Trung tâm Đào tạo Từ xa Đại học Huế: 20 năm mang kiến thức đến mọi miền...

Trung tâm được thành lập ngày 24.1.1995 – cách đây vừa tròn 20 năm. Tính đến nay, Trung tâm đã cấp bằng cử nhân, luật sư, kỹ sư cho 140.815 người. Tổng số sinh viên đang theo học là hơn 23.000, với 17 ngành học, trải đều trên 38 tỉnh, thành, từ Kiên Giang đến Hà Tây, từ huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) - ở vùng ngã ba Đông Dương đến huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)...

Có thể bạn quan tâm

Có lẽ, một trong những vấn đề được đem ra bàn rất nhiều ở các hội nghị, hội thảo, báo chí là chuyện cần hay không phát triển đào tạo từ xa... Dĩ nhiên, cái lý thuận luôn ít hơn cái nghịch chiều, bởi vậy mới phải bàn, phải “tạm dừng”, “tạm nghĩ”. Thế nhưng, nếu ta mặc định rằng khi những cái được lớn hơn, vượt trội cái trái chiều, cái đáng trăn trở để cho cuộc đời thêm tốt đẹp, thì, có lẽ, những thành công của TTĐTTX, Đại học Huế (Trung tâm), sau 20 năm không ngừng phát triển, là những điều rất đáng quan tâm...

Trung tâm được thành lập ngày 24.1.1995 – cách đây vừa tròn 20 năm. Tính đến nay, Trung tâm đã cấp bằng cử nhân, luật sư, kỹ sư cho 140.815 người. Tổng số sinh viên đang theo học là hơn 23.000, với 17 ngành học, trải đều trên 38 tỉnh, thành, từ Kiên Giang đến Hà Tây, từ huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) - ở vùng ngã ba Đông Dương đến huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)...

Với phương châm đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển của xã hội, tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, Trung tâm đã xác định: Đối tượng đào tạo chủ yếu là những học viên có trình độ trung cấp, cao đẳng, đang công tác tại các trường tiểu học, THCS, các cơ quan chính quyền các cấp; do đó, phải có chương trình giảng dạy, giáo trình phù hợp. Nói và làm đã được thực tiễn chứng minh: Trung tâm đã xuất bản được 665 đầu giáo trình in và 288 giáo trình điện tử; đã xây dựng được hai phòng thí nghiệm ảo cho các ngành vật lý, hóa học; triển khai đào tạo qua cầu truyền hình đa điểm, chuẩn bị cho việc đào tạo E-Learning... Tuyệt đại đa số những giảng viên được Trung tâm mời giảng dạy đều có trình độ cao, gần 80% giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ GS, PGS, TS.

Trả lời câu hỏi, liệu có thiếu chất lượng không khi thời gian học tập tại lớp quá ít (hàng năm hai lần học tập trung), Giám đốc Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Đại học là tự học. Đó là triết lý, là nguyên tắc của mọi trường đại học trên thế giới. Vai trò của người thầy chủ yếu là hướng dẫn, cố vấn, giải đáp các câu hỏi khó, phần còn lại là quá trình tự đào tạo. Tất nhiên, do thời gian lên lớp trực tiếp nghe giảng của học viên không thể tổ chức nhiều hơn nên phải bổ sung bằng các bài kiểm tra, thu hoạch nhằm mục đích ‘buộc’ học viên phải học liên tục mới có thể có kết quả. Việc thi cử được tổ chức nghiêm túc, cho đến nay, chưa hề xảy ra bất kỳ một sai phạm lớn nào, đó là điều chúng tôi có thể tự hào”...

Điều băn khoăn lớn nhất của dư luận về vấn đề chất lượng là một thực tế mà cái đúng của trăn trở là không thể không công nhận. Thế nhưng, tại sao không hỏi lại rằng việc mỗi giáo viên hay cán bộ đang công tác học thêm suốt ba hay bốn năm tốt hơn hay là không học gì cả, vẫn tiếp tục đảm đương, vẫn ‘hoàn thành nhiệm vụ’ như bao đời nay, vẫn thế?

Về mặt xã hội, quyền được tiếp tục học tập là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Đem kiến thức đại học đến gần hơn, dễ dàng tiếp nhận hơn, với hiệu quả chắc chắn sẽ có – dù ít hay nhiều, là một nghĩa cử, trách nhiệm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tại sao có thể kéo dài mãi sự ‘bất công’ đối với những người, do thiếu điều kiện hay thiếu may mắn, đã không được học tiếp đại học mà phải đi làm ngay để kiếm sống. Đó là chưa nói chuyện những học viên ở biên giới, hải đảo – nếu không có đào tạo từ xa, thì cơ hội nào cho những người dân ở đó có thể biết thế nào là giáo dục đại học? Trong một chừng mực nhất định có thể nói, đào tạo từ xa góp phần làm rõ hơn, sáng hơn chính sách quan tâm đến đồng bào các dân tộc ít người của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, không thể đem cách nghĩ, cách hiểu về đại học chính quy để “áp dụng” một cách khiên cưỡng với đào tạo từ xa, từ đó có ‘quyền’ nói rằng đào tạo như thế là kém chất lượng so với đào tạo chính quy. Cái tắc trách, sai phạm thì ở đâu, bao giờ cũng có. Chuyện học giả, bằng thật hay học thật rất gần với bng thật nhưng lại được đào tạo từ xa là cái lẽ không thể đem phép tính cộng hay trừ để giải.

Để kết thúc bài này, xin kể một câu chuyện: Năm 2005, khi về dạy học theo chương rình đào tạo từ xa ở Quy Nhơn, tôi đã chứng kiến một giáo viên tiểu học, mới sinh con hai tháng, dù bầu sữa nhức buốt vẫn cố gắng học hết buổi mới xin phép về cho con bú. Xúc động và cảm phục đã làm tôi viết ngay bài Bầu sữa, đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 24.8.2007 ( link: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20070824/bau-sua/216791.html).

Một trong những thành tích rất đáng ghi nhận của Trung tâm là với chỉ 99 cán bộ, nhân viên, trong 5 năm qua, Trung tâm đã đóng góp cho ngân sách 56 tỷ đồng! Nếu tính thêm rằng suốt 20 năm phấn đấu, Trung tâm hoạt động theo phương thức tự thu, tự chi mà không nhận bất kỳ một sự hỗ trợ kinh phí nào, thì thành quả đó là rất lớn. Đào tạo hàng trăm ngàn người có trình độ đại học, góp phần không nhỏ vào việc xã hội hóa giáo dục bằng nỗ lực tự mình, là sự thành công không phải là nhiều lắm trên đất nước ta.

Ghi nhận và đánh giá cao công lao, sự đóng góp, cống hiến của Trung tâm qua nhiều thế hệ trong suốt 20 năm qua, Nhà nước đã tặng thưởng Trung tâm tấm huân chương cao quý: Huân chương Lao động Hạng Nhì theo Quyết định số 71/QĐ - CTN, do Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan ký ngày 14.1.2015.

Vẫn còn đó những băn khoăn, vẫn không thôi day dứt về những điều lẽ ra phải tốt hơn, là đòi hỏi của trách nhiệm, sự say mê và tinh thần tận tụy của mọi con người cho cuộc đời. Yêu cầu bao hàm cả ý nghĩa của bổn phận đó, có thể là nhiều hơn đối với mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trung tâm: Suốt hai mươi năm qua, họ là những người đã miệt mài đem kiến thức, niềm vui đến mọi vùng sâu vùng xa để, hạnh phúc cho mọi người được đến gần hơn...

Hà Văn Thịnh

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/trung-tam-dao-tao-tu-xa-dai-hoc-hue-20-nam-mang-kien-thuc-den-moi-mien-146897.html