Trung Quốc và Đức cần tìm 'điểm chung' để phát triển quan hệ ổn định

Trung Quốc đã kêu gọi Đức tôn trọng lẫn nhau và tìm 'điểm chung' bất chấp những khác biệt trong một số vấn đề để mối quan hệ song phương phát triển ổn định.

Theo Reuters, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh với Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển ổn định, miễn là hai bên tôn trọng lẫn nhau và tìm được “điểm chung”. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng ta phải xem xét và phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện từ góc độ chiến lược và lâu dài. Miễn là cả hai bên tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung dù có những khác biệt, liên lạc và học hỏi lẫn nhau cũng như đạt được sự hợp tác cùng có lợi, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tìm hiểu về dự án hợp tác nghiên cứu khoa học Đức - Trung Quốc về giám sát nước ở Trùng Khánh. Ảnh: Tân Hoa xã

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, cả Trung Quốc và Đức nên cảnh giác trước chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, xem xét vấn đề năng lực sản xuất một cách khách quan từ góc độ định hướng thị trường và toàn cầu, tuân thủ các nguyên tắc kinh tế cũng như thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Ông Tập Cận Bình cho rằng, chuỗi công nghiệp, cung ứng của hai nước có mối liên hệ sâu sắc với nhau và thị trường của hai nước phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, đồng thời khẳng định sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước không phải là một “rủi ro” mà là sự bảo đảm cho quan hệ song phương phát triển ổn định và là cơ hội cho tương lai. Ông Tập Cận Bình lưu ý, hai nước có tiềm năng rất lớn để hợp tác cùng có lợi trong cả các lĩnh vực truyền thống như sản xuất máy móc, ô tô và các lĩnh vực mới nổi bao gồm chuyển đổi xanh và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, xuất khẩu xe điện, pin lithium và các sản phẩm quang điện của Trung Quốc không chỉ làm phong phú thêm nguồn cung và giảm bớt áp lực lạm phát mà còn góp phần to lớn vào nỗ lực chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Về phần mình, theo AFP, Thủ tướng Đức Scholz đề cập đến những lĩnh vực mà Đức và Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu... Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, ông Scholz bày tỏ hy vọng Berlin và Bắc Kinh có thể giúp đạt được “hòa bình công bằng” ở Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất 4 nguyên tắc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát và sớm khôi phục hòa bình ở Ukraine, đó là ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định và không tìm kiếm lợi ích một cách ích kỷ; hạ nhiệt tình hình thay vì đổ thêm dầu vào lửa; tạo điều kiện để lập lại hòa bình và kiềm chế căng thẳng leo thang; giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như kiềm chế làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Công nhân kiểm tra những chiếc xe Mercedes-Benz mới lắp ráp tại một nhà máy ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Scholz đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường để trao đổi một số vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, trong đó có vấn đề cải thiện điều kiện cho các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc từ ngày 14 đến 16-4, nhà lãnh đạo Đức đã đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Trùng Khánh. Đi cùng ông có lãnh đạo các doanh nghiệp Đức, bao gồm hãng xe Mercedes-Benz, BMW... Điều này cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Giám đốc điều hành (CEO) của Mercedes-Benz Ola Kallenius nói với Đài Truyền hình ARD của Đức rằng, mối quan hệ kinh tế Đức-Trung Quốc không chỉ cần được vun đắp mà còn cần được mở rộng. Trong khi đó, chia sẻ quan điểm tương tự về Trung Quốc, CEO BMW Oliver Zipse khẳng định: “Chúng tôi thực sự nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là rủi ro”.

Chuyến thăm tới Trung Quốc của ông Scholz là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Chính phủ của ông đưa ra Chiến lược “Giảm rủi ro” vào năm ngoái để tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Chuyến thăm của ông cũng diễn ra vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) lo ngại về mối đe dọa đối với các doanh nghiệp châu Âu từ hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả xe điện và các công nghệ xanh khác. Giới chức EU đang cân nhắc áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất trong khối khỏi ô tô điện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Scholz tỏ ra thận trọng trong việc đẩy Trung Quốc-một thị trường quan trọng đối với Đức-ra xa, đồng thời cho rằng, EU không nên hành động vì lợi ích theo chủ nghĩa bảo hộ.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/trung-quoc-va-duc-can-tim-diem-chung-de-phat-trien-quan-he-on-dinh-5005848.html