Trường ĐH Đại Nam: Nhiều ngành tuyển vượt nhưng có ngành chỉ tuyển được 7/100 SV

Nhà trường khẳng định đang nỗ lực đẩy mạnh truyền thông để thu hút sinh viên. Trường hợp không tuyển sinh được trong thời gian dài sẽ cân nhắc dừng đào tạo.

Trường Đại học Đại Nam được thành lập ngày 14/11/2007 theo Quyết định 1535/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những trường đại học ứng dụng, đào tạo đa ngành nghề.

Hiện tại, Trường Đại học Đại Nam do Tiến sĩ Lê Đắc Sơn là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Hồng là Hiệu trưởng.

Trường Đại học Đại Nam cơ sở chính số 1 phố Xốm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Quy mô đào tạo tăng mạnh

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Đại Nam từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của trường có xu hướng tăng.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Đại Nam từ năm 2019-2022.

Theo bảng số liệu trên cho thấy, ở hầu hết các khối ngành quy mô đào tạo của trường đều tăng. Trong đó, khối ngành VII có quy mô đào tạo tăng nhanh nhất. Nếu như năm học 2019-2020, khối ngành này có 1.038 sinh viên thì năm học 2020-2021, số sinh viên là 1.692 người (tăng 654 sinh viên).

Năm học 2021-2022, khối ngành VII tiếp tục tăng lên 2.461 sinh viên, tăng 769 sinh viên so với năm học liền kề trước đó (tương đương tăng 45,4%).

Cũng theo báo cáo ba công khai ở 3 năm học trên, số lượng giảng viên cơ hữu của trường tăng khá nhanh.

Cụ thể, số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Đại Nam năm 2019-2020 là 368 thầy cô. Trong đó có 3 giáo sư, 32 phó giáo sư, 118 tiến sĩ, 208 thạc sĩ và 42 cử nhân.

Năm học 2020-2021, nhà có tổng số 388 giảng viên. Trong đó có 1 giáo sư, 36 phó giáo sư, 127 tiến sĩ, 229 thạc sĩ và 32 cử nhân (tăng 20 giảng viên so với năm học liền kề trước đó, tương đương tăng 5,4%). Tuy nhiên, số lượng giáo sư giảng dạy giảm 2 người so với năm học 2019-2020.

Năm học 2021-2022, nhà trường có tổng số 533 giảng viên. Trong đó có 4 giáo sư, 53 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 302 thạc sĩ, 30 cử nhân (tăng 145 giảng viên so với năm học trước, tương đương tăng 37,4%).

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Đại Nam qua các năm.

Mặc dù số lượng giảng viên cơ hữu tăng nhanh nhưng vẫn có 2 ngành của Trường Đại học Đại Nam không có giáo sư và phó giáo sư giảng dạy bao gồm: Tài chính - ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Đại Nam cho biết:

“Với quy mô đào tạo tăng, Trường Đại học Đại Nam cũng chú trọng tăng đội ngũ cán bộ giảng viên đặc biệt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ nghiên cứu, bồi dưỡng và dẫn dắt.

Với đội ngũ giảng viên trẻ, chúng tôi ngoài chú trọng chuyên môn thì họ chính là lực lượng thực chiến tại doanh nghiệp, nhanh nhạy trong việc cập nhật xu hướng, kiến thức mới từ thị trường, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để có phương pháp giảng dạy mới mẻ, thu hút. Và đội ngũ này cũng dễ dàng cập nhật công nghệ hiện đại hơn so với các giảng viên lớn tuổi”.

Thạc sĩ Đỗ Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Đại Nam (đứng thứ 4 từ trái sang). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ngoài ra, ngành Tài chính - ngân hàng ở trường cũng mới bổ nhiệm Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Đức giữ chức trưởng khoa. Vì thế, việc ngành không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định.

Có ngành chỉ tuyển sinh được 7% chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đại Nam được công bố ngày 28/2/2023 cho thấy, trường có nhiều ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu, nhưng cũng có những ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học rất thấp so với chỉ tiêu được phê duyệt.

Đáng chú ý, có 7 ngành trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp (2020-2021 và 2021-2022) gồm: Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Truyền thông đa phương tiện.

Trong đó, ngành tuyển vượt chỉ tiêu nhiều nhất là ngành Quản trị kinh doanh. Nếu năm 2020-2021, chỉ tiêu được phê duyệt của ngành này là 200 thì số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 250 (vượt 50 chỉ tiêu, tương đương 25%). Tương tự năm 2022, ngành này chỉ tiêu là 290 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học là 352 (vượt 62 chỉ tiêu, tương đương 21,4%).

Ngoài ra, cũng có ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Cụ thể năm học 2021-2022, ngành Quản lý thể dục thể thao có chỉ tiêu tuyển sinh là 100 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học chỉ có 7 sinh viên (chiếm 7%). Hay ngành Khoa học máy tính, chỉ tiêu tuyển sinh là 126 nhưng chỉ có 28 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 22%).

7 ngành của Trường Đại học Đại Nam tuyển vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp.

Lý giải về vấn đề này, Thạc sĩ Đỗ Thu Hương cho hay: “Việc xem xét chỉ tiêu tuyển sinh của trường có vượt hay không sẽ căn cứ vào khối ngành chứ không tính theo từng ngành riêng lẻ. 7 ngành đó nằm rải rác ở các khối ngành khác nhau.

Nhà trường không tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong khối ngành trên tổng chỉ tiêu được phê duyệt, theo Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trên thực tế, năm 2022, trường đã gửi toàn bộ số liệu và tiến hành nhập liệu công khai dữ liệu tuyển sinh của các năm 2021, 2022 trên phần mềm quản trị đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mỗi trường đại học muốn tồn tại thì không phải ngành nào cũng tuyển sinh được, phải có ngành nọ bù trừ ngành kia. Ví dụ như ngành Truyền thông đa phương tiện thuộc khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn (khối ngành VII). Bản thân ngành này phải gánh cho các ngành khác ở trong cùng khối ngành”.

Trong khi đó, đại diện phòng truyền thông của trường khẳng định: “Trước đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu, trong đó không có Trường Đại học Đại Nam”.

Khi được hỏi về việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu có đảm bảo chất lượng giảng dạy hay không, cô Hương thông tin: “Ở mỗi lĩnh vực đào tạo những học phần chuyên ngành chỉ chiếm 30-35% còn lại sẽ sử dụng các học phần liên ngành. Ngoài liên ngành thì còn liên khối ngành và những học phần chung toàn trường. Trường có những giảng viên chung để giảng dạy, đảm bảo sinh viên nắm được đầy đủ kiến thức. Còn những giảng viên đặc thù của từng khối ngành sẽ phụ trách khi sinh viên học vào chuyên ngành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ trường về cơ sở vật chất để đào tạo sinh viên thực chiến chứ không chỉ học lý thuyết suông trên giảng đường. Riêng những học phần thực hành, sinh viên được đi thực tế bên ngoài chiếm 35% tổng chương trình đào tạo. Còn thực hành với doanh nghiệp phối hợp cùng nhà trường chiếm khoảng 60-65%".

Những ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp, trước khi mở ngành nhà trường đã tiến hành khảo sát những thuận lợi, khó khăn. Đồng thời cũng có nhiều đơn vị đặt hàng đào tạo, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi tuyển sinh thực tế, nhu cầu học những ngành này không nhiều. Chính vì thế, số lượng tuyển sinh vẫn không đáp ứng được chỉ tiêu đề ra.

Để giải quyết vấn đề này, trường đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thu hút sinh viên. Tuy nhiên, nếu trong thời gian dài vẫn không tuyển sinh được nhà trường sẽ cân nhắc đến việc dừng đào tạo.

Nguồn thu hơn 90% đến từ học phí

Năm 2019 tổng nguồn thu của Trường Đại học Đại Nam là 197 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí là 186 tỷ đồng (chiếm 94,4%). Nguồn thu hợp pháp khác là 11 tỷ đồng (chiếm 5,6%). Đáng chú ý, năm học này nhà trường không có nguồn thu từ việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Năm 2020, nguồn thu của trường chưa được tổng hợp trong báo cáo ba công khai.

Năm 2021 tổng nguồn thu của trường là 196,1 tỷ đồng (giảm 0,9 tỷ đồng so với năm 2019). Trong đó có 180,7 tỷ đồng từ học phí (chiếm 92,1%). Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đem lại cho trường 0,2 tỷ đồng (chiếm 0,1%). Nguồn thu hợp pháp khác của trường là 15,2 tỷ đồng (chiếm 7,8%).

Như vậy, nguồn thu của Trường Đại học Đại Nam phần lớn đến từ học phí (hơn 90%). Vậy nhưng so với năm 2019, số lượng học viên, sinh viên của trường năm 2021 tăng thêm 2.880 người (tăng 61,6%). Dù số lượng người học tăng nhiều như vậy nhưng tổng nguồn thu của trường lại giảm.

Nguồn thu của Trường Đại học Đại Nam chủ yếu đến từ học phí. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện phòng truyền thông của trường cho hay: “Trường Đại học Đại Nam là trường ngoài công lập không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Chính vì thế, nguồn thu của trường phần lớn đến từ học phí là điều hiển nhiên. Nhà trường cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.

Cũng theo đại diện truyền thông của nhà trường "tháng 2/2023, Trường Đại học Đại Nam đã thành lập Trung tâm việc làm và khởi nghiệp sinh viên. Đơn vị này của trường đã kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho sinh viên năm 2, năm 3, năm 4 đi làm thêm cũng như đi làm chính thức sau khi tốt nghiệp. Các bạn đi làm được nhận lương trực tiếp từ doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiều chính sách học bổng khuyến khích sinh viên. Mức học phí cũng được hỗ trợ một cách tốt nhất.

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Đại Nam từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, học phí của trường đối với các khóa nhập học từ năm 2019 trở về trước dao động từ 12-24 triệu đồng/năm tùy ngành đào tạo. Trong đó, ngành có học phí cao nhất là Dược học (24 triệu đồng/ năm).

Năm 2020, học phí của trường dao động từ 18-65 triệu đồng/ năm. Trong đó, ngành có học phí cao nhất là Y khoa (65 triệu đồng/ năm).

Đến năm học 2021-2022, học phí của Trường Đại học Đại Nam dao động từ 25-45 triệu đồng/ năm. Trong đó, ngành có mức học phí cao nhất là ngành Dược học (45 triệu đồng/ năm).

Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn của Trường Đại học Đại Nam năm 2020-2021 là 50.000.000 đồng (chỉ có 1 dự án nghiên cứu).

Năm học 2021-2022 kinh phí này tăng lên 181.950.000 đồng (6 dự án nghiên cứu, tăng 131.950.000 đồng, tương đương tăng gần 264%).

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đầu tư thêm cơ sở vật chất, phục vụ việc giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, nhà trường đã bổ sung thêm nhiều phòng học thực hành cho sinh viên qua các năm.

Cụ thể, năm học 2021-2022, Trường Đại học Đại Nam đã bổ sung thêm 9 phòng thực hành so với năm học trước.

Trường Đại học Đại Nam chú trọng mở thêm nhiều phòng thực hành cho sinh viên.

Ngoài ra, số lượng phòng học cũng tăng đáng kể. Năm học 2021-2022, trường có 106 phòng học (tăng 22 phòng học so với năm 2020-2021, tương đương tăng 26,2%).

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Đại Nam như sau:

Khối ngành III: Quản trị Kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Luật kinh tế, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Quản lý thể dục thể thao

Nhóm ngành V: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Kiến trúc, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Khoa học máy tính.

Nhóm ngành VI: Dược học, Điều dưỡng, Y khoa.

Nhóm ngành VII: Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Đông phương học, Truyền thông đa phương tiện.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-dai-nam-nhieu-nganh-tuyen-vuot-nhung-co-nganh-chi-tuyen-duoc-7100-sv-post238569.gd