Trung Quốc: Nhu cầu lớn về trường quốc tế đắt đỏ

Ngày đầu tháng 9, Trường Haileybury College nằm ở ngoại ô Bắc Kinh khai giảng trong một khung cảnh như ở nước Anh. Học sinh trong bộ đồng phục kiểu Australia, hát 'trường ca' bằng tiếng Anh dưới sân trường được bao bọc bởi những tòa nhà ốp gạch đúng 'chuẩn Australia'.

Những trường quốc tế như Haileybury đang nở rộ tại Trung Quốc nhờ vào nhu cầu “vô hạn” của tầng lớp phụ huynh giàu có…

Tất cả vì hạnh phúc con cái

Các trường dự bị đại học hàng đầu thế giới đang đổ tới Trung Quốc mở trường nhánh (liên kết với đối tác Trung Quốc). Các trường nhánh thường thu phí cao hơn cả “trường mẹ” và nhắm vào những học sinh muốn du học đại học tại phương Tây.

Vào học tại Haileybury phải đóng phí 28.000 USD/năm. Trường Haileybury mở trường nhánh - theo đúng mô hình dự bị đại học gốc có lịch sử hàng trăm năm tại Australia - vào năm 2013. Đến năm 2016, số lượng tuyển sinh đã tăng gấp đôi và trường đang xem xét mở trường nhánh thứ hai tại Trung Quốc.

Để vào học những trường THPT chất lượng hàng đầu thế giới như Haileybury đòi hỏi học sinh phải có tư chất thông minh, nhưng bất chấp khả năng con mình có khả năng hay không, nhiều phụ huynh Trung Quốc vẫn chọn cách mạnh tay chi tiền cho một môi trường học tập mà theo họ là ít áp lực hơn và giáo dục toàn diện hơn trong trường quốc tế.

Theo giảng viên Wang Dan, ĐH Hồng Kông, điều phụ huynh thực sự quan tâm là hạnh phúc của con cái. International School Consultancy (ISC), công ty nghiên cứu xu hướng trường học toàn cầu, đánh giá rằng nhu cầu đối với các trường nói tiếng Anh như Haileybury là “vô hạn”.

Bất bình đẳng gia tăng

Trong khi trường công lập - đặc biệt những trường hàng đầu các tỉnh, thành phố - bị chỉ trích là môi trường “luyện đan” sôi sục hướng tới kì thi đại học có tính chất quyết định cuộc đời một cá nhân, thì trường dự bị phương Tây tại Trung Quốc trải tấm thảm mềm mại hơn tới các trường ĐH nước ngoài. Trường quốc tế không chỉ dạy kiến thức thuần túy mà nhấn mạnh tới tư duy sáng tạo và dựa trên chương trình Tú tài quốc tế hoặc những chương trình khác được phương Tây công nhận.

Từng bị giới hạn đối tượng học sinh chỉ là người nước ngoài, 2 thập kỉ qua, trường quốc tế tại Trung Quốc đã được phép mở trường dành cho học sinh Trung Quốc thông qua hình thức liên kết với các đối tác địa phương.

Trong khi nội dung kiến thức trong trường công bị hạn chế thì trường quốc tế được tự chủ về phương pháp giảng dạy đáp ứng mong muốn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Chính sách mở cửa cho trường quốc tế tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu giáo dục lớn nhất thế giới vươn tay tới Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trong khi bùng nổ trường quốc tế phản ánh sự thịnh vượng tăng nhanh trong một bộ phận cư dân Trung Quốc, thì cũng đồng thời phản ánh sự bất bình đẳng xã hội ngày càng nới rộng.

Zeng Xiaodong, giảng viên ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét: “Phụ huynh có điều kiện sẵn sàng bỏ cả núi tiền để con cái họ tương lai là một thành viên của thế giới quốc tế hóa. Nhưng lựa chọn này là không tưởng với những gia đình nông thôn. Hiện trạng này làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng xã hội. Trẻ em nghèo sẽ mãi không được tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến - và điều này sẽ trở thành đặc quyền của tầng lớp nhà giàu”.

Hơn 150.000 học sinh Trung Quốc hiện đang theo học tại các trường quốc tế - theo ISC - cho dù số người có khả năng tài chính đáp ứng được chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ dân số Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhưng nhu cầu học trường quốc tế vẫn sẽ tăng trong thời gian tới.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-nhu-cau-lon-ve-truong-quoc-te-dat-do-2378380-b.html