Trung tướng, nhà văn Hữu Ước ra mắt 'Suối Cọp'

Giữa tiết trời mùa thu Hà Nội, trên căn phòng tầng 2 nhìn ra hồ Thiền Quang lộng gió, giữa những tán nắng lung linh của buổi sớm mai, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tiếp đón những người bạn tâm giao, và tâm tình của mình trong lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết với tên rất 'ngầu', như chính phong độ của ông: 'Suối Cọp'.

Cuốn sách đã được phát hành ở Mỹ và Hungary. Tác giả từng là một người lính, cộng với bản tính thiên phú của một tâm hồn đầy giông bão, đa cảm, cái nhìn sắc bén soi rọi mọi ngõ ngách của đời sống, đồng cảm với những phận người bé nhỏ ông đã cho ra nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh, thi ca, xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết. Nhưng, lần này, “Suối Cọp” như phát đạn đau đớn và đẫm máu nổ trên bầu trời giăng đầy chữ nghĩa, nỗi lòng bão tố của ông - Một cách nhìn mới về chiến tranh Việt- Mỹ.

Trung tướng, Nhà văn Hữu ước trong buổi họp báo.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước là một người quảng giao và đặc biệt ông rất trọng văn nghệ sĩ, có lẽ bên cạnh quân hàm cấp Tướng của Lực lượng CAND, ông còn kiêm là một nhà văn “tung tăng, vui đùa” với câu chữ, yêu âm nhạc và hội họa, yêu cái đẹp nên bạn bè trong giới nghệ thuật rất đông mà toàn nhân vật vai vế, tiếng tăm. Ngày cuối tuần của buổi sáng mùa Thu Hà Nội, mọi người đến đông đủ để mừng ông ra cuốn tiểu thuyết mới.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói về “Suối Cọp”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) người đã từng làm việc ở dưới quyền của ông từ thời tờ “An ninh thế giới cuối tháng” mới thành lập, và họ đã quá quen thuộc “hơi thở” của nhau và hiểu nhau cặn kẽ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói về cuốn tiểu thuyết: “Suối Cọp là tiểu thuyết chiến tranh đầu tiên mà tôi đọc viết về tình yêu trai gái, về tình dục ở mức tận cùng giữa nơi cái chết luôn cận kề. Những câu chuyện về tình yêu, tình dục có thể nói chiếm một tỷ lệ đậm đặc trong toàn bộ tác phẩm. Người lính trong tác phẩm của nhà văn Hữu Ước phải đi qua hai cuộc chiến tranh cùng một lúc. Một cuộc chiến tranh của lý tưởng chống lại kẻ xâm lược và một cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù của nhân tính. Kẻ thù của nhân tính chính là sự phủ nhận hoặc chống lại những gì thuộc con người mà tạo hóa sinh ra. Nhưng cuộc chiến tranh để bảo vệ nhân tính thì không bao giờ kết thúc vì đó là lẽ sống của nhân loại. Việc đặt những vấn đề “con người nhất” là tình yêu trai gái và bản năng ham muốn tình dục mà tạo hóa đã ban cho con người vào một cuộc chiến lý tưởng có phải là phản bội lại cuộc chiến lý tưởng đó không? Có phải làm mất đi phẩm chất anh hùng của những người lính giải phóng hay không? Đây là một câu hỏi rất lớn mà nhà văn Hữu Ước đã đặt ra và ông đã đi tìm câu trả lời”.

Có lẽ, những người bạn tâm hồn văn chương và nhạy cảm với thi ca luôn có những sự đồng điệu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều “thẩm” tiểu thuyết của nhà văn Hữu Ước và đưa ra nhận định: “Tình yêu trai gái mà đặc biệt là những ham muốn tình dục có thể nói được đẩy tới tận cùng trong cuộc chiến tranh sẽ xảy ra một trong hai điều: hoặc nó làm cho phần con người được nâng lên tận cùng của những giá trị nhân bản hoặc là nhấn chìm con người xuống đầm lầy của nhục dục đớn hèn. Đây là một vấn đề vô cùng thách thức với nhà văn. Khi nhà văn đưa vấn đề này vào và đẩy thành cao trào là lúc nhà văn đi giữa ranh giới mong manh của cái đẹp tình yêu đôi lứa và sự nhục dục tựa như đi trên một sợi dây bắc giữa hai tòa nhà cao… Đọc những tình huống như thế quả thực tôi vừa lo sợ vừa hồi hộp. Nhưng nhà văn Hữu Ước đã đi qua thật nhẹ nhàng”.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ cảm xúc khi đọc “Suối Cọp”.

Buổi sáng hôm ấy, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha ngồi đăm chiêu, tựa hồ ngồi nghĩ mà như không nghĩ ngợi gì, nhà văn Bảo Ninh tóc bạc hoa râm, là một tác giả có cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chiến tranh chắc hẳn ông cũng tò mò với một vị tướng Công an viết về chiến tranh như thế nào?!... Và ông đã nghiền ngẫm với một thái độ ung dung và cẩn trọng để đưa những lời nhận xét chân thành và tâm huyết: “Các nhân vật trong Suối Cọp, dù là chính hay phụ, ta hay địch đều được Hữu Ước thể hiện rất sống động và “rất người”. Ngòi bút Hữu Ước đặc biệt hay khi miêu tả tình yêu đôi lứa trong những hoàn cảnh bất thường, nghiệt ngã, và khốc liệt của chiến tranh”.

Thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hữu Ước được nhà văn Bảo Ninh diễn tả: “Chính sức sống diệu kỳ tỏa ra từ ánh bình mình đang lên, làn gió thơm mát lành, tiếng chim hót vang rừng và những mầm lá non xanh mướt... như đã xua đi góc khuất của tâm hồn run rẩy, sợ hãi và thất vọng chán chường của họ. Nó thổi vào lòng Hữu Ước một niềm tin vào tương lai, vào sự sống. Chiến tranh không làm mất đi, không giết chết những giá trị của sự sống”.

Những người bạn bên ngành điện ảnh và sân khấu, những nhà chính khách lớn đã về hưu cũng đến chung vui với vị tướng, nhà văn trong căn phòng ngập tràn sắc hoa thơm lừng.

Cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn, Trung tướng Hữu Ước.

Bằng con mắt xanh nghề nghiệp nhà văn, nhà viết kịch bản và đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc định cư ở Mỹ nhận định: “Trong cuốn Suối Cọp của cựu chiến binh Hữu Ước, độc giả sẽ được thấy những cảnh tượng đầy bi tráng mà sẽ có thể chuyển thành một kịch bản phim đầy cuốn hút”.

Đặc biệt trong buổi sáng mùa thu ra mắt sách còn có một người Mỹ gốc Việt, ông Nguyễn Đăng Anh - Tổng Thư ký và thành viên Hội đồng Quản trị Hội người hưu trí Công ty Coca -Cola. Ông ngồi cùng bà Phan Thanh Hảo, người trước đây đã dịch cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh sang tiếng Anh, và giờ đây là cuốn tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước sang tiếng Anh. Hai người đã đưa cuốn sách “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước vượt qua đại dương để sang Mỹ.

Có lẽ, hiếm có một cuốn sách viết về chiến tranh của các nhà văn Việt Nam lại được quảng bá rầm rộ, và được quan tâm như cuốn “Suối Cọp”, khi đích thân những người bạn Mỹ ở bên kia bán cầu tò mò muốn đọc để tìm hiểu đất nước Việt Nam, bé nhỏ và kiên cường qua ngòi bút của một người lính, khi trở về với thời bình, người lính ấy lại mang sắc phục một vị tướng Công an.

EickB Villard Nhà lịch sử Quân sự - Trung tâm Lịch sử Quân sự Mỹ-Fort Mc Nail, DC, Cố vấn Lịch sử - Hội Điện Ảnh lịch sử New York và Florentine về chiến tranh Việt Nam nhìn nhận về cuốn tiểu thuyết: “Những hồi ức của ông Hữu Ước về trải nghiệm của mình với tư cách là một người lính trẻ Bắc Việt Nam trong cuốn Suối Cọp đã cho ta thấy khía cạnh nhân văn của chiến tranh thường bị khuất lấp trong nỗi kinh hoàng và ác liệt của bom đạn. Lời kể đầy cảm xúc của ông không chỉ mô tả những sự hiểm nguy và thiếu thốn của cuộc sống trên Đường mòn Hồ Chí Minh mà còn là tình yêu sâu sắc dành cho đồng đội, cho đất nước và gia đình, những điều khiến ông kiên định vượt qua mọi thử thách của chiến tranh. Nhẹ nhàng và bi kịch, trữ tình và chính xác. Câu chuyện về sự trưởng thành của nhà văn Hữu Ước là một câu chuyện đáng được lắng nghe”.

Buổi họp báo diễn ra trang trọng và ấm cúng.

Người lính binh nhì ngày đó đã lên quân hàm Trung tướng Công an, Anh hùng Lao động Thời kì đổi mới, chặng đường dài ông đã kinh qua nhiều biến đổi thăng trầm của đất nước và lúc nào ông cũng giữ cho mình một trái tim nóng và cái đầu lạnh để nhìn thời cuộc. Vốn là người ham làm, nên với ông không có từ về hưu. Ông làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, tự “nhốt” mình trong gian phòng giăng đầy tranh và giá vẽ với toan màu. Ông sáng tác nhạc, làm thơ và viết tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nào của ông cũng dày kín chữ, và khi xuất bản thì bao giờ rất đông bạn bè trong “làng” văn nghệ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người đã từng phát ngôn trong nhiều cuộc “chơi” của nhà văn Hữu Ước đã chia sẻ về cuốn tiểu thuyết lần này của ông: “Ngay cả khi cầm súng tiêu diệt kẻ thù trong cuộc chiến thì giấc mơ được sống một cuộc sống đúng nghĩa nhất của con người lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Toàn bộ tư tưởng trong tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước nhằm minh chứng điều lớn lao nhất ấy của con người. Những người lính Việt Nam hiện lên trong tiểu thuyết này là những người chiến đấu để được sống với giấc mơ đẹp chứ không phải chiến đấu như một cỗ máy hủy diệt. Chiến tranh đã đi qua, rồi những thắng thua, những thù hận, những thương đau sẽ tan theo thời gian. Nhưng những lời thì thầm của tình yêu, những nụ hôn, những ân ái dưới trăng, những giấc mơ bình yên trong những cánh rừng ngập bóng tối của thần chết chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Tất cả vang lên, như những bản tình ca buồn và đẹp đẽ. Đấy là những gì tôi nghe thấy rõ nhất khi rời những trang sách của nhà văn Hữu Ước”.

Hữu Ước nở nụ cười lấp lánh dưới nắng thu vàng. Mái đầu nhuộm đen trông trẻ trung, dáng đi nhanh nhẹn, tháo vát và tôi cảm nhận được tâm hồn phơi phới của ông như trẻ lại tuổi thanh xuân khi ra mắt “Suối Cọp”. Đó là khi ông dùng nguồn sinh lực của mình để cho ra một tác phẩm văn chương, thăng hoa trên cánh đồng chữ, “rồ rại” biến hình cùng các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết để cuốn sách đến tay bạn đọc. Và giờ là lúc ông điềm nhiên gặt hái kết quả sau những tháng ngày tự “đày ải” mình như một kẻ “khổ sai” đầy hạnh phúc.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trung-tuong-nha-van-huu-uoc-ra-mat-suoi-cop-i712914/