Trung Quốc: Nhân viên công nghệ bị vắt kiệt sức

Lịch làm việc kéo dài từ chín giờ sáng đến chín giờ tối trong sáu ngày mỗi tuần ở các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ Trung Quốc đang vắt kiệt sức các nhân viên, làm dấy lên làn sóng phản đối

Lịch làm việc 996 bị phản đối

 Lịch làm việc khắc nghiệt đang vắt kiệt sức các nhân viên ở các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Lịch làm việc khắc nghiệt đang vắt kiệt sức các nhân viên ở các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ ở Trung Quốc được xây dựng dựa trên những nhân viên sẵn sàng chấp nhận lịch làm việc khắc nghiệt để đổi lấy mức lương cao và cơ hội để trở thành trở thành tỉ phú khởi nghiệp tiếp theo.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, dẫn đến hàng loạt vụ sa thải và cắt giảm tiền thưởng, các nhân viên trẻ đang hoài nghi về cam kết làm việc 12 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần, hay còn được gọi là lịch làm việc 996, tức ám chỉ đến giờ làm việc từ chín giờ sáng đến chín giờ tối trong liên tục sáu ngày trong tuần.

Sự bực dọc của họ đang nhen nhúm ở trên mạng. Hàng trăm lập trình viên đã vào trang web chia sẻ code Github để bêu rếu một danh sách sách dài các công ty có giờ làm việc dài. Một số công ty công nghệ lớn nhất Trrung Quốc nằm trong danh sách nay bao gồm Alibaba, JD.com, Huawei và Bytedance. Trên một ứng dụng tìm kiếm việc làm, các nhân viên của công ty tìm kiếm trực tuyến Sogou và một số công ty khác cũng phàn nàn về tình trạng làm việc quá giờ.

Khi tỉ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba nói với các nhân viên tại một sự kiện do tập đoàn này tổ chức hồi tháng 4 rằng họ nên chuẩn bị tâm thế làm việc nhiều giờ, hàng chục ngàn người dùng mạng xã hội đã có những phản ứng tức giận và sửng sốt.

“Nếu bạn gia nhập Alibaba, bạn phải sẵn sàng làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn chọn làm việc cho công ty hàng đầu Trung Quốc hiện nay, thì đó là cái giá phải trả cho việc trở thành số một”, Jack Ma nói.

Nhiều nhân viên ở độ tuổi 20 đến 30 là một phần của thế hệ đầu tiên của Trung Quốc lớn lên với nền tảng tài chính ổn định từ gia đình. Họ có những kỳ vọng lớn hơn về cân bằng công việc và cuộc sống so với các thế hệ người lao động lớn tuổi. Triển vọng về tương lai giàu có hơn trong một nền kinh tế đang bùng nổ đã khiến nhiều nhân viên trẻ chấp nhận làm việc nhiều giờ. Nhưng giờ đây khi các công ty công nghệ thắt lưng buộc bụng để ứng phó với nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn, nhiều nhân viên trẻ đang cảm thấy vỡ mộng.

Làn sóng sa thải lao động tác động mạnh đến các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Trong năm nay, hãng gọi xe Didi Chuxing sẽ cắt giảm 2.000 nhân viên, tương đương 15% tổng nhân sự của hãng này. Trong khi đó, JD.com đang tiến hành đợt sa thải lớn.

Theo một báo cáo của trang tìm kiếm việc làm Zhaopin.com, lương trung bình của các nhân viên làm việc trong ngành công nghệ ở Trung Quốc cao hơn mức lương trung bình trên toàn quốc. Người lao động Trung Quốc hưởng mức lương trung bình 8.050 nhân dân tệ (1.195 đô la Mỹ)/tháng trong giai đoạn tháng 1-3 của năm nay. Trong cùng thời gian mức lương trung bình của các nhân viên làm việc ở các công ty Internet là 9.070 nhân dân tệ/tháng.

Những người sáng lập các công ty công nghệ nằm trong nhóm những người giàu nhất Trung Quốc. Tỉ phú Jack Ma của Alibaba đứng đầu danh sách với tổng tài sản ước tính 39 tỉ đô la, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Hồ Nhuận. Pony Ma, người sáng lập tập đoàn game khổng lồ Tencent, đứng thứ hai với tổng tài sản vào khoảng 38 tỉ đô la.

Bao Yuhan, 26 tuổi, gần đây nghỉ việc ở một công ty tiếp thị tại Bắc Kinh, nơi cô thường xuyên làm việc 11-12 tiếng mỗi ngày. Cô cho biết cô quyết định trở thành người làm việc tự do vì muốn dành thời gian cho cuộc sống cá nhân.
Cô nói: “Tôi nhận ra rằng tôi muốn một công việc không đòi hỏi lịch làm việc 996 vì tôi muốn hạnh phúc”.

Cô cho biết hồi tháng 10 năm ngoái, công ty cô yêu cầu nhân viên làm việc cả ngày thứ Bảy để duy trì cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp đối thủ nhưng sau đó, phải bỏ yêu cầu này vì nhận thấy không giúp tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, các nhân viên của công ty cô vẫn tiếp tục làm việc ngoài giờ.

Vi phạm luật lao động

 Hơn 500 lập trình viên Trung Quốc tham gia một dự án 996.ICU trên trang web GitHub nhằm phản đối lịch làm việc 996 với lý do giờ giấc làm việc khắc nghiệt như vậy có thể khiến các lập trình viên phải vào cấp cứu ở các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở bệnh viện. Ảnh: Github

Hơn 500 lập trình viên Trung Quốc tham gia một dự án 996.ICU trên trang web GitHub nhằm phản đối lịch làm việc 996 với lý do giờ giấc làm việc khắc nghiệt như vậy có thể khiến các lập trình viên phải vào cấp cứu ở các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở bệnh viện. Ảnh: Github

Làm việc trong những ngày nghỉ khá phổ biến trong ngành công nghệ ở Trung Quốc. Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei khuyến khích nhân viên không nghỉ lễ và nghỉ phép. Trong khi đó, các nhân viên của công ty công nghệ Bytedance, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok, bắt buộc cứ hai tuần mỗi lần, nhân viên phải làm việc vào ngày cuối tuần. Công ty thương mại điện tử JD.com cho biết đang lên kế hoạch sa thải các nhân viên “không thể phấn đấu cật lực” dù họ có đang gặp phải các vấn đề bất ổn về sức khỏe hay gia đình hay không, theo một email nội bộ rò rỉ trên mạng và đã được JD.com xác nhận.

Trong nhiều trường hợp, lịch làm việc 996 vi phạm luật lao động của Trung Quốc, vốn quy định người lao động chỉ làm việc tối đa trung bình 44 giờ mỗi tuần và chỉ phải làm việc ngoài giờ (được trả lương) tối đa 36 giờ mỗi tháng. Song các công ty Trung Quốc thường yêu cầu nhân viên tự nguyện ký các hợp đồng lao động, trong đó, nói rằng công việc của họ đòi hỏi giờ giấc làm việc làm linh động và các công ty thường không trả lương cho những giờ làm việc này.

Trong những tuần gần đây, hơn 500 lập trình viên Trung Quốc tham gia một dự án viết code có tên gọi 996.ICU trên trang web chia sẻ code GitHub nhằm phản đối lịch làm việc 996 với lý do giờ giấc làm việc khắc nghiệt như vậy có thể khiến các lập trình viên ngã bệnh, thậm chí phải nhập viện để được chăm sóc ở các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Dự án liệt kê danh sách các công ty có các thực hành lao động tốt cũng như danh sách các công ty vi phạm luật lao động Trung Quốc.

Như một phần của dự án, Suji Yan, một lập trình viên kiêm người sáng lập một công ty bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng vợ của anh, đã viết một giấy phép sử dụng mã nguồn mở, đòi hỏi các công ty muốn sử dụng mã nguồn mở phải tuân thủ các điều kiện làm việc theo luật lao động Trung Quốc hoặc luật lao động quốc tế trong trường hợp luật trong nước không có quy định. Cho đến nay, dự án 996.icu đã thu hút hơn 240.000 theo dõi.

Trên ứng dụng tìm tiếm việc làm Maimai, một nhân viên của công ty tìm kiếm trực tuyến Sogou cho biết nhiều nhân viên của Sogou bị ép làm việc ít nhất 11 giờ mỗi ngày.

Hồi tháng trước, đề cập đến vấn đề này, Wang Xiaochuan, Giám đốc điều hành Sogou, nói: “Nếu các bạn cứ nghĩ rằng công ty muốn bóc lột và làm tổn thương các nhân viên thì các bạn không đang đi cùng con đường như chúng tôi, vì vậy, xin vui lòng rời công ty”. Ông vẫn khẳng định Sogou tuân thủ luật lao động quốc gia.

Truyền thông nhà nước cũng phản đối chế độ làm việc nhiều giờ. Tháng trước, hãng tin Tân Hoa xã đăng bài viết nhấn mạnh chế độ làm việc 996 vi phạm luật lao động quốc gia vốn quy định giờ làm việc chính thức không được quá 8 tiếng mỗi ngày và thời gian làm việc ngoài giờ vì các lý do đặc biệt không được quá 3 giờ mỗi ngày. Tờ Nhân Dân Nhật báo đăng bài xã luận chỉ trích việc bắt buộc tuân thủ lịch làm việc 996 “không chỉ phản ánh thái độ trịch thượng của các quản lý doanh nghiệp mà còn cho thấy sự bất công và phi thực tế”.

Theo Wall Street Journal

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288315/trung-quoc-nhan-vien-cong-nghe-bi-vat-kiet-suc.html