Trương Nghệ Mưu không thể sống thiếu tiểu thuyết

Các nhà văn Trung Quốc chia sẻ quan điểm về phim chuyển thể văn học, cho rằng Trương Nghệ Mưu thành công nhất khi chuyển thể văn học.

Hình ảnh trong phim Kim Lăng thập tam thoa, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nghiêm Ca Linh.

Theo Baidu, Trương Nghệ Mưu đã bày tỏ lòng tôn trọng của mình đối với văn học Trung Quốc nói chung: "Tôi luôn tin rằng điện ảnh Trung Quốc không thể tách rời khỏi văn học Trung Quốc. Nói cách khác, cá nhân tôi không thể sống thiếu tiểu thuyết”.

Chuyển thể không cần quá trung thành với nguyên tác

Các nhà phê bình cho rằng các tác phẩm của Dư Hoa và Tô Đồng chính là những ví dụ của những tác phẩm có phim chuyển thể thành công.

Cả Phải sốngĐèn lồng đỏ treo cao đều được đánh giá là những kiệt tác của điện ảnh Trung Quốc, đồng thời, nguyên tác đằng sau chúng cũng là những viên ngọc quý không thể bỏ qua trong văn học Trung Quốc.

Bản thân Dư Hoa đã nhiều lần nói về bản chuyển thể Phải sống của Trương Nghệ Mưu. Ông đã nói: "Nếu bạn muốn tìm một bộ phim không trung thành với nguyên tác nhất nhưng lại có các cảnh quay đẹp nhất, thì đó chính là Phải sống".

Ngay cả khi nhiều khán giả buộc tội Trương Nghệ Mưu "bất trung" với tác phẩm này. Dư Hoa vẫn cương quyết: "Chỉ có kẻ ngốc mới trung thành với nguyên tác". Ông cho rằng nếu bộ phim chỉ cố gắng trung thành với nguyên tác, thì đạo diễn chỉ là "đồ trang trí", một đạo diễn không có ý tưởng của riêng mình thì không thể nói về sự sáng tạo.

Nhà văn Dư Hoa. Ảnh: Baidu.

Việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim điện ảnh và truyền hình luôn là chủ đề gây nhiều bàn tán. Phim chuyển thể từ sách ăn khách là chuyện khá phổ biến ở thị trường điện ảnh Hollywood, sách đem lại chất liệu cho phim và phim cũng kéo độc giả đến với nguyên tác nhiều hơn.

Tất nhiên, cũng có trường hợp một bộ phim chuyển thể thành công giúp một tác phẩm văn học chưa được chú ý tỏa sáng. Do đó, trong việc chuyển thể, mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, truyền hình bổ sung cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau.

Nhà văn Tô Đồng đã lãng mạn hóa mối quan hệ này, cho rằng “quan hệ giữa chữ viết và hình ảnh là mối quan hệ gắn bó nồng nàn và là tình nghĩa”.

Câu chuyện là cốt lõi của tác phẩm

Cả tiểu thuyết lẫn phim điện ảnh và truyền hình đều “kể chuyện” cho người đọc và người xem thông qua các hình thức biểu đạt ngôn ngữ tương ứng. Cốt truyện là cốt lõi còn cách kể mới là mấu chốt tạo nên những tác phẩm xuất sắc.

Khi Trương Nghệ Mưu cân nhắc chuyển thể tác phẩm của Dư Hoa, Phải sống không phải là lựa chọn đầu tiên của ông.

Trong những năm 1980, Dư Hoa đã thử sức với nhiều thể loại tiểu thuyết khác nhau. Ông đã sáng tác tiểu thuyết trinh thám Sai lầm bên sông, tiểu thuyết võ hiệp Huyết mai hoa... Ban đầu, Dư Hoa đưa cho Trương Nghệ Mưu tác phẩm Sai lầm bên sông nhưng Trương Nghệ Mưu hỏi lại, xin một tiểu thuyết nào mới hơn không. Vậy là Phải sống đến tay Trương Nghệ Mưu, được chuyển thể thành một bộ phim giờ đây đã trở thành kinh điển của điện ảnh Trung Quốc.

Dư Hoa cho rằng Trương Nghệ Mưu thành công nhất khi chuyển thể văn học đương đại. Từ Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao, Thu Cúc đi kiện đến Chuyện tình cây táo gai, Trương Nghệ Mưu đã mang đến một hơi thở mới cho các câu chuyện. Các nhân vật và tình tiết trong truyện được thể hiện đậm nét hơn thông qua sự kết hợp giữa hình ảnh và âm nhạc. Từ đó, khi đọc tiểu thuyết, độc giả có nhiều “hình ảnh” và “góc nhìn” cụ thể hơn.

Dư Hoa từng nói rằng chuyển thể tiểu thuyết thì dễ, chuyển thể truyện ngắn và truyện dài thì khó hơn. Quá dài hoặc quá ngắn sẽ làm tăng độ khó của phim chuyển thể và phim truyền hình.

Tiểu thuyết chú trọng ngôn từ và tình tiết, còn phim chú trọng hình ảnh và giác quan. Sự khác biệt giữa hai loại này là do quá trình "cải" và "biên" mà thành. Việc “cải” có hay hay không, “biên” khéo hay không sẽ khẳng định tay nghề của đạo diễn.

Hình ảnh trong phim Phải sống. Ảnh: IMDB.

Tô Đồng nhớ lại khi ông xem Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu và so sánh nó với tác phẩm gốc của mình.

Đối với những khán giả đã xem phim trước thì khi nhắc đến cuốn tiểu thuyết này, điều đầu tiên họ nghĩ tới là câu chuyện về “chiếc đèn lồng treo trong sân nhà một ông già” và “người vợ lẽ”.

Tuy nhiên, "đèn lồng đỏ" không phải là mắt xích chính trong tiểu thuyết của Tô Đồng. "Những người vợ và người vợ lẽ" trong sách chỉ đề cập rằng "một chiếc đèn lồng được treo ở cổng dinh thự nhà họ Trần vào ngày 7/12. Vào ngày này, Trần Tả Thiên tổ chức sinh nhật lần thứ 50".

Vậy mà, Trương Nghệ Mưu đã biến "đèn lồng đỏ" thành một hình ảnh quan trọng trong phim, thậm chí, trở thành một biểu tượng xuyên suốt, tạo ký ức thị giác cho khán giả khi nghĩ đến câu chuyện.

Tương tự vậy, trong Thu Cúc đi kiện, những quả ớt đỏ treo khắp sân không phải là bối cảnh trong nguyên tác. Trương Nghệ Mưu một lần nữa sử dụng màu đỏ trong không gian, nhưng màu đỏ ở đây không lộng lẫy như “đèn lồng đỏ”, mà đầm đậm, thể hiện sức nặng cuộc sống mưu sinh đời người nông dân và cũng chứa đựng niềm hy vọng về một cuộc sống ngoan cường.

Sức hấp dẫn của hình ảnh nằm ở khả năng kích thích nhận thức của người xem, từ đó thôi thúc người ta có những trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc hơn về câu chuyện liên quan đến bản chất con người, số phận và tình cảm.

Khi chúng ta đọc văn bản, chúng ta tưởng tượng ra các nhân vật khác nhau và hình ảnh tưởng tượng ra sao phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người. Một bản chuyển thể tốt có thể khiến khán giả suy nghĩ nhiều hơn về câu chuyện ấy. Ngay cả một cảnh quay nhỏ cũng khiến khán giả liên tưởng đến một ký ức khác của cá nhân họ, dù không liên quan gì đến câu chuyện.

Văn học cung cấp dinh dưỡng liên tục cho phim

Giống đánh giá của Dư Hoa đối với việc chuyển thể Phải sống, Tô Đồng không coi sự trung thành với nguyên tác là tiêu chí đo lường độ thành công của tác phẩm chuyển thể.

Dù là tác phẩm văn học hay phim điện ảnh, truyền hình, chúng có sức ảnh hưởng lớn hay không đều phụ thuộc vào tay nghề tỉ mỉ của người sáng tạo. Tinh thần cốt lõi thể hiện trong tác phẩm sẽ khiến độc giả và khán giả đồng cảm và suy ngẫm.

Theo các nhà văn, không có tác phẩm nào tồn tại lâu dài nếu có một cốt truyện vô cảm. Chủ nghĩa giật gân thu hút sự chú ý và lưu lượng truy cập cũng sẽ được thay thế bằng một hình thức khác và tác phẩm không có hồn chỉ là đồ bỏ đi.

Để tác phẩm gợi cảm xúc, tác giả cần có kỹ năng xử lý tốt, có cảm quan tinh tế. Chỉ khi tác giả chạm được vào cảm xúc chính mình, họ mới có thể khiến người khác rung động. Chỉ khi tác giả tái hiện cảm xúc chân thành, họ mới có thể khiến người khác đồng cảm.

Việc thương mại hóa tác phẩm không có nghĩa là có thể bỏ qua tính nghệ thuật của chính tác phẩm. Các nhà văn cho rằng hiện nay, nhiều sản phẩm điện ảnh và truyền hình thiếu tính sáng tạo và trí tưởng tượng, thể hiện thái độ qua loa đối với việc chuyển thể văn học, khiến nhiều câu chuyện hay bị chìm đắm trong sự hào nhoáng vô hồn.

Nhà văn Tô Đồng nói: “Phim là một hình thức khác của văn học. Văn học cung cấp dinh dưỡng liên tục cho phim và sau đó, phim đưa nhiều độc giả đến với văn học hơn. Đó là một mối quan hệ hòa thuận, vui vẻ".

Linh Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-nghe-muu-khong-the-song-thieu-tieu-thuyet-post1408825.html