Truy cứu trách nhiệm sai phạm môi trường

Với tư cách đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã trao đổi, chất vấn một số thành viên Chính phủ về những vấn đề nổi cộm liên quan đến môi trường, chẳng hạn như việc Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) quyết định cấp phép “nhận chìm” gần 1 triệu mét khối bùn thải nạo vét ở Bình Thuận, thực trạng cấp phép và khai thác cát tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước...

Ông Nghĩa cho biết: Khi tôi liên hệ, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà dù đang đi công tác nước ngoài nhưng vẫn nhiệt tình cung cấp thông tin trực tiếp cho tôi, trong đó có những ý kiến đã được công bố. Bộ vẫn bảo lưu quan điểm “nhận chìm” gần một triệu mét khối bùn thải nạo vét không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái ở khu vực Hòn Cau. Bộ thể hiện sự thận trọng khi yêu cầu phải có đơn vị giám sát độc lập là Viện Hải dương học, với 13 trạm quan trắc đo lường thông số chất lượng nước biển, hệ sinh thái...

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Theo Bộ TNMT, cơ sở pháp lý để Bộ ban hành quyết định cấp phép cho chủ đầu tư Vĩnh Tân 1 là Nghị định 40 hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên - Môi trường và Hải đảo quy định danh mục vật chất được “nhận chìm”, Công ước quốc tế về luật biển và sự ủng hộ của của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, lắng nghe dư luận, tôi nhận thấy nhiều phản ứng trái chiều.

Vậy còn quan điểm của ông?

Qua các thông tin do Bộ trưởng cung cấp, tôi vẫn chưa rõ một số vấn đề.

Thứ nhất, bùn thải nạo vét đã được kiểm nghiệm đầy đủ hay chưa, kết quả kiểm nghiệm có đảm bảo trung thực, khách quan?

Thứ hai, theo ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, tỷ trọng bùn chiếm 20% khối lượng, 80% còn lại là cát, vỏ sò, sạn sỏi, sét đá phong hóa, không chứa phóng xạ. Dù điều này có đúng chăng nữa thì cũng cần lưu tâm rằng mức độ tác động của hoạt động nhận chìm còn phụ thuộc khối lượng đổ thải: trong câu chuyện này là gần một triệu mét khối.

Thứ ba, ông Sơn cho biết Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không công bố chi tiết cần bổ sung gồm những hạng mục nào. Nếu bổ sung, HĐTĐ có rà soát lại không? Thực tế đã có những tình huống nhà đầu tư cam kết thực hiện theo ý kiến của HĐTĐ, nhưng kiểm tra lại thì không thực hiện.

Thứ tư, là có việc các bộ ngành liên quan cùng UBND tỉnh Bình Thuận đóng góp ý kiến để nhà đầu tư tiếp thu. Bộ chưa cho biết nhà đầu tư đã tiếp thu những ý kiến gì, mức độ đến đâu?

Đã có những nhà khoa học lên tiếng về việc bị mạo danh trong “Dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”. Theo ông, đã đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ ra quyết định “nhận chìm” quyết định cấp phép của Bộ TNMT?

Qua một số thông tin mới nhất, tôi thấy quá trình thẩm định cần được minh bạch và công khai hóa hơn nữa. Có một đơn vị kinh doanh dịch vụ tư vấn tham gia vào đây, vai trò và trách nhiệm của họ ra sao trước pháp luật khi hồ sơ có vấn đề không trung thực? Quan trọng hơn là tính nghiêm minh về khoa học và tính chuẩn xác, trung thực của quá trình thẩm định. Khi đã có việc thiếu trung thực trong quá trình lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ nên công khai hồ sơ thẩm định và danh sách 22 thành viên HĐTĐ đề án “nhận chìm”, để công luận và giới khoa học biết được năng lực, uy tín của họ, từ đó có niềm tin vào HĐTĐ và kết quả thẩm định.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh TL

Tôi cho rằng Chính phủ nên chỉ đạo xem xét lại quyết định cho “nhận chìm”. Các ủy ban hữu quan của Quốc hội cũng cần quan tâm giám sát. Một số nhà khoa học độc lập đặc biệt lo ngại hiện tượng lan truyền bùn do sóng triều, hải lưu..., rủi ro hủy diệt hệ sinh thái. Về phần Bộ TNMT, để thuyết phục nhân dân, nên tạo điều kiện tối đa cho một nhóm chuyên gia độc lập nghiên cứu. Việc nhận chìm liên quan đến hàng chục ngành nghề, lĩnh vực: môi trường, bảo tồn thiên nhiên, Hội Nghề cá, địa chất, hải dương, du lịch... Họ cũng cần được tham vấn. Hội Nghề cá đã chính thức đề nghị đình chỉ việc “nhận chìm”. Có ý kiến cho rằng có những giải pháp khác ít thiệt hại hơn cho môi trường biển Hòn Cau, nhưng nhà đầu tư không đề xuất vì chi phí cao. Phải chăng đã có sự hy sinh môi trường cho lợi ích doanh nghiệp?

Thực tế là có những dự án gây hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức như Vĩnh Tân 1 nhưng bên cạnh đó cũng không loại trừ những trường hợp có “độ trễ”. Khi ấy, những cá nhân phê duyệt dự án có thể đã rời nhiệm sở. Tư tưởng hoàng hôn nhiệm kỳ, hạ cánh an toàn nuôi dưỡng rủi ro đạo đức nếu sự trừng phạt của pháp luật không thích đáng?

Lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh là không hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế. Nhân dân rất hoan nghênh quyết tâm này và luôn theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quyết tâm đó. Do đó, nếu xảy ra thiệt hại môi trường do sai sót hay gian lận trong việc thẩm định và cấp phép, thì không chỉ có những hậu quả kinh tế, xã hội mà cả những hậu quả khác, ví dụ uy tín của Chính phủ, trách nhiệm chính trị của lãnh đạo Bộ TNMT, trách nhiệm liên đới của một loạt bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Về việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu sau khi về hưu, tôi nghĩ lãnh đạo đất nước đã nghiêm khắc hơn rất nhiều. Việc thoát trách nhiệm nhờ về hưu đã được chấn chỉnh với một loạt cán bộ về hưu bị xử lý, tuy rằng có những biện pháp chưa thật thỏa đáng, nhưng cho thấy quyết tâm truy cứu trách nhiệm của những người đứng đầu ra quyết định sai trái. Động thái này có tác động đến những người đương nhiệm.

Tạm dừng câu chuyện về Hòn Cau. Một vấn đề tồn đọng nhiều năm, gây bức xúc dư luận là tình trạng khai thác cát tràn lan trên khắp cả nước...

Tôi đã chất vấn ba vấn đề chung quanh hạt cát. Một là chủ trương khai thác cát, có lúc lấy danh nghĩa nạo vét cát nhiễm mặn, có rất nhiều lỏng lẻo, sơ hở, cấp phép tràn lan, nhiều trường hợp không kiểm soát được tác hại trước mắt và lâu dài.

"Về việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu sau khi về hưu, tôi nghĩ lãnh đạo đất nước đã nghiêm khắc hơn rất nhiều. Việc thoát trách nhiệm nhờ về hưu đã được chấn chỉnh với một loạt cán bộ về hưu bị xử lý, tuy rằng có những biện pháp chưa thật thỏa đáng, nhưng cho thấy quyết tâm truy cứu trách nhiệm của những người đứng đầu ra quyết định sai trái" - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Hai là phải xem xét lại hoạt động cấp phép xuất khẩu cát, được cho là quá dễ dãi. Cát là một phần tài nguyên lãnh thổ và là loại tài nguyên không tái tạo nhưng đem bán cho nước ngoài! Bán với giá nào? Lợi ích ai hưởng?

Ba là tình trạng khai thác cát lậu. Những hoạt động này tác động thế nào đến môi trường, hệ sinh thái, gây ra nhiều hệ lụy như xói mòn bờ sông, bờ biển, sạt lở vườn tược, nhà cửa, tài sản của dân đổ xuống sông ai bù đắp? Thiệt hại này ai chịu trách nhiệm?

Chính phủ trả lời thế nào, thưa ông?

Chính phủ cho biết đang chấn chỉnh. Trong kỳ họp Quốc hội lần III vừa qua, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm kiên quyết xử lý. Tôi cũng đề nghị rà soát lại việc quản lý và khai thác cát trong vòng 10 năm qua. Phải có đánh giá toàn diện mới có thể khắc phục được tình trạng này. Nếu có ai đó trục lợi bất chính thì phải bị xử lý, thu hồi về cho Nhà nước để bù đắp và khắc phục thiệt hại của xã hội và người dân.

Báo chí phản ánh tình trạng ở một số địa phương quần chúng tự phát tập hợp, chia ca kíp để canh giữ, đương đầu với bọn khai thác cát lậu. Cũng đã xảy ra tình trạng người dân bị đánh đổ máu vì bảo vệ tài nguyên. Sự vắng mặt của chính quyền địa phương là biểu hiện của tình trạng vô chính phủ?

Để xảy ra tình trạng này cần phải đặt lại vấn đề hiệu lực của chính quyền. Khai thác cát lậu hoạt động công khai, sử dụng phương tiện cơ giới hóa, nhiều người tham gia, thời gian kéo dài... chứ đâu phải con chuột, con mối lén lút đục khoét đâu mà chính quyền không biết. Không bảo vệ được tài nguyên đất nước thì đâu có khả năng bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không chấm dứt ngay được tình trạng khai thác cát lậu. Chỉ cần Chính phủ dám làm thì sẽ làm được.

Lật lại Bộ luật Hồng Đức mới thấy tiền nhân của chúng ta không cho phép đổ thừa. Một ví dụ nhỏ: Điều 294 nói “ở những phường hẻm hay trong kinh thành, hoặc hương thôn xã có người bệnh tật, không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá cầu điếm chùa quán, cho phép quan bản phường xã dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở cấp cơm cháo thuốc men cứu sống họ. Không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may chết thì trình quan trên liệu bề chôn cất. Không được để hài cốt bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị bãi chức”. Nghĩa là, để cho những việc sai trái xảy ra ở địa phương do mình quản lý thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.

Là người lãnh đạo, cái việc anh phải biết, phải làm được mà không biết, không làm được thì ít ra anh phải từ chức, nhường lại cho người có năng lực hơn anh. “Không biết”, “không phát hiện”, “chưa nắm được”, “do cấp dưới nôn nóng”... không thể là những lý do miễn trách cho người đứng đầu đối với những sai phạm, thiệt hại cho dân, cho nước xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách, dù ở thì quá khứ hay hiện tại.

Thượng Tùng thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/9334/truy-cuu-trach-nhiem-sai-pham-moi-truong.ndt