'Trước mặt tôi, ông ta chĩa súng vào mặt mẹ'

Việc phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình để lại trong đứa trẻ nỗi ám ảnh, sự tổn thương có thể dẫn đến trầm cảm, tính cách hung hăng, bạo lực sau này.

Mặc cho vợ đang ôm con 2 tháng tuổi, đứa con lớn 5 tuổi đang chứng kiến sự việc, "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh (32 tuổi, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) vẫn thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục… vào nạn nhân.

"Đứa con còn nhỏ nên chắc chưa biết gì", "Không biết cậu con lớn có biết ngăn bố đánh mẹ?", "Biết nhà nào chả có xô xát nhưng tránh lúc có mặt con ra chứ"...

Hàng loạt câu hỏi được dân mạng đặt ra về việc người lớn bạo hành nhau trước mặt con nhỏ.

"Võ sư" đánh vợ đang ôm con nhỏ, trước sự chứng kiến của đứa con khác khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ clip.

Theo Parents, nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình tin rằng họ có thể giấu con cái chuyện bạo hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đó là vấn đề không thể che đậy - ngay cả khi trẻ em ngủ hoặc không có mặt khi sự việc diễn ra.

“Ngay cả khi không chứng kiến sự việc, trẻ em vẫn có thể nhận thấy thái độ căng thẳng, tiếng đánh đập, thương tích hay khoảng cách giữa bố và mẹ”, Alicia H. Clark - nhà tâm lý học lâm sàng ở Washington, Mỹ - nói.

Và bất kể trẻ em biết về bạo lực gia đình theo cách nào, việc tiếp xúc với vấn đề này có thể gây ra hậu quả tiêu cực liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm, hành vi, mối quan hệ với bố mẹ và người xung quanh, học tập, thậm chí chính chúng cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực.

"Với mẹ, ông ta có thể biến thành quái vật"

"CLLLL-OOOOWWWW-DEEE-AHHH!"

Tiếng hét thất thanh, ngắt quãng, vang lên nhiều lần xen giữa những cú đánh, đấm như trời giáng của người đàn ông lên cơ thể người phụ nữ chung sống với mình.

Claudya Martinez mới lên 5, hoặc 6 tuổi, khi cảnh tượng mẹ bị đánh in hằn vào tâm trí non nớt.

Người đàn ông chắc chắn rất nặng tay, bởi Claudya nghe thấy cả tiếng nắm đấm chặt của ông thụi vào cơ thể mẹ liên hồi.

“Người mẹ xinh đẹp của tôi bị đánh và liên tục gào tên tôi. Tôi đứng chôn chân, không biết phải làm gì để cứu mẹ. Tôi chỉ biết rõ mình không thể gọi cảnh sát. Đó không phải là một lựa chọn. Bởi vì gia đình tôi không bao giờ gọi cảnh sát”, nữ tác giả nhớ lại.

"Tôi ngồi trong phòng, lắng nghe và đếm từng tiếng hét của mẹ cho đến khi ngừng bặt". Ảnh: Mirror.

Claudya ngồi trong phòng, lắng nghe và đếm từng tiếng hét của mẹ cho đến khi ngừng bặt: "Một triệu mốt, một triệu hai, một triệu ba".

Khi khác, cô đứng bên ngoài cánh cửa phòng đóng kín, nơi mẹ bị bạo hành, và đặt lòng bàn tay bé nhỏ lên đó.

Nhưng Claudya "bé” đã không khóc. Người rơi nước mắt là Claudya “lớn”, khi ngồi kể lại những hồi ức buồn.

“Đó là một khoảnh khắc lơ lửng trong cảm giác sợ hãi, tội lỗi và bất lực. Tôi để mặc mình trôi nổi trong khoảnh khắc ấy cho đến khi nó kết thúc”.

Người đàn ông không phải bố Claudya, nhưng cô từng yêu quý ông ta. Ông không kết hôn với mẹ, nhưng đối xử với bà ấy chẳng khác nào căn nhà hay chiếc xe thuộc quyền sở hữu.

Người đàn ông tốt bụng, dịu dàng và không bao giờ “vung tay” với Claudya.

"Tuy nhiên, với mẹ, ông ta có thể biến thành quái vật”.

Hai mẹ con Claudya từng vội vã chạy trốn khỏi người đàn ông một vài lần, khi ông ra ngoài làm việc. Nhưng ông ta luôn tìm ra và bắt cả hai quay trở lại.

“Có lần, ông ta thậm chí không chờ tới lúc chỉ có hai người để đánh mẹ. Trước mặt tôi, ông ta đánh đập và chĩa súng vào mặt bà ấy. Thế giới của tôi tưởng như muốn đổ sụp. Tôi không biết mẹ đã nói gì. Tôi cũng không nhớ mình có thốt ra lời nào không. Nhưng bằng cách nào đó, ông ta hạ súng xuống”, Claudya kể.

Cuối cùng, hai mẹ con Claudya đã xoay xở để thoát khỏi người đàn ông vũ phu. Thế nhưng, sự xuất hiện của người đàn ông khác - cha của em trai Claudya - tiếp tục khiến mẹ cô chịu cảnh ngược đãi.

“Khi cơn tức giận không biết tới từ đâu, ông ta vung nắm đấm vào mặt, khiến đầu mẹ giật ngửa ra sau”.

Một ngày nọ, người đàn ông “ghen tuông và nghiện ngập” này cố đánh Claudya. Điều đó khiến mẹ cô quyết định rằng bà đã nhận quá đủ đòn roi.

Claudya, 9 tuổi, đã gọi cảnh sát vì tưởng như người đàn ông sắp đập vỡ đầu mẹ mình. Mặc dù “không gọi cảnh sát” là “luật bất thành văn” của gia đình bấy lâu nay.

Hiện tại, mẹ Claudya đã kết hôn với người đàn ông biết rằng “phụ nữ không phải người để đánh” và “tình yêu không có nghĩa là sở hữu”. Claudya yêu quý cha dượng và thấy hạnh phúc cho mẹ.

Giờ đã là mẹ của hai cô gái, Claudya không bao giờ muốn con trải qua những ký ức đau buồn như mình thuở nhỏ.

Bà từng nghĩ mình chưa bao giờ bị đánh, thì bằng cách nào đó, bản thân không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, Claudya đã lầm.

Bạo lực gia đình đã cướp đi của bà “một tuổi thơ bình thường” và để lại những tổn thương, mà bà từng cất giấu rất lâu, rất sâu bên dưới tầng hầm cảm xúc, đến tận hôm nay.

Với Claudya Martinez, chứng kiến mẹ bị bạo hành là khoảnh khắc lơ lửng trong cảm giác sợ hãi, tội lỗi và bất lực. Ảnh: Wiwi.

Tăng nguy cơ đánh vợ khi trưởng thành

Theo Women’s Health, trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân của sự lạm dụng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài.

Đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ hay ngược lại cũng có nguy cơ bạo lực cao hơn trong các mối quan hệ tương lai.

Trẻ em sống trong căn nhà xảy ra cảnh ngược đãi có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Chúng luôn cảnh giác, tự hỏi khi nào vụ bạo lực tiếp theo sẽ xảy ra. Điều này khiến chúng phản ứng theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi.

Với trẻ em dưới 5 tuổi, sự chấn động có thể biểu hiện bằng thói quen tè dầm, mút ngón tay cái, khóc nhiều hơn và hay rên rỉ. Trẻ cũng có thể khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, có dấu hiệu hoảng loạn như nói lắp hoặc lầm lì và đặc biệt sợ cảnh ly tán.

Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể cảm thấy tội lỗi về hành vi lạm dụng và tự trách mình vì điều đó. Bạo lực gia đình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.

Chúng có thể không đạt điểm số cao, không tham gia vào các hoạt động ở trường, có ít bạn bè và thường xuyên gặp rắc rối. Đau đầu và đau dạ dày cũng là một trong số hậu quả.

Trong khi đó, thanh thiếu niên chứng kiến cảnh bạo hành có thể hành động theo cách tiêu cực như sẵn sàng đánh trả người nhà hoặc bỏ học.

Họ có thể tham gia vào các hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng rượu hoặc ma túy. Những người này cũng hay mặc cảm, gặp khó khăn trong việc kết bạn.

Họ thích đánh nhau, bắt nạt người khác và nhiều khả năng gặp rắc rối với pháp luật. Kiểu hành vi này phổ biến hơn ở những cậu bé tuổi teen hơn các cô gái cùng độ tuổi.

Đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ hay ngược lại cũng có nguy cơ bạo lực cao hơn trong các mối quan hệ tương lai. Ảnh: Thinks Stock Photos.

Về lâu dài, những đứa trẻ chứng kiến bạo hành gia đình có nguy cơ rơi vào "vòng xoáy bạo lực" khi trưởng thành.

Cụ thể, một cậu bé nhìn thấy mẹ bị bạo hành có khả năng lạm dụng bạn gái/vợ khi trưởng thành cao gấp 10 lần. Một cô gái lớn lên trong căn nhà, nơi cha đánh đập mẹ, có khả năng bị lạm dụng tình dục cao hơn 6 lần so với cô gái không phải chứng kiến cảnh đó.

Trẻ em chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo hành tình cảm, thể chất hoặc tình dục có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành như trầm cảm, lo lắng hay mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim và nhiều vấn đề khác.

Trẻ em ám ảnh về bạo lực gia đình có thể được giúp đỡ để tránh những tác động về thể chất và tinh thần trong tương lai. Ảnh: Huffington Post.

Để giúp đỡ con trẻ phục hồi sau khi chứng kiến hoặc trải qua bạo lực gia đình, người lớn nên xem xét liệu việc rời khỏi mối quan hệ bạo hành có thể giúp con cảm thấy an toàn hơn hay không.

Cha/mẹ hãy nói chuyện với con về nỗi sợ hãi vàcho chúng biết rằng đó không phải lỗi của con hay lỗi của mình.

Từ những trải nghiệm về việc bạo hành, cha/mẹ nên nói cho con biết như thế nào là mối quan hệ lành mạnh và như thế nào là không. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức đúng khi bắt đầu các mối quan hệ trong tương lai.

Nạn nhân cũng nên nói với con về ranh giới, rằng không ai có quyền chạm vào chúng hoặc khiến chúng cảm thấy khó chịu, từ người nhà, giáo viên đến các nhân vật có thẩm quyền khác.

Bên cạnh đó, hãy giải thích cho con trẻ rằng bé không có quyền chạm vào cơ thể người khác và nếu ai đó yêu cầu dừng lại, chúng nên làm như vậy ngay lập tức.

Ngoài cha mẹ, người lớn nên giúp con tìm thấy nơi hỗ trợ đáng tin cậy, có thể là giáo viên cố vấn ở trường học, nhà trị liệu hoặc người trưởng thành đáng tin cậy khác.

Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) - cách trị liệu thông qua việc nói chuyện hoặc tư vấn - cũng có tác động tốt cho trẻ em từng chứng kiến cảnh bạo lực gia đình hoặc là nạn nhân.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/truoc-mat-toi-ong-ta-chia-sung-vao-mat-me-post984174.html