Trung Quốc tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân

Các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc được coi là thành phần kinh tế đầy tiềm năng. Có thể nhắc đến những tên tuổi lớn góp phần tạo nên đột phá cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như Huawei, Tencent, BYD… Không chỉ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, các tạp đoàn lớn còn góp phần tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về quản trị xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thời gian qua, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách để thúc đẩy tiềm năng của các doanh nghiệp lên một tầm cao mới.

Kinh tế tư nhân đóng góp Hơn 50% thu ngân sách từ thuế tại Trung Quốc. Hơn 60% GDP và Hơn 80% việc làm tại khu vực đô thị.

Một dấu mốc đáng chú ý là vào tháng 9/2023, Trung Quốc đã thành lập Văn phòng đặc biệt để hỗ trợ kinh tế tư nhân, trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Cơ quan này chịu trách nhiệm đưa ra các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các công ty tư nhân trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Văn phòng cũng đứng ra giải quyết những vướng mắc, xử lý sự cố mà các doanh nghiệp tư nhân gặp phải.

Theo kế hoạch hành động mới nhất được công bố đầu năm nay, cơ quan này khẳng định: Nhà chức trách sẽ đẩy nhanh công tác lập pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân, mà trọng tâm là xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế để hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân.
Miễn giảm thuế cũng là một giải pháp nổi bật. Tháng 8/2023, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố gói các biện pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, người nộp thuế có doanh thu bán hàng hàng tháng không quá 100.000 Nhân dân tệ (14.000 USD) sẽ tiếp tục được miễn thuế giá trị gia tăng VAT. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ và hộ gia đình tự kinh doanh được hưởng Thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi 1%, giảm từ 3%. Cơ quan chức năng cũng thông báo gia hạn các chính sách ưu đãi thuế đến năm 2027 đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó là tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, ví dụ như các dự án đường sắt, nhà máy điện hạt nhân, bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Đến nay, kinh tế tư nhân của Trung Quốc không chỉ có vị thế cạnh tranh ngang bằng với kinh tế nhà nước, mà còn đảm nhận nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của nước này. Đưa thành phần kinh tế đầy tiềm năng này phát triển ở một tầm cao mới là những gì Trung Quốc đang tập trung thực hiện, nhằm giải quyết bài toán việc làm cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/trung-quoc-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-217852.htm