Trung Quốc và Philippines trong mối quan hệ 'kinh tế nóng, chính trị lạnh'

Cụm từ 'kinh tế nóng, chính trị lạnh' mô tả chính xác mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay, vì cả hai nước đều có mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế mặc dù có những vấn đề hoặc khác biệt về chính trị.

Theo các chuyên gia, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines hiện hoạt động bình thường, nhưng rủi ro cũng đang gia tăng.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và nhà cung cấp hàng nhập khẩu hàng đầu của Philippines. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines.

“Cụm từ 'kinh tế nóng, chính trị lạnh' mô tả chính xác mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, vì cả hai nước đều có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ mặc dù có những vấn đề hoặc khác biệt về chính trị", ông Severo C. Madrona Jnr, giảng viên Khoa Lịch sử của Đại học Ateneo de Manila nhận định.

Ông Severo C. Madrona Jnr nói: “Ngay cả khi các mối quan hệ chính trị trở nên khó khăn, sự hợp tác đôi khi có thể xuất phát từ các mục tiêu kinh doanh thực dụng, bởi vì động lực của hai lĩnh vực không nhất thiết phải liên quan trực tiếp với nhau”.

Đối với Philippines, quan hệ song phương với Trung Quốc đang được thiết lập lại dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr - người thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, trái ngược với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte

Vào tháng 1-2023, trong chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh, Tổng thống Marcos Jnr đã ký 14 thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến nhập khẩu sầu riêng tươi.

Các thỏa thuận thương mại cấp cao gần đây được ký kết giữa Bắc Kinh và Manila cho thấy hai bên đã trở nên phụ thuộc vào nhau về kinh tế như thế nào bất chấp những căng thẳng ngoại giao

Trung Quốc, với ngành xuất khẩu đang chịu áp lực do nhu cầu yếu và những nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ phương Tây trong vài tháng qua, cũng đang xoay trục để tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Đối với Philippines, quan hệ thương mại chặt chẽ và tích cực khuyến khích đầu tư kinh doanh, tách biệt khỏi chính trị, là điều mà ông Marcos hy vọng”, Andrea Chloe Wong, Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết.

Nhưng Manila cũng cảnh giác với việc Bắc Kinh sử dụng thương mại như một biện pháp trừng phạt vì Trung Quốc là đối tác kinh tế có ưu thế hơn, bà Chloe Wong nói thêm.

Ở đỉnh điểm của căng thẳng song phương giữa hai nước trong cuộc đối đầu ở Bãi cạn Scarborough năm 2012, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines với cáo buộc chuối có rệp sáp.

Một số nhà lập pháp Philippines gần đây đã gây áp lực lên chính quyền Marcos để tránh xa các công ty và sản phẩm của Trung Quốc, nhằm trả đũa các hành động của Bắc Kinh trong tranh chấp hàng hải.

Nhưng Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc ở Philippines là “tự chuốc lấy thất bại”.

Mặt khác, Trung Quốc có thể trả đũa ngay lập tức bằng cách cắt giảm khách du lịch hoặc nhập khẩu chuối của Philippines.

Ông Eduardo Araral, phó giáo sư về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng nếu bị thúc ép, Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp kinh tế để trả đũa, nhưng chỉ từ từ như kiểu dùng kim châm cứu vậy.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-va-philippines-trong-moi-quan-he-kinh-te-nong-chinh-tri-lanh-post548388.antd