Trường THPT Quảng Xương 3 - Chu Văn An: 40 năm một chặng đường phát triển

40 năm đã qua (1983-2023), khoảng thời gian đủ dài để khẳng định sự trưởng thành, đủ để hun đúc, khơi nguồn, bồi đắp và thắp sáng phẩm cách, tài năng và trí tuệ của bao thế hệ học trò trường THPT Chu Văn An.

Giai đoạn 1983-1993: Khởi đầu của sự phát triển.

Cùng với sự phát triển giáo dục trong cả nước và xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương, ngày 11/11/1983, tại vùng ven biển phía Đông Bắc huyện Quảng Xương, Trường PTTH Quảng Xương III, tiền thân của trường THPT Chu Văn An (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ngày nay, (lúc đầu là phân hiệu 2 của trường cấp 3 Quảng Xương I, huyện Quảng Xương) được thành lập theo Quyết định số 1151/QĐ-UBTH của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày đầu thành lập, trường được đặt tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương. Đây là vị trí cũ của trường Hành chính tỉnh Thanh Hóa để lại. Cơ sở vật chất lúc đó nghèo nàn, chỉ có 1 dãy nhà cấp 4B (có 8 phòng học) và văn phòng làm việc, bàn ghế được thầy và trò vận chuyển về từ phân hiệu 2 trường cấp 3 Quảng Xương I, đóng tại xã Quảng Tâm; có 14 lớp học sinh; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có 49 người.

Hình ảnh đại biểu, thầy giáo, cô giáo và học sinh dự Lễ thành lập trường PTTH Quảng Xương III. Ảnh: NTCC

Đến năm 1987, trường chuyển địa điểm về xã Quảng Cát (nay thuộc TP. Thanh Hóa) tiếp quản cơ sở vật chất từ trường Lao động tiền lương tỉnh Thanh Hóa. Chuyển đến vị trí mới, thầy và trò nhà trường lại bắt tay vào cải tạo sửa chữa trường lớp phục vụ cho việc dạy và học. Tháng 7 năm 1990, trường được chuyển về địa điểm hiện nay, thuộc xã Quảng Minh, là địa điểm cũ của trường Trung cấp Thương mại Trung ương 5 để lại. Từ đây mở ra một giai đoạn ổn định và phát triển cho nhà trường.

Năm học 1990-1991 là năm học đầu tiên chuyển từ hệ 10 năm lên hệ 12 năm, nhà trường lúc này có 2 dãy nhà cấp 4B với 8 phòng học; có 7 lớp học sinh (trong đó 3 lớp 12, 3 lớp 11 và 1 lớp 10) với 280 học sinh. Để ổn định đội ngũ giáo viên, một giải pháp tình thế đã được đề ra và đã được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Thanh Hóa và UBND huyện Quảng Xương, năm học 1991-1992 nhà trường được nhận tất cả lớp cấp 2 (THCS) của xã Quảng Minh, bắt đầu từ đây nhà trường có 2 cấp học là cấp 2 và cấp 3, mô hình này được duy trì đến năm 1996 thì dừng lại.

Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam của nhà trường những năm tháng còn khó khăn. Ảnh NTCC

Giai đoạn 10 năm đầu kể từ khi được thành lập, dù gặp vô vàn khó khăn và thiếu thốn, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn trường đã có 43 lớp với 1.490 học sinh tốt nghiệp ra trường, nhiều học sinh đỗ vào các trường Đại học danh tiếng, tiêu biểu có học sinh Hoàng Bình Yên đậu thủ khoa Trường Đại học Nông nghiệp I năm 1991.

Giai đoạn 1993-2003: Ổn định phát triển và đi lên

Phát huy truyền thống của nhà trường, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Quảng Xương, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết đã đưa nhà trường phát triển lên tầm cao mới. Cũng trong giai đoạn này đã xuất hiện những cách làm hay như xây dựng nhà trường có 3 loại hình lớp trong trường công lập là Công lập THPT, Bán công THPT và Bổ túc THPT. Việc vận dụng sáng tạo này đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trong địa bàn, góp phần chuẩn hóa trình độ cho cán bộ địa phương, giải quyết được việc dôi dư giáo viên, bên cạnh đó là tạo được nguồn lực tài chính để tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường lớp, loại hình này được duy trì đến hết năm học 2008-2009.

Thư viện của nhà trường năm học 1994 -1995. Ảnh NTCC.

Năm học 1997-1998, nhà trường được UBND tỉnh đầu tư xây mới khu nhà phòng học 2 tầng với 12 phòng học. Từ năm 1998 đến năm 2003 trường đã xây dựng thêm được khu nhà hiệu bộ, khu nhà thư viện - tin học, khu nhà truyền thống và tường rào xung quanh trường; sân chơi, bãi tập rộng rãi; hệ thống cây xanh thoáng mát.

Cơ sở vật chất khang trang dần lên, chất lượng giáo dục cũng từ đó mà đi lên. Trong giai đoạn này nhà trường có 30 giáo viên dạy giỏi cấp cụm, 6 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 5 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, nhiều giáo viên đã khẳng định được vai trò của mình không chỉ ở trong trường mà là toàn ngành giáo dục Thanh Hóa như: Thầy Nguyễn Hữu Thành (môn Sinh học), thầy Chu Anh Tuấn (môn Toán), thầy Lê Ngọc Thịnh (môn Hóa học), thầy Nguyễn Hồng Quang (môn Toán), thầy Lê Hồng Điệp (môn Sinh học)...

Ông Vương Văn Việt, nguyênGiám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa dự lễ khởi công xây dựng khu nhà học 2 tầng năm học 1997-1998. Ảnh NTCC

Giai đoạn này nhà trường có 97 lớp với 4.966 học sinh tốt nghiệp ra trường; có 954 học sinh đậu vào các trường Đại học; có 2 học sinh được tuyển thẳng vào Đại học, có 2 học sinh đỗ thủ khoa Đại học, có 3 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa, học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh có 223 lượt học sinh.

Với những thành tích rất đáng tự hào đó, nhà trường liên tục được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Xương tặng Giấy khen "Chi bộ cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh"; Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa tặng giấy khen "Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; Công đoàn được BCH Công đoàn Lao động tỉnh Thanh hóa tặng Giấy khen; Đoàn trường được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

Giai đoạn 2003-2013: Tiếp bước tuyền thống dựng xây nhà trường

Có được nền tảng của sự phát triển giai đoạn trước, trong thời gian này nhà trường tiếp tục phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Bằng các nguồn nội lực, nhà trường tiếp tục đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng thiết bị, phòng y tế học đường, bổ sung và thay mới bàn ghế; đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên được chăm lo; tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân các sự kiện lớn của đất nước. Điều này đã tạo tâm lý phấn khởi, đoàn kết trong cơ quan, tạo động lực cho thi đua dạy tốt, học tốt.

Cơ sở vật chất tiếp tục được sửa chữa, xây mới. Năm học 2009-2010, nhà trường chính thức đưa khu phòng học 4 tầng với 24 phòng học vào sử dụng, đây là công trình được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng, đến thời điểm hiện tại nhà trường đã có 43 phòng học kiên cố với 4 dãy nhà, cơ sở vật chất nhà trường cơ bản đã đáp ứng tốt việc dạy và học. Giai đoạn này nhà trường có 60 giáo viên dạy giỏi cấp cụm, 12 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 14 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.

Nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013. Ảnh NTCC.

Về số lượng học sinh trong mỗi năm học luôn được giữ ổn định trên 33 lớp. Giai đoạn này đã có 117 lớp với 5.670 học sinh tốt nghiệp ra trường. Trong đó số học sinh đậu Đại học là 2.518, có 5 học sinh thủ khoa; có 2 học sinh đạt giải trong các kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa .

Với những thành tích đó, nhà trường đã được tặng những phần thưởng cao quý: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm học 2011-2012 và năm học 2012-2013; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen năm 2013; Thủ tướng Chí phủ tặng Bằng khen năm 2012; đặc biệt Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013.

Giai đoạn 2013-2023: Nối tiếp truyền thống viết tiếp trang sử mới

Trải qua hành trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò nhà trường bắt đầu bước vào một quá trình xây dựng và phát triển mới, không ngừng nỗ lực, tìm tòi, đổi mới để tạo ra một thập kỉ phát triển ấn tượng, vững vàng, lớn mạnh của ngôi trường có bề dày truyền thống.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhà trường đã xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, giữ ổn định quy mô trường lớp, tập trung tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tốt nhất cho công tác dạy và học. Vì vậy trong những năm học này nhà trường luôn tuyển sinh lớp 10 khoảng 12 lớp, số lớp trong trường luôn duy trì ổn định khoảng 36 lớp, số cán bộ, giáo viên, nhân viên dao động khoảng 74-76 người. Chất lượng giáo dục được giữ vững, công tác chăm lo chế độ, quyền lợi cho người lao động, học sinh được đảm bảo.

Nhiều hoạt động ngoại khóa được nhà trường quan tâm và xây dựng tạo sân chơi cho học sinh. Ảnh NTCC.

Thực hiện Nghị quyết số 935/QĐ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015 của UBTV Quốc hội mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn. Theo đó 6 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại của huyện Quảng Xương chuyển về thị xã Sầm Sơn. Như vậy lúc này trường THPT Quảng Xương III, đóng trên địa bàn xã Quảng Minh đã thuộc địa bàn hành chính của thị xã Sầm Sơn. Ngày 03 tháng 02 năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn ban hành quyết định 456-QĐ/TU nâng Chi bộ thành Đảng bộ trường THPT Chu Văn An với 3 Chi bộ, 49 đảng viên.

Ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 1266/QĐ-UBND, đổi tên Trường THPT Quảng Xương III thành Trường THPT Chu Văn An, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một dấu mốc lớn bắt đầu cho một thời kỳ phát triển mới của nhà trường.

Cán bộ giáo viên nhà trường pha chế nước sát khuẩn phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh NTCC

Năm 2019, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên của huyện Quảng Xương giải thể, nhà trường đã tiếp nhận 14 giáo viên và 367 em học sinh lớp 11, 12 về học tập và công tác. Lúc này số lớp từ 36 đã tăng lên 43 lớp với 1.834 học sinh.

Cuối năm 2019 đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hoành, gây hậu quả mất mát nghiêm trọng cả về người lẫn của trên toàn thế giới. Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và của ngành, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An từng bước khắc phục khó khăn, chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến, cùng dân tộc Việt Nam chiến thắng đại dịch, tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt đưa chất lượng giáo dục của nhà trường đi lên.

Trong giai đoạn này, nhà trường có đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, 100% CBGV có trình độ đạt chuẩn, có 1 tiến sỹ, 37 thạc sỹ, 32 giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, có 4.968 học sinh tốt nghiệp, có khoảng 3.267 học sinh đậu Đại học trong đó có gần 200 học sinh đạt trên 27 điểm/3 môn xét Đại học, có 35 học sinh đạt trên 28 điểm (riêng năm học 2022-2023 nhà trường có 49 học sinh có 3 môn xét đại học trên 27 điểm, có 15 học sinh có 3 môn xét đại học trên 28 điểm). Có 268 học sinh giỏi cấp tỉnh; có 4 học sinh đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia giải bài tập bằng máy tính cầm tay casio ...

Những ngày tháng 11 của năm 2023, các thế hệ thầy trò trường THPT Chu Văn An đang háo hức chờ đợi ngày kỷ niệm 40 năm thành lập nhà trường.

Ghi nhận những đóng góp của tập thể thầy và trò nhà trường, trong 10 năm có 150 lượt giáo viên được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở, gần 100 lượt giáo viên được Giám đốc sở tặng giấy khen, nhiều đồng chí được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen. Về phía nhà trường, năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; năm học 2019-2020 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, liên tục nhiều năm được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen.

Hoàng Đức

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/truong-thpt-quang-xuong-3-chu-van-an-thanh-hoa-40-nam-mot-chang-duong-phat-trien-82695.html