Trung Quốc: Nhiều người trẻ ngần ngại chia sẻ mức lương với người thân

Giới trẻ Trung Quốc dần có xu hướng giấu thu nhập hàng tháng của mình với những người thân trong gia đình. Dưới đây là một vài chia sẻ của các bạn trẻ về xu hướng này.

Trên diễn đàn mạng xã hội tại Trung Quốc, nhiều bạn trẻ đã tiết lộ lý do vì sao họ không chia sẻ với cha mẹ về mức thu nhập của mình. Đây cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của truyền thông nước này.

Giấu mức tiền lương giúp giới trẻ có thể nhờ vả bố mẹ

Cô gái có tên Đường Đường chia sẻ: "Khi trò chuyện với bố mẹ, tôi luôn kêu than về việc nghèo một cách vô thức. Tôi thường kêu ca với họ về việc tôi đã tiêu nhiều tiền thế nào hoặc gửi cho họ một số bức ảnh về bữa ăn đạm bạc mà mình phải ăn mỗi ngày.

Lý do cho điều này là bởi vì tôi cảm thấy không an toàn. Tôi và những người tôi quen xung quanh đều như đang “đi trên băng mỏng”, chúng tôi luôn lo lắng về việc mất đi công việc hiện tại.

Đôi khi tôi còn tưởng tượng ra cuộc sống sau khi thất nghiệp, dựa theo tình hình hiện giờ thì phải ít nhất 3 tháng cho đến 1 năm mới có thể tìm được việc. Ở Thượng Hải, chỉ riêng chi phí sinh hoạt đã tốn 6.000 nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng) mỗi tháng, nếu không có đủ tiền tiết kiệm thì tôi sẽ không thể sống được ở đây.

Sau khi bắt đầu kêu than với bố mẹ, tôi phát hiện ra rằng mình đã trở nên gần gũi với họ hơn. Trước đây, tôi không thường xuyên giao tiếp với gia đình nhưng sau khi chia sẻ cuộc sống với bố mẹ nhiều hơn thì dần nhận ra bố mẹ thực sự rất cô đơn, thực chất họ luôn sẵn lòng để chiều chuộng tôi.

Thời gian vừa rồi, mẹ nói muốn mua cho tôi một chiếc vòng tay vàng với giá tiền bằng hơn một nửa số tiền tiết kiệm của tôi. Khi ấy, tôi chợt cảm thấy hổ thẹn với bố mẹ và cảm thấy mình thực sự hạnh phúc".

Tránh tranh giành tài sản cá nhân

Một thanh niên khác nói về chuyện giấu gia đình mức thu nhập của mình như sau: "Vào năm 2021, tôi và các bạn rủ nhau đi làm thuê, nhưng hàng ngày kiếm được bao nhiêu tiền tôi đều sẽ nói cho bố mẹ. Sau khi biết được điều này, các bạn đều mắng tôi là đồ ngốc. Lúc đó tôi không hiểu tại sao việc tiết lộ mức lương với bố mẹ lại không ổn.

Cho đến tháng 3/2023, tôi chính thức được nhận vào một công ty với tư cách là thực tập sinh và nhận mức lương là 1.600 nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu đồng) mỗi tháng.

Sau khi biết tôi có thu nhập cố định, bố mẹ tôi đã yêu cầu tôi trả "phí ăn uống" và yêu cầu tôi đưa một nửa số lương mỗi tháng, họ nói điều đó là "giữ tiền hộ tôi".

Giới trẻ Trung Quốc áp lực khi bố mẹ yêu cầu "giữ hộ tiền lương" (Ảnh: huxiu.com).

Sau khi nghe thấy điều này, tôi cảm thấy vô cùng choáng váng. Bản thân thu nhập thực tập đã là khá thấp, sau khi trừ "chi phí ăn uống" thì tôi chỉ giữ lại được 800 tệ (hơn 2,5 triệu đồng). Cứ nghĩ đến việc dùng số tiền này để trang trải việc đi lại và ăn uống khi đi làm, tôi cảm thấy thà thất nghiệp còn hơn.

Vì vậy, tôi đã từ chối yêu cầu của bố mẹ và không xin gia đình một xu nào nữa. Sau khi trở thành nhân viên chính thức và lương được tăng gấp đôi, tôi không báo tin này cho bố mẹ nên họ luôn nghĩ tôi chỉ là thực tập sinh, chỉ có thu nhập ít ỏi và luôn bị họ mắng mỏ.

Bây giờ, tôi đã dần hiểu được tại sao các bạn của tôi lại giấu bố mẹ mức lương của mình. Có thể gia đình bạn sẽ không thực sự lấy tiền của bạn, nhưng số tiền bạn được giữ mới là sự tự do thực sự, nó hoàn toàn thuộc về bạn và không ai có thể lấy đi".

Giấu lương để giữ thể diện

Bạn Tiểu An chia sẻ: "Năm 2020, tôi nhảy việc bất chấp sự phản đối quyết liệt của bố mẹ, không ngờ dịch bệnh Covid ập đến nên thị trường lao động bị đóng băng, tôi bị cắt lương, bị sa thải, bị thất nghiệp và hoàn cảnh sống cũng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ dám kể chuyện này với bố mẹ, mỗi lần họ hỏi thăm, tôi đều nói rằng tôi vẫn đang làm ở công ty ban đầu và mọi thứ vẫn ổn thỏa như cũ.

Thỉnh thoảng, tôi sẽ đăng một số bức ảnh “trà chiều” giả lên mạng xã hội hoặc tự mua một số sản phẩm từ công ty cũ bằng tiền của mình và gửi cho bố mẹ tôi, giả vờ rằng đó là những phúc lợi từ công ty.

Vì vậy, trong mắt bố mẹ, tôi luôn có được công việc ổn định và mối quan hệ hòa hợp với đồng nghiệp. Trên thực tế, sau mười tháng thất nghiệp, số tiền tiết kiệm của tôi ngày càng giảm đi và tôi vẫn luôn hoảng loạn không biết làm thế nào.

Sau đó để tránh bị vạch trần sự thật, tôi cố gắng không chủ động liên lạc với bố mẹ. Dù biết điều này không được lâu dài nhưng ít nhất tôi có thể được an ổn một khoảng thời gian".

Áp lực đồng tiền đến từ việc duy trì các mối quan hệ trong gia đình

Bạn Mộc Lan chia sẻ: "Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi không được khá giả, mỗi lần đóng học phí, bố mẹ tôi luôn vô cùng cáu kỉnh. Khi trao đổi với thầy cô trên trường, họ cũng thường nói là “nhà không có tiền” khiến tôi không thể ngẩng cao đầu suốt thời đi học. Vì vậy, tôi không có nhiều bạn bè ở trường và luôn khao khát có được tình bạn.

Sau đó để kết bạn, tôi bắt đầu trộm tiền xu ở nhà. Bố mẹ tôi thường bỏ tiền lẻ vào một con heo đất, khi họ không chú ý, tôi sẽ lấy một ít ra ngoài mua đồ ăn vặt cho các bạn. Từ đó, tôi dần trở nên vô cùng hào phóng với mọi người, điều này vừa thỏa mãn sự phù phiếm của mình vừa cho phép tôi có cảm giác tồn tại trong nhóm bạn".

Áp lực đồng tiền đến từ việc duy trì các mối quan hệ trong gia đình (Ảnh: Sohu).

Vào năm 2022, hiệu quả hoạt động của công ty bị giảm sút, thu nhập hàng tháng của tôi giảm 30% và không còn tiền hoa hồng. Lòng tự trọng của tôi không cho phép tôi tỏ ra yếu đuối trước bố mẹ, và vì tôi đã hứa với bố mẹ sẽ đưa 1000 tệ (gần 3,5 triệu đồng) mỗi tháng nên tôi chỉ biết cắn răng vay tiền để đưa cho họ.

Tuy nhiên, số tiền vay dần vượt quá khả năng trả nợ của tôi, hơn nữa sức khỏe tôi có vấn đề, hàng tháng đều phải uống thuốc nên dần không thể kham nổi món tiền này nữa.

Vì vậy, tôi bắt đầu nói dối bố mẹ rằng công ty không trả lương và không thể tiếp tục trả lương, trong lúc đó tôi cũng gặp một vài khó khăn về tài chính nên đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ.

Tuy nhiên, ngay khi bố mẹ tôi nghe được điều này, họ vội vã giục tôi từ chức và đổi việc; đồng thời họ còn phàn nàn rằng tôi đã đi làm nhiều năm mà vẫn dám xin tiền bố mẹ và làm ngơ trước khó khăn của tôi. Sau đó, họ thường xuyên thúc giục tôi kết hôn để có thể đẩy tôi đi càng sớm càng tốt.

Khi ấy, tôi mới hiểu ra rằng hóa ra không chỉ người ngoài mà ngay cả mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình cũng cần tiền để duy trì".

Miên Miên

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/trung-quoc-nhieu-nguoi-tre-ngan-ngai-chia-se-muc-luong-voi-nguoi-than-20240329102856091.htm