Trước giờ “G”: Lo sốt vó về chất lượng văn bản

Chỉ còn vài ngày nữa là tới 1-7, thời điểm tất cả các điều kiện kinh doanh đều phải nâng lên Nghị định, nếu không sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014, với mục đích cuối cùng là tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp.

Một sự kiện chưa từng có tiền lệ đang diễn ra, khi hàng loạt văn bản phải được xây dựng gấp rút theo quy trình rút gọn để đảm bảo tiến độ. Sự gấp rút này đang làm các doanh nghiệp bất an nhiều hơn là chờ đợi, bởi lo ngại về chất lượng văn bản.

Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến ngày 31-5 vừa qua, trong tổng số 49 nghị định phải hoàn thành, có 38 nghị định đã trình Chính phủ, còn 11 nghị định chưa trình.

Cộng đồng doanh nghiệp đang “nín thở” chờ các Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sẽ xuất hiện vào đầu tháng 7 tới.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết: Do thời hạn gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến. Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 nghị định chỉ trong vòng 1 tuần. Tiến độ này đã gây ra nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm. Theo VCCI, do quy trình rút gọn, nên việc tiếp cận với các dự thảo văn bản để góp ý khi cần thiết là hết sức khó khăn.

Các DN rất lo ngại cơ quan soạn thảo cài cắm các quy định tạo ra rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, và DN chỉ biết khi “sự đã rồi”, tức là các văn bản đã được ban hành. Đại diện VCCI cũng cho biết, với những gì họ tiếp cận được, có khá nhiều mâu thuẫn giữa tờ trình và nội dung dự thảo nghị định, sự không phù hợp giữa giải trình và mục đích của điều kiện kinh doanh được đề xuất...

Có thể ví dụ tờ trình Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển cho biết lý do bổ sung một số điều kiện kinh doanh để nâng cao chất lượng DN chất lượng dịch vụ vận tải biển, trong khi Luật Đầu tư đã quy định lý do ban hành điều kiện kinh doanh là quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng dù thủ tục có rút gọn, vẫn phải lấy đủ ý kiến của cả các DN lớn và DN nhỏ; phải tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới; tính xem có bao nhiêu DN đang tồn tại đáp ứng được quy định mới.

Doanh nghiệp có nỗi lo của DN, những người làm pháp chế ở các bộ ngành cũng có nỗi lo riêng, khi chính họ cũng chưa rõ thế nào là điều kiện kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN & PTNT, Bộ này chưa bao giờ làm ngày làm đêm như thời gian qua để bắt kịp tiến độ 1-7, khi Bộ này có đến 29 Thông tư cần phải lên Nghị định.

“Vấn đề chúng tôi lo lắng là chồng chéo giữa các bộ, ngành với nhau. Nội bộ anh em pháp chế thấy khó khăn nhất là nhận diện thế nào là điều kiện kinh doanh. Bộ KH&ĐT có hướng dẫn rồi, nhưng cách hiểu vẫn chưa thống nhất, cho nên khi Bộ Tư pháp thẩm định còn nhiều ý kiến nói đó không phải điều kiện kinh doanh. Ví dụ quản lý phân bón, quan trắc, cảnh báo môi trường, y tế… dù quy định ở các Nghị định là khác nhau, nhưng cách thức quản lý phải thống nhất và tránh bỏ sót” – bà Kim Anh bày tỏ lo ngại.

Việc nội hàm khái niệm “điều kiện kinh doanh” còn chưa rõ, tồn tại những cách hiểu khác nhau là quan ngại chung của hầu hết các bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, tuy danh mục điều kiện kinh doanh là thống nhất, nhưng các luật chuyên ngành lại giao Bộ trưởng quy định chi tiết, nên có sự giao thoa, chồng lấn giữa các bộ, ngành.

“Một số Nghị định được xây dựng vội nên sẽ chồng lấn. Ví dụ Bộ Công Thương có quy định về khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng xây dựng điều kiện kinh doanh trong khoáng sản. Chưa có sự thống nhất về điều kiện kinh doanh giữa các bộ, ngành, thậm chí trong một bộ cũng chưa thống nhất. Nhiều Nghị định cắt xén cả luật, một số giảm bớt, một số tăng thêm điều kiện luật không quy định. Một số bộ ngành nhân tiện lồng lợi ích của mình vào trong, vì làm rút gọn, không lấy ý kiến đối tượng tác động, như Nghị định về kinh doanh bảo hiểm, đưa ra vấn đề quản lý quỹ trong kinh doanh bảo hiểm” - ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nêu ví dụ.

Tình trạng này không được khắc phục, ào ào ban hành thì rất nguy hại, bởi sửa Nghị định “cực kì khó”, ít nhất mất 2 năm. “Cho nên vội gì thì vội cũng phải rà soát, đánh giá xem có hợp lý không. Muốn rút gọn gì thì rút, linh hoạt về cách làm, thời gian, cách thức phối hợp, xử lý vấn đề, nhưng không thể bỏ qua khâu tham vấn ý kiến đối tượng tác động” - ông Nguyễn Phước Thọ nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng phải có chế tài với các sản phẩm được soạn thảo ra, xử lý trách nhiệm những bộ xây dựng thông tư, nghị định trái luật.

Nam Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/truoc-gio-g-lo-sot-vo-ve-chat-luong-van-ban-397027/