Trúng thầu dự án hơn 368 tỷ đồng tại Hải Phòng, liên danh Phúc Lộc - Hải Phong thực chất làm ăn ra sao?

Trúng gói thầu lớn tại Hải Phòng, nhưng quy mô của Phúc Lộc và Hải Phong có sự chênh lệch rất lớn từ vốn điều lệ đến tổng tài sản. Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp đều có điểm chung là lãi rất mỏng.

Trúng thầu dự án hàng trăm tỷ và nhiều gói thầu lớn tại Hải Phòng

Vừa qua, Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Hải Phong - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Liên danh Hải Phong - Phúc Lộc) vừa trung một gói thầu lớn lên tới 368,967 tỷ đồng tại Hải Phòng.

Theo đó, vào ngày 31/1/2023, ông Đỗ Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đã ký Quyết định số 22/QĐ-BQL về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 15: Cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352.

Nhiều gói thầu lớn tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng rơi vào tay Công ty CP Xây dựng và Vận tải Hải Phong

Với giá trúng thầu là 368,967 tỷ đồng, chỉ giảm 18,125 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,4%; thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá cố định. Liên danh Hải Phong - Phúc Lộc cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Trong Liên danh trúng thầu, Công ty CP Xây dựng và Vận tải Hải Phong (địa chỉ tại Tiểu khu Hồ Sen, thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) từng trúng nhiều gói thầu "khủng" trên địa bàn TP Hải Phòng. Đó là 3 gói thầu tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (UBND huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng) làm chủ đầu tư với tổng trị giá 60,715 tỷ. Cụ thể:

Vào ngày 27/9/2021, trúng gói thầu thi công xây dựng Công trình: Xây mới 01 đơn nguyên cầu Trà Sơn xã Kênh Giang với giá trúng thầu là 9,283 tỷ.

Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 21/10/2021, ông Phạm Văn Hào - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (UBND huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng) tiếp tục ký Quyết định số 1409/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công trình: Cải tạo, nâng cấp đường trục thôn xã Hòa Bình (Đoạn từ UBND xã qua nhà ông Sơn, ông Viện đến nhà ông Mai) với giá trúng thầu là 9,948 tỷ.

Đến này 15/8/2022, doanh nghiệp lại trúng Gói thầu thi công xây dựng công trình giao thông thuộc dự án Đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã Lưu Kiếm năm 2022 với giá 41,484 tỷ.

Ngoài ra, còn một số gói thầu khủng tại TP Hải Phòng cũng rơi vào tay doanh nghiệp này như: vào ngày 14/11/2022, ông Bùi Công Trọng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (UBND huyện Cát Hải - Hải Phòng) ký Quyết định số 456/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Xây lắp Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới kiểu mẫu xã Trân Châu. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Xây dựng và Vận tải Hải Phong với giá 51,659 tỷ.

Đặc biệt, Công ty CP Xây dựng và Vận tải Hải Phong trong năm 2021 còn trúng Gói thầu số 20: Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng từ Đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình với giá trúng thầu 717,865 tỷ đồng.

Còn với Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc ngoài gói thầu trúng khi liên danh với Hải Phong thì còn trúng một gói thầu lớn khác tại Hải Phòng. Đó là vào ngày 26/12/2022 trúng Gói thầu số 16: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 với giá trúng thầu là 345,818 tỷ

Quy mô chênh lệch nhưng lợi nhuận đều mỏng như nhau

Trúng thầu dự án hàng trăm tỷ khiến năng lực của liên danh nhà thầu được dư luận quan tâm. Đáng chú ý, quy mô của Phúc Lộc và Hải Phong lại có sự chênh lệch rất lớn. Thời điểm cuối năm 2021, vốn điều lệ của Phúc Lộc lên đến 2.689 tỷ đồng trong khi con số này với Hải Phong chỉ vỏn vẹn 9,9 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Phúc Lộc cũng gấp hơn 10 lần của Hải Phong. Tuy nhiên, mức độ sử dụng đòn bẩy của Hải Phong lớn hơn rất nhiều với nợ phải trả gấp hơn 17 lần vốn chủ sở hữu trong khi tỷ lệ này của Phúc Lộc chỉ là 1/3. Với việc sử dụng đòn bẩy lớn, tốc độ gia tăng tổng tài sản của Hải Phong nhanh hơn rất nhiều.

Giai đoạn 2018 - 2021, quy mô của Phúc Lộc gần như đi ngang quanh mức 3.700 - 3.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của Hải Phong đã liên tục tăng mạnh lên 511 tỷ đồng vào cuối năm 2021, gần gấp đôi thời điểm cuối năm 2017.

Với quy mô vượt trội, doanh thu của Phúc Lộc cũng lớn hơn nhiều so với Hải Phong nhưng cả 2 đều có xu hướng sụt giảm những năm gần đây. Sau giai đoạn thu nghìn tỷ mỗi năm, doanh thu của Phúc Lộc đã giảm hơn một nửa vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trở lại lên hơn 600 tỷ nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều giai đoạn trước.

Trong khi đó, doanh thu của Hải Phong cũng đã liên tục giảm trong 2 năm gần nhất. Đến năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt 186 tỷ đồng, giảm đến 43% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, Hải Phong chỉ lãi ròng vài tỷ đồng mỗi năm. Suốt giai đoạn 2017 - 2021, chưa năm nào doanh nghiệp này lãi quá 5 tỷ đồng.

Dù doanh thu lớn hơn rất nhiều nhưng Phúc Lộc cũng lãi rất mỏng. Doanh nghiệp chỉ lãi vài chục tỷ mỗi năm và đang có chiều hướng ngày càng thu hẹp. Năm 2021, lợi nhuận ròng của Phúc Lộc chỉ đạt 13 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn năm 2017 - 2021. Biên lãi ròng chỉ 2% tương ứng 100 đồng doanh thu chỉ thu về 1 đồng lãi. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ xấp xỉ 0,5% tức là 1000 đồng vốn bỏ ra doanh nghiệp này chỉ thu về chưa đến 5 đồng lãi.

Ánh Dương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-thau-du-an-hon-368-ty-dong-tai-hai-phong-lien-danh-phuc-loc--hai-phong-thuc-chat-lam-an-ra-sao-post239931.html