Trung tâm thương mại chưa 'chết'

Số lượng TTTM khắp thế giới đã suy giảm trong vài thập kỷ qua, nhưng chuyên gia nhận định chúng không 'chết' mà đang thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Các trung tâm thương mại (TTTM) từng gắn liền với sự bùng nổ của văn hóa mua sắm, đặc biệt ở các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp... Nhưng vài thập kỷ gần đây, mọi thứ đã thay đổi.

Truyền thông thế giới đã nói nhiều hơn về "hồi chuông báo tử" của TTTM, theo Pure Wow. Hàng loạt thuật ngữ được cập nhật để miêu tả những khu mua sắm bỏ hoang, không bóng người như "ghost mall", "zombie mall" hay "abandoned mall".

Nhiều chuyên gia nhận định "cái chết được báo trước" này gắn chặt với sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng, khi người ta chuyển dần từ mua sắm truyền thống sang mua hàng online.

Song thực tế, có những bằng chứng cụ thể để khẳng định rằng TTTM sẽ không chết mà đang thích ứng với thị trường kinh doanh mới.

Sự suy giảm

Những năm 1980, có khoảng 2.500 TTTM trên toàn nước Mỹ. Nick Egelania, chủ tịch của SiteWorks, cho biết vào năm 2023, còn khoảng 700 cơ sở còn hoạt động. Ông nói thêm với Wall Street Journal rằng khả năng chỉ có khoảng 150 công ty sẽ tồn tại trong 10 năm tới.

Dự đoán đó có thể hơi phóng đại. Tuy nhiên, các TTTM đang đấu tranh cho sự tồn vong, với khoảng 1/3 trong số đó đang trong giai đoạn sụp đổ, có tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở xuống.

Theo Placer.ai, lượng người đến trung tâm mua sắm tiếp tục giảm, giảm 7% đối với các cơ sở trong nhà và 9% đối với các trung tâm mua sắm đại lý từ năm 2019 đến năm 2022. Chuỗi Sears vận hành khoảng 300 cửa hàng vào năm 2019, hiện chỉ còn khoảng 40 cửa hàng.

Sự bùng nổ của mua sắm online được cho sẽ "giết chết" các TTTM. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Andrew Brezina, giám đốc tại một công ty quy hoạch và thiết kế toàn cầu làm việc với cả nhà bán lẻ và TTTM, từng nói đùa về việc "ném một viên đá vào các TTTM" vì giờ chúng đã trống rỗng hơn một nửa.

Trang The State Press cũng đưa ra nhận định thiếu lạc quan về sự tồn tại của các TTTM. Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2015) đã phá bỏ truyền thống mua sắm của thế hệ trước.

Trải nghiệm mua sắm tại TTTM - là dấu tích của văn hóa những năm 1990 và 2000 - đang dần mất đi, thay vào đó là những cửa hàng độc đáo bên ngoài đường phố. Người trẻ ngày nay ít quan tâm đến những thứ được thiết kế đồng nhất trong trung tâm mua sắm, họ thích tìm kiếm trải nghiệm tiêu dùng cá nhân, phù hợp với phong cách riêng.

"Ngày nay, các cửa hàng độc lập có nhiều loại hàng hóa đang tiếp nối văn hóa mua sắm ở TTTM ngày xưa", Tiffany Rauch, trợ lý hành chính của ASU NewSpace, nói.

Có nhiều lý do khiến dẫn đến sự suy tàn của các TTTM. Trước hết phải kể đến sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến. Ngày nay, nhiều người thích ngồi ở nhà và thoải mái lựa hàng thay vì chen chân đến các khu mua sắm.

Mặt khác, trong khi số khách ghé tới TTTM giảm, số tiền để duy trì chúng lại tăng lên. Điều đó đồng nghĩa với các ông chủ phải vật lộn để duy trì và vận hành doanh nghiệp của mình.

Không chết, chỉ "tiến hóa"

Theo CNN, các chuyên gia từ lâu đã gióng lên cảnh báo về ngày tàn của TTTM ở Mỹ. Nhưng các trung tâm mua sắm sẽ không chết, chúng đang thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Theo một phân tích thị trường gần đây từ Coresight Research, nhiều nơi đã báo cáo mức độ lấp đầy cao và lượng khách đông hơn trước đại dịch.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6/2023, Coresight nhận thấy lưu lượng khách đến các TTTM cao cấp nhất đã tăng 12% vào năm 2022 so với năm 2019. Công ty này định nghĩa "hàng đầu" là những nơi "một người mua sắm thường có thu nhập hàng năm trên 200.000 USD".

Trung bình, các TTTM hàng đầu có tỷ lệ lấp đầy là 95% vào năm 2022, trong khi các cơ sở cấp thấp hơn ở khu vực ít giàu có cho thuê khoảng 89%. Coresight nhận thấy các con số thấp hơn một chút so với mức trước đại dịch, nhưng vẫn đầy hứa hẹn.

Nhiều thương hiệu có thể chọn lọc địa điểm mở cửa hàng vật lý để tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng độ nhận diện. Ảnh minh họa: Pexels.

Các nhà phát triển bất động sản cao cấp khác như Macerich, Simon Property Group và Taubman Centers "đã báo cáo nhu cầu cao về mặt bằng bán lẻ" trong những tháng giữa năm 2023. Đầu tháng 8 cùng năm, Tanger Outlets thông báo rằng trung tâm mua sắm sắp tới của họ ở Nashville, Tennessee đã được cho thuê 95%.

Trong thập kỷ qua, sự phát triển của thương mại điện tử đã làm dấy lên lo ngại rằng mua sắm trực tuyến cuối cùng sẽ thay thế trải nghiệm tại trung tâm mua sắm truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ lớn lên trong thời đại công nghệ số.

Brandon Isner, Giám đốc Nghiên cứu Bán lẻ khu vực Châu Mỹ của CBRE, cho rằng thương mại điện tử có khả năng thay đổi thị trường, nhưng ý tưởng cho rằng nó sẽ "giết chết hoạt động bán lẻ truyền thống" là phiến diện.

TTTM vẫn sẽ tồn tại tốt như một khái niệm bán lẻ, trong bối cảnh các thương hiệu đang vận động để phù hợp với xu hướng. Theo Coresight, tiếp thị đa kênh, trong đó một thương hiệu hiện diện cả offline và online, là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của TTTM.

Các nhà bán lẻ ngày nay có lợi thế khi có thể xây dựng thương hiệu trên Internet, khác với cách họ phải rải cửa hàng vật lý khắp nơi như những năm 70, 80 và 90. Do đó, họ được chủ động chọn lọc để mở cửa hàng offline ở các trung tâm mua sắm tập trung đối tượng khách hàng họ muốn.

Stephen Yalof, Giám đốc điều hành của Tanger Outlets, cho biết nhãn hàng của mình có một số điểm bán trong TTTM. Khách hàng có thể đến đây thử đồ rồi có lựa chọn tốt nhất khi chốt đơn online.

Một số thương hiệu chỉ kinh doanh online cũng bắt đầu mở cửa hàng vật lý trong TTTM với mục tiêu tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng độ nhận diện. Warby Parker, Allbirds và Wayfair là những công ty trực tuyến đã mở hoặc thông báo rằng sẽ mở các địa điểm bán lẻ thông thường.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-tam-thuong-mai-chua-chet-post1454538.html