Trường hợp nào cảnh sát được nổ súng vào phương tiện giao thông?

Bộ Công an vừa đề xuất 3 tình huống cho phép lực lượng chức năng nổ súng quân dụng vào phương tiện giao thông khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên, trước khi sử dụng vũ khí quân dụng, các lực lượng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, Bộ Công an đề xuất những trường hợp Công an nhân dân và một số lực lượng khác được quyền nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Tại Điều 25 dự thảo Luật quy định các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Ảnh minh họa

Cụ thể, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Thứ hai, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Thứ ba, người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.

Cũng tại Điều 25 của dự thảo Luật, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo khi đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để khủng bố, giết người; đối tượng phạm tội về ma túy đang sử dụng vũ khí chống trả.

Ngoài ra còn được nổ súng vào đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Bộ Công an đề xuất trước khi sử dụng vũ khí quân dụng, các lực lượng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định.

Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Trong đó, nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.

Các lực lượng không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/truong-hop-nao-canh-sat-duoc-no-sung-vao-phuong-tien-giao-thong-408351.html