Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh: Bị “tuýt còi“ việc vượt rào giảng dạy ngoài

Sau khi có đơn tố cáo (TC) ông Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ GTVT đã vào cuộc xác minh.

Có đến nửa trong số nội dung TC có cơ sở liên quan tới việc “vượt rào” giảng dạy ngoài. Bộ GTVT đã yêu cầu trường rút góp vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển nguồn nhân lực Sáu (CPĐT-XD&PTNNL) để tránh rủi ro, phòng ngừa việc lợi dụng danh nghĩa.

“Vượt rào” giảng dạy ngoài

Liên quan đến nội dung TC Công ty CPĐT-XD&PTNNL đào tạo tại cơ sở TP Hồ Chí Minh và lại đào tạo tại các cơ sở TP Vinh (Nghệ An), Ninh Thuận, Tiền Giang sai quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư số 15/2014 ngày 15/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Kết luận số 6219 của Bộ GTVT nêu rõ: Công ty CPĐT-XD&PTNNL kết hợp với Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh chỉ có 2 địa điểm giảng dạy tại TP Vinh (Nghệ An) và Tiền Giang. Việc Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh có 2 địa điểm giảng dạy một số môn định hướng ứng dụng cao học ngoài trường là không đúng với Khoản 2, Điều 23 Thông tư số 15/2014.

Ông Phan Văn Ngọc đã có khiếu nại Kết luận số 6296 ngày 3/6/2016 của Bộ GTVT kết luận đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh và được Thanh tra Chính phủ chuyển đơn đến Bộ GTVT xem xét, giải quyết ngày 31/8.

Ngày 19/9, Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản phúc đáp gửi Thanh tra Chính phủ, cho biết: Ngày 14/9, Thanh tra Bộ đã làm việc với ông Ngọc và đã giải thích, hướng dẫn cho ông Ngọc các điều 11, 12 của Luật Khiếu nại, Điều 9 của Luật Tố cáo.

Tại buổi làm việc ông Ngọc không cung cấp tài liệu, thông tin, tình tiết mới. Căn cứ vào Khoản 3, Điều 9, Luật Tiếp công dân 2013, Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản thông báo từ chối tiếp công dân đối với ông Ngọc.

Theo xác minh, Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức giảng dạy đối với hai chương trình kỹ thuật xây dựng công trình đường thủy (được phép tuyển sinh từ 2011 đến nay) theo định hướng ứng dụng, do một vài nhóm học viên là cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong ngành GTVT tại các Sở GTVT và tổng công ty trong ngành mời nên một số giảng viên tới địa phương giảng dạy, hướng dẫn chuyên đề tại các dự án công trình đang thi công.

Kết quả xác minh và làm việc với ông Nguyễn Văn Thư và các cá nhân liên quan đã xác nhận nhà trường không có văn bản nào chỉ đạo cho các giảng viên, học viên được phép giảng dạy, học tập ngoài trường. Tuy nhiên, trong thực tế nhóm học viên chuyên ngành cầu hầm có mời một số giảng viên của trường dạy thực tế một vài chuyên đề tại Vinh (2 nhóm) và tại Tiền Giang (1 nhóm).

Còn theo báo cáo giải trình của trường, từ năm 2015, 2016 có 39 học viên cao học học một số môn học định hướng ứng dụng tại địa điểm TP Vinh và Tiền Giang, trong đó có 19 học viên học tại TP Vinh, 20 học viên học tại Tiền Giang.

Rút vốn khỏi Cty CPĐT-XD&PTNNL

Bộ GTVT yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ trưởng thực hiện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Đối với Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh, yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý đã để xảy ra sai sót tại kết luận thanh tra.

Đồng thời, phải sửa đổi Quyết định 81 của trường để phù hợp với bản chất của công việc kiêm nhiệm đối với các cán bộ trong ban điều hành và nhân viên phục vụ...

Để tránh rủi ro, phòng ngừa các cơ quan, tổ chức có liên quan lợi dụng danh nghĩa, gây ảnh hưởng đến uy tín của trường, Bộ GTVT yêu cầu trường khẩn trương rút vốn khỏi Cty CPĐT-XD&PTNNL .

Tại cuộc họp báo tổng kết quý III và 9 tháng đầu năm 2016 của Bộ GTVT mới đây, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GTVT cho biết, đang triển khai các quy trình thủ tục để xử lý cán bộ theo quy định của pháp luật. Khi nào có kết quả sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí.

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/truong-dh-gtvt-tp-ho-chi-minh-bi-tuyt-coi-viec-vuot-rao-giang-day-ngoai_t114c1002n110252