Trúng tuyển viên chức, xong tập sự, chưa có chứng chỉ hành nghề, có được đi dạy?

Thêm giấy chứng nhận hành nghề cho nhà giáo là không cần thiết. Nếu có, chỉ nên cấp cho những người học ngành nghề khác muốn trở thành giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo luật Nhà giáo với nhiều nội dung cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ, chính sách của nhà giáo...để lấy ý kiến góp ý.

Đây là một dự thảo luật đang nhận được sự quan tâm hàng triệu giáo viên và hàng ngàn sinh viên sư phạm cũng như dư luận xã hội trong cả nước.

Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều đó là sự xuất hiện chứng chỉ hành nghề nhà giáo.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Theo ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo lý giải, việc có thêm chứng chỉ để dễ quản lý, có lợi cho giáo viên nhưng theo ghi nhận cho thấy giáo viên, sinh viên sư phạm đang thấy rằng họ “mất nhiều hơn được”, lo ngại phát sinh “giấy phép con”, lo ngại phát sinh thêm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp,…

Đối tượng nào được cấp chứng chỉ hành nghề?

Theo dự thảo, đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề được quy định tại khoản 3 Điều 15 gồm có 04 trường hợp:

“3. Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:

a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.”

Tại buổi tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo vừa qua, trao đổi thêm về nội dung chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, để trở thành giáo viên có hai nguồn, gồm: Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm (cao đẳng sư phạm và trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo giáo viên) và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, và được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.

Trong đó, người muốn trở thành nhà giáo cần đảm bảo 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn đối với môn học sẽ giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Đây là 3 yếu tố cốt lõi hình thành chứng chỉ hành nghề [1]

Cử nhân sư phạm trúng tuyển viên chức, hoàn thành tập sự, không có chứng chỉ hành nghề có được đi dạy không?

Chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho nhà giáo đã và đang giảng dạy, giáo viên hết tập sự và đạt kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề sau khi Luật Nhà giáo được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Nếu nhà giáo đang giảng dạy trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp miễn phí.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức chia sẻ: “Kể cả người tốt nghiệp sư phạm hoặc người không tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề giảng dạy cũng cần phải có quá trình đào tạo, tạm gọi là quá trình đào tạo nghề.

Cấu trúc mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được giảng dạy trong các trường đại học sư phạm. Vì vậy, với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm khi tham gia các khóa đào tạo này sẽ không phải học những nội dung trùng lặp và được rút ngắn thời gian đào tạo nghề để sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.” [1]

Nếu đúng như quy định về chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo trong dự thảo và chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Minh Đức, thì cử nhân sư phạm nếu trúng tuyển viên chức sau ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành phải trải qua quá trình 1 năm tập sự, sau đó phải học các mô đun trong chương trình đào tạo chứng chỉ và trải qua kỳ sát hạch, nếu đạt sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề và được giảng dạy.

Nếu không đạt, không được cấp chứng chỉ hành nghề thì không được giảng dạy.

Như vậy, theo dự thảo Luật Nhà giáo, nếu cử nhân sư phạm đã trúng tuyển viên chức, hoàn thành tập sự nhưng không đạt kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề hoặc không tham gia đào tạo, không dự sát hạch đều không được cấp chứng chỉ hành nghề và đương nhiên không được giảng dạy.

Nhiều kiến nghị bỏ hoặc tích hợp chứng chỉ hành nghề vào bằng tốt nghiệp đại học sư phạm

Mặc dù ban soạn thảo cho rằng, chứng chỉ này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Nhưng từ phía giáo viên, nhiều thầy cô đang băn khoăn rằng, giáo viên đã giảng dạy hàng chục năm, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh ghi nhận công lao, có thêm chứng chỉ hành nghề không làm tăng vị thế, vai trò nhà giáo mà còn thêm thủ tục rườm rà, phức tạp.

Nhiều giáo viên đã là nhà giáo ưu tú, nhiều giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh hay được bằng khen Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng,…đó là những minh chứng về quá trình thực thi nhiệm vụ tốt, kỹ năng giảng dạy, kiến thức, kỹ năng,…Liệu giấy chứng chỉ hành nghề có biến một giáo viên chưa giỏi thành giáo viên giỏi?

Do đó, theo quan điểm người viết, thêm giấy chứng nhận hành nghề cho nhà giáo là không cần thiết. Nếu có, chỉ nên cấp cho những người học ngành khác muốn trở thành giáo viên.

Về vấn đề, có chứng chỉ hành nghề để hạn chế nhà giáo “tự xưng”, giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học, điều này cũng không thuyết phục bởi nếu cho rằng giáo viên chỉ cần có chứng chỉ là đủ tư cách dạy học là không phù hợp. Bởi thực tế, có nhiều người không học sư phạm, nhưng lại dạy miễn phí cho những trẻ em vùng cao, vùng khó khăn, xa xôi…Đó là những người xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.

Có chứng chỉ hành nghề không giúp cho giáo viên giỏi hơn, cũng không đánh giá được nhà giáo giỏi, tốt.

Nhà giáo được đánh giá bởi cấp trên, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh chứ không phải qua chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh, sinh viên sư phạm khá lo lắng khi nghe thông tin sau khi trúng tuyển viên chức, trải qua quá trình tập sự xong phải học và sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Giáo dục và Đào tạo, khi đó mới chính thức trở thành nhà giáo, mới được dạy học.

Sở dĩ sinh viên băn khoăn là vì các em phải trải qua quá trình học vất vả từ 3-5 năm tại trường đại học/cao đẳng sư phạm, học đủ các học phần tâm lý, phương pháp dạy học, kiến thức chuyên sâu, được thực tập 2 lần tại các cơ sở giáo dục,…

Hiện nay muốn trúng tuyển viên chức các em cũng khá vất vả trong ôn luyện, thi cử. Sau khi trúng tuyển phải trải qua 12 tháng tập sự, xong tập sự phải tốn thời gian, kinh phí để học, sát hạch chứng chỉ.

Nhiều ý kiến, các em đã được học sư phạm tại các trường đại học/cao đẳng sư phạm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, đủ chức năng, quyền hạn để cấp chứng chỉ hành nghề, hoàn toàn có thể tích hợp chứng chỉ hành nghề vào bằng đại học sư phạm, không nên để các em phải tốn thêm thời gian, kinh phí để có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo.

Từ những băn khoăn trên, người viết có 3 góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo đối với yêu cầu chứng chỉ hành nghề như sau:

Một là, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu một cách cẩn trọng thấu đáo về việc phát sinh thêm chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo. Trước khi ban hành nên lấy ý kiến các chuyên gia, nhà giáo cả nước về lợi, hại khi phát sinh chứng chỉ hành nghề vì nhà giáo là nghề đặc thù.

Hai là, nếu vẫn có chứng chỉ hành nghề thì nên chỉ dành cho đối tượng sinh viên học ngành khác nhưng muốn trở thành giáo viên.

Ba là, sinh viên học các trường sư phạm, chứng chỉ hành nghề nên được tích hợp vào bằng tốt nghiệp, không nên để các em sau khi tập sự xong phải trải qua kỳ sát hạch có thể khiến các em nản lòng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/xep-luong-nha-giao-cao-nhat-ban-khoan-ve-tinh-kha-thi-bo-gddt-noi-gi-post242832.gd

[2] Dự thảo Luật Nhà giáo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/trung-tuyen-vien-chuc-xong-tap-su-chua-co-chung-chi-hanh-nghe-co-duoc-di-day-post242860.gd