Trưởng thôn '3 dám' ở Đồng Chãu

Trưởng thôn Đỗ Văn Nhân, thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực (Yên Sơn) vốn là quân nhân. Chất lính trong ông bộc lộ khá rõ nét. Có lẽ vì thế mà ông được chính quyền và bà con nhân dân gọi là Trưởng thôn 3 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm.

Từ chuyện dám nói

Có gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện, mới thấy chất lính trong con người đảng viên Đỗ Văn Nhân "đậm đà” như nào. Lời lẽ, cử chỉ, tác phong, tất cả đều gọn gàng và... đầy uy lực.

Chẳng thế mà chuyện sinh hoạt chi bộ ở Đồng Chãu, từ ngày có ông Nhân, có những sự thay đổi đáng kể.

Trưởng thôn Đỗ Văn Nhân.

Ông Nhân kể, ngày mới chuyển sinh hoạt từ đơn vị về chi bộ, được bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, rồi Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ, buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên ở nơi cư trú, ông đến trước 15 phút, áo quần chỉnh tề, mang sổ sách ghi chép đầy đủ... Ấy thế mà quá giờ sinh hoạt cả mươi, mười lăm phút, vẫn chưa đủ đảng viên để buổi sinh hoạt bắt đầu. Giờ giấc lộn xộn, trang phục của đảng viên cũng người quần soóc áo phông, người diện cả bộ đồ ngủ. Và đặc biệt, không ai mang sổ sách gì để ghi chép cả.

Hỏi, thì ai cũng cười xòa, bảo chi bộ mình là chi bộ nông thôn, nên phiên phiến thôi, vì đảng viên đều là nông dân cả.

Nhưng ông Nhân bảo, không thể thế được. Dù là chi bộ nông thôn, nhưng Chi bộ giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân chính trị ở cơ sở, mình là đảng viên, mình cũng phải tiên phong, nghiêm túc trong mọi việc thì mới làm gương được cho quần chúng chứ.

Nói là làm, những buổi sinh hoạt sau, ai không đến đúng giờ, ai ăn mặc không chỉnh tề, quên sổ sách ghi chép... ông góp ý, phê bình thẳng thắn. "Giờ thì thay đổi toàn bộ rồi. Sinh hoạt chi bộ trở thành đợt sinh hoạt chính trị nghiêm túc".

Ông Nhân cười, có lẽ vì tính mình thẳng, góp ý với đảng viên cũng thẳng thắn, ngay cả người nhà, nếu có điều gì chưa đúng, mình cũng góp ý ngay tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn. "Có người nhà mình góp ý còn giận mấy ngày, mình cũng phải chia sẻ thật là nếu muốn dân hiểu, dân theo, thì người nhà mình phải làm tốt trước, phải thật sự chân thành với nhau trước thì mới nói được bà con, họ mới nguôi giận đấy".

Dám nghĩ, dám làm

Đồng Chãu cơ bản đã hoàn thành các tuyến đường bê tông nông thôn, nhưng còn 2 tuyến đường vào vùng sản xuất hàng hóa, được coi là "viên đá tảng" vì bao nhiêu năm, vận động bà con kiểu gì cũng không ai muốn hiến đất, mở đường.

Dẫn khách đi thăm tuyến đường chuẩn bị thi công, ông Nhân bảo, chiều rộng của cả tuyến trước đây chỉ có 1 mét. Bà con lấn ra, trồng cam, trồng bưởi hết cả. Những vườn cây ăn quả trĩu cành, mỗi cây cũng bỏ ra cả mấy tạ quả, nên vận động bà con hiến đất mở rộng đường khó lắm. Đất vàng, trái vàng, ai cũng tiếc công tiếc sức.

Trưởng thôn Đỗ Văn Nhân cùng ngồi họp với 23 hộ dân bị ảnh hưởng. Nói hết nước hết cái, vừa vận động, thuyết phục, vừa "dọa" nếu không làm năm nay, thì sang năm hết hỗ trợ, có muốn làm là phải bỏ tiền túi ra làm đấy... "Nói phải củ cải cũng nghe", 23 hộ bị ảnh hưởng nhất trí chặt bỏ mỗi nhà mấy hàng cây, mở rộng đường từ 1 mét ra 4 - 5 mét.

Nhà nhiều nhất là Cựu chiến binh Đào Đình Bồng, hiến hơn 300 mét vuông ruộng. Nhà neo đơn như cụ Nguyễn Thị Bình được dân nhất trí cho góp 1 nửa tiền... Bà con đồng ý, ông Nhân bỏ tiền túi 2 triệu đồng, cùng với các hộ gọi máy về đào đất, mở rộng đường ngay.

Tuyến đường vào vùng trồng cây ăn quả chuẩn bị được mở rộng sau nhiều năm vận động.

Năm 2023, Đồng Chãu quyết định mở đường vận xuất lên núi để vận chuyển gỗ khai thác cho thuận tiện. Nói là quyết định thôi, nhưng cũng khó khăn lắm, bởi hành trình có con đường này, cũng đã hơn 10 năm rậm rạp vận động. Dẫu con đường trước đây nhỏ tí, chở được cây giống lên hay chở được cây gỗ về... bà con cũng phải "trày da tróc vảy" mới hoàn thành, nhưng nói đến đóng góp mỗi hộ 8 triệu đồng để đổ bê tông tuyến đường dài hơn 300 mét, ai cũng lắc đầu lè lưỡi.

17 hộ có đất rừng ngồi lại với nhau. 5 người 10 ý. Ông Nhân bảo, cả diện tích hưởng lợi hơn 20 ha, mỗi ha đến kỳ thu hoạch cũng thu về cả trăm triệu đồng, mà giờ cứ đứng nhìn nhau, tiếc tiền, thì bao giờ cái xe tải mới chạy lên được đến chân vườn rừng mà chở gỗ về cho đỡ bị thương lái ép giá vì đường xấu?... 16 hộ nghe được, nhất trí làm, 1 hộ không đồng ý, không góp tiền. Thôn ra quy định, hộ nào không góp tiền, chỉ được đi lại bằng xe máy, không được cho ô tô qua lại, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ đã đóng góp tiền.

Giờ, xe ô tô chạy bon bon lên đến tận chân đồi, ông Nguyễn Văn Lương có 3 ha keo chuẩn bị khai thác cười sung sướng: Bõ công bao nhiêu năm trầy chật lăn từng khúc gỗ, thuê công nông tăng bo không biết bao nhiêu lượt mới về được đến nhà... Giờ thì nhàn rồi, biết thế này bà con đã bỏ tiền làm đường sớm hơn!

Người Đồng Chãu vẫn bảo nhau, may mà có ông Nhân đứng ra quyết, nếu không làm gì có ngày được hưởng lợi như này. Trưởng thôn Đỗ Văn Nhân bảo, sự thay đổi của bà con chính là món quà lớn nhất từ ngày ông được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Dân dám làm, thì ông dám nói, dám đứng ra chịu trách nhiệm.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/truong-thon-3-dam-o-dong-chau-183855.html