Trường “tự bơi” khi giúp trẻ tự kỷ hòa nhập

Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng tại các cơ sở y tế số lượng trẻ được chuẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng mạnh qua các năm. Trong khi đó, việc để trẻ tự kỷ học hòa nhập ở bậc học mẫu giáo và tiểu học là vô cùng khó khăn, bởi chính sách đối với cả cô và trò đều chưa có.

Trong giờ học, thỉnh thoảng có học sinh đang đục khoét tường ở cuối lớp để ăn hoặc bất chợt có em chạy ra giữa trời mưa đòi về mà không vào lớp học khiến cả cô và trò che ô dưới mưa khóc… Đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống khó xử mà các giáo viên đang tự cố gắng vượt qua để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập.

Cần có chính sách dạy và học cho trẻ tự kỷ trong trường học như đối với trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật.

Phát hiện con bị chứng tự kỷ khi con gần 2 tuổi, chị Nguyễn Hà (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã trải qua 4 năm ròng rã cùng con qua các lớp học tại nhà, trung tâm dành cho trẻ tự kỷ. Hàng chục lần bị từ chối từ các trường mầm non. “Cháu không gây nguy hiểm cho bạn bè do đó việc học hòa nhập là cần thiết. Nhưng hàng chục trường mầm non mà tôi gõ cửa đều từ chối. Cháu đành quay lại một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ để học với mức học phí cao ngất ngưởng”.

Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những trường trên địa bàn Hà Nội dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Nhiều giáo viên trong trường từng đảm trách lớp có học sinh tự kỷ. Đa số đều chưa từng qua trường lớp bài bản về dạy trẻ tự kỷ nhưng bằng tình yêu thương, sự tự học hỏi, tìm tòi, họ vẫn đón nhận từng lứa học sinh mắc chứng bệnh này để các em có được môi trường hòa nhập.

Gần 20 năm dạy lớp học có trẻ tự kỷ, cô Nguyễn Thị Ánh Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh tâm sự: “Những năm trước đây, khi trường nhận trẻ tự kỷ vào học hòa nhập gặp phải rất nhiều sự phản đối của các phụ huynh khác. Họ yêu cầu những trẻ bị tự kỷ phải học ở những trung tâm. Khi đó, Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm phải thuyết phục phụ huynh rất nhiều. Trong 5 năm trở lại đây, học sinh bị mắc căn bệnh này nhiều hơn cả cấp số cộng”.

Cô Ánh Hường kể: “Tự kỷ đang là một căn bệnh xã hội nhưng nhiều gia đình chưa quan tâm thực sự. Như năm ngoái, nhận thấy em T.Đ.L có biểu hiện tự kỷ. Tôi đã 4, 5 lần gọi cho gia đình để trao đổi nhưng nhận được câu trả lời: “Thấy con em bình thường mà chị”. Nhưng phải đến một năm sau, gia đình mới đi khám và có giấy chứng nhận là trẻ tự kỷ”.

Là một giáo viên trẻ với 5 năm tuổi nghề nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hương, Giáo viên lớp 2A2, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh đã có 2 năm phụ trách lớp có trẻ tự kỷ cho biết: “Khi tiếp nhận những học sinh này thì việc đầu tiên là em tự tìm hiểu các kiến thức liên quan. Bằng kiến thức môn tâm lý đã được học trong trường sư phạm, kết hợp với những tài liệu tự tìm đọc trên mạng và có khi phải mua bản quyền để tự học”.

Theo thống kê của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ở Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng từ năm 2000 đến nay, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng. Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 - 2007 cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều. Số lượng trẻ này đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000. Xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 - 2007 so với năm 2000.

“Trẻ tự kỷ rất cần được học hòa nhập. Bởi các con cần học được “cái khôn” từ trẻ bình thường, còn trẻ bình thường sẽ học được sự chia sẻ, lòng nhân ái đối với những bạn kém may mắn hơn mình. Chúng tôi cũng từng được tham gia tập huấn theo một số dự án theo dạng tập trung. Nhưng do còn đảm nhận trách nhiệm lớp nên việc đi học cũng ảnh hưởng. Nên chăng ngành giáo dục có những chuyên gia, giảng viên về hướng dẫn tại trường. Hiện nay, giáo viên được đi tập huấn liên tục về những chuyên đề dạy trẻ khuyết tật, theo các dự án dạy khuyết tật; tuy nhiên, với trẻ tự kỷ thì không có”, cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ hiện không có bất cứ một hỗ trợ cũng như chế độ nào khác biệt cả. Hiện nay, trong nhà trường vẫn chưa có chính sách định biên cho giáo viên này.

“Thực tế, hàng tháng chúng tôi đều có những báo cáo đầy đủ về y tế của 14 trường hợp trẻ tự kỷ và luôn có những giải pháp kịp thời. Những chuyển biến với trẻ tự kỷ là có nhưng mới chỉ dừng lại là có môi trường cho các con được giao lưu. Bởi nếu nói đào tạo bài bản thì cần rất nhiều các yếu tố khách quan, nhất là chính sách đặc thù”, bà Trần Thị Thanh Hải đánh giá.

Thầy Đinh Đoàn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, một trường có dạy trẻ khuyết tật thuộc Sở GD - ĐT Hà Nội, cho biết, tại Việt Nam, lĩnh vực nào cũng có chuyên gia nhưng riêng về giáo dục trẻ tự kỷ thì rất hiếm. Trường học công lập cho trẻ tự kỷ chưa có, những trung tâm tư nhân giá cao ngất trời và luôn trong tình trạng quá tải. Hơn nữa, chất lượng chuyên môn không ai kiểm soát. Vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng...

Những năm trước đây ngành giáo dục đã có quy định trường tiểu học công lập phải nhận học sinh tự kỷ nhẹ nhưng thực tế, cả trường mầm non và trường tiểu học đều “ngại ngần”, hoặc có nhận thì các gia đình cũng phải rất chật vật. Do đó, việc để trẻ tự kỷ hòa nhập trong trường học vẫn muôn vàn khó khăn.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, một số trường học ở Hà Nội vẫn tiếp nhận các cháu bị tự kỷ vào học hòa nhập. Nhưng Bộ GD - ĐT cũng chưa có tài liệu nào nói về việc giáo dục trẻ tự kỷ, chỉ nói rằng đối với trẻ khuyết tật giáo viên cần có sự quan tâm hơn để các cháu được hòa nhập.

“Ngành giáo dục vẫn chưa có chính sách cụ thể nào đối với việc dạy hòa nhập cho trẻ tự kỷ trong trường học. Bộ có giao cho Viện khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện những nghiên cứu này và hy vọng sớm sẽ có căn cứ để đi đến vấn đề chính sách”, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT, cho biết.

PGS.TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:

Những thành quả nghiên cứu về tự kỷ, giáo dục hội nhập và giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, người tự kỷ ở nước ta còn rất ít ỏi so với thành tựu của thế giới cũng như so với nhu cầu thực tiễn ở nước ra hiện nay. Tại Việt Nam hiện nay, người tự kỷ và các gia đình có con bị tự kỷ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như về y tế, về giáo dục, về các chính sách hỗ trợ... Do đó, cần có một nghiên cứu thống kê số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ Việt Nam, tỉ lệ mắc và nguy cơ để các ngành liên quan có sự nhìn nhận đúng về sự bùng nổ của hội chứng này. Đây là cơ sở để nghiên cứu các chiến lược về chính sách, giáo dục, y tế, xã hội trợ giúp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ và gia đình các em.

TS Nguyễn Thị Thanh Mai, ĐH Y Hà Nội:

Ở Việt Nam, đi cùng với bùng nổ về tỷ lệ mắc bệnh là sự xuất diện của nhiều trung tâm, nhiều đơn vị, nhiều phương pháp can thiệp khác nhau. Các cơ sở can thiệp không có sự phối hợp giữa các chuyên ngành và không được kiểm soát và quản lý về mặt chuyên môn và chất lượng, chưa có một mạng lưới can thiệp được quản lý theo hệ thống đồng thời cũng chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý cho hệ thống này. Có thực tế, nhiều bài thuốc như thần dược, nhiều phương pháp điều trị lạ lùng, nhiều cá nhân có khả năng đặc biệt… tuyên bố chữa khỏi rối loạn tự kỷ làm cho cha mẹ hoang mang, cũng rối loạn theo mà không được cơ quan chuyên môn nào kiểm chứng.

Thực tế, các bộ, ngành như giáo dục, y tế, thương binh- xã hội… chưa xác định được giải pháp phối hợp hoạt động trong công tác chăm sóc và hỗ trợ cho những trẻ mắc chứng tự kỷ.

Lê Vân

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/truong-tu-boi-khi-giup-tre-tu-ky-hoa-nhap-20161013220027964.htm