được đầu tư mạnh hơn hẳn về mặt kinh phí (lên đến 7 triệu USD). Tuy nhiên, phần hình ảnh trong phim chưa thực sự xuất sắc, vẫn ở mức phim hạng B (các dự án có kinh phí thấp, đạo diễn và diễn viên mới vào nghề, ít tên tuổi hoặc đã qua thời).

Bù lại, ê-kíp chú trọng khâu biên tập. Các cảnh quay được cắt dựng, ghép nối hợp lý. Nhờ đó, tác phẩm lôi cuốn với nhịp điệu nhanh gọn. Các cú twist được cài cắm khéo léo, gây bất ngờ với người xem. Nhờ đó phim không tạo cảm giác dài dù thời lượng lên đến 111 phút.

Dù kịch bản đơn giản, phong cách screenlife giúp phim có điểm nhấn.

Tuy nhiên, vì muốn tăng sự liên kết giữa các sự kiện nên kịch bản còn khiên cưỡng, tồn tại vài điểm trừ. Đơn cử, các lỗ hổng bảo mật của Google khá lỗi thời, chỉ hợp lý nếu đặt bối cảnh 10 năm trước. Ngoài ra, nhiều dịch vụ web bị đăng nhập quá dễ dàng nên tạo cảm giác chưa thực sự chân thật.

Với kịch bản đơn giản, phim không đòi hỏi có quá nhiều nhân vật. Dàn diễn viên xuất hiện chỉ thoáng qua nhưng đều thể hiện tròn vai. Nổi bật nhất vẫn là Storm Reid trong vai chính June. Nữ diễn viên sinh năm 2003 thể hiện được sự lo lắng của một người con tìm mẹ, ít nhiều tăng độ hồi hộp cho phim. Ngoài ra, ngôi sao người Mỹ lai Hàn Daniel Henney cũng xuất hiện trong phim với vai thanh tra nhưng khá mờ nhạt, vai trò không quan trọng.

Khi ra mắt, Missing nhận được phản hồi rất tốt từ giới phê bình, đạt chứng chỉ “Tươi” trên Rotten Tomatoes với tỷ lệ 87%. Phần lớn đánh giá cao phần kịch bản, cách ê-kíp liên tục cài cắm các nút thắt để lôi kéo sự tập trung của người xem. Tại rạp, phim cũng thu hút được sự chú ý của khán giả, hiện đạt doanh thu hơn 36 triệu USD toàn cầu, cao gấp 5 lần số kinh phí bỏ ra.

Nhìn chung, Missing là tác phẩm giàu tính giải trí. Cốt truyện phim quen thuộc nhưng nội dung vẫn hấp dẫn nhờ cách kể chuyện khéo léo và có sáng tạo.

Sơn Phước

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truy-lung-tung-tich-qua-mang-post1513861.tpo