Trung Quốc 'mở bung cửa', người tiêu dùng vẫn chưa 'bung lụa' chi tiêu

Sẽ mất thêm thời gian để người tiêu dùng Trung Quốc quay lại chi tiêu bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mở cửa trở lại.

Du khách tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc vào ngày đầu năm mới 2023. (Nguồn: CNBC)

Khoảng một tháng sau khi thành phố Quảng Châu mở cửa trở lại dịch vụ ăn uống tại cửa hàng, chủ cửa hàng cà phê địa phương Timothy Chong cho biết, doanh thu đang phục hồi và đạt 50% so với mức bình thường.

Ông Timothy Chong nói: "Vào cuối tháng 12, lượng khách hàng dần 'bình thường hóa', với xu hướng tăng nhẹ. Sẽ mất ít nhất ba hoặc bốn tháng trước khi doanh thu có thể trở lại bình thường. 6 tháng qua, doanh thu của cửa hàng đã giảm xuống 30% so với mức thông thường".

Kỳ vọng vào thị trường du lịch

Dữ liệu chính thức cho thấy, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong năm 2022, kể từ tháng 11. Tiêu dùng đã tụt hậu so với tăng trưởng kinh tế nói chung kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Theo Wind Information, doanh số bán lẻ trong ba tháng đầu năm 2022 tăng khoảng 3,3% so với một năm trước. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, doanh số bán lẻ quay đầu giảm 0,7%.

Để thị trường quay trở lại năm 2021, khi doanh số bán lẻ phục hồi 12,5%, ông Derek Deng, đối tác của Bain & Company cho rằng, đây là một kịch bản lạc quan bởi hiện tại, các yếu tố vĩ mô thực sự kém thuận lợi hơn so với năm 2021.

Phần lớn tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với bất động sản. Trong năm 2022, thị trường nóng sốt thời điểm đầu năm và sau đó sụt giảm mạnh. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm lần đầu tiên sau 4 năm vào năm 2022.

Bên cạnh đó, xuất khẩu - động lực tăng trưởng của Trung Quốc - đã bắt đầu giảm trong vài tháng qua khi nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Ông Derek Deng cũng lưu ý đến những lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Ông nhận định: "Tôi nghĩ Covid-19 tác động đến nhận thức của người tiêu dùng về thu nhập khả dụng. Người tiêu dùng đặt câu hỏi rằng, liệu có cần tiết kiệm để vượt qua tất cả những bất ổn đó hay không?"

Khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho thấy, xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Các nhà phân tích hiện đang theo dõi sát sao kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới để biết các dấu hiệu về tâm lý người tiêu dùng.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, mùa du lịch cho kỳ nghỉ lễ lớn của Trung Quốc năm nay diễn ra từ khoảng ngày 7/1 đến ngày 15/2, với dự kiến có khoảng 2,1 tỷ chuyến đi. Con số này cao gấp đôi so với năm ngoái và đạt 70% so với năm 2019.

Bộ trên cũng lưu ý hầu hết các chuyến đi có thể sẽ là thăm gia đình.

Không phải ai cũng ra ngoài

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, đường phố đang trở nên đông đúc hơn. Tuy nhiên, theo ông Chen Xin, chuyên gia đến từ UBS Securities, chủ yếu là những người trẻ tuổi và trung niên đi ra ngoài, trong khi những người lớn tuổi vẫn khá thận trọng.

Ông Deng đến từ Brain & Company cũng đang theo dõi xem liệu người tiêu dùng có bắt đầu ra ngoài nhiều hơn hay không. Ông cho biết trong ba quý đầu năm 2022, khoảng 56% chi tiêu của người tiêu dùng là dành cho gia đình. Đây là điều ngược lại với xu hướng trước đại dịch.

Ông Deng cho hay: "Nếu tỷ lệ chi tiêu bên ngoài có thể tăng dù chỉ một vài điểm phần trăm, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách các trung tâm thương mại và nhà hàng cân nhắc chiến lược kinh doanh, đặc biệt là đối với dịch vụ giao hàng".

Trong 18 tháng qua, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã rút ngắn thời gian giao hàng cho nhiều sản phẩm từ một ngày xuống còn một giờ.

Số liệu từ công ty cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 16/12 đến ngày 1/1, nền tảng giao hàng trong một giờ đã chứng kiến doanh số bán rau, thịt bò và thịt cừu tăng gần gấp đôi so với một năm trước. Ngoài ra, doanh số bán tủ lạnh tăng 700%, trong khi doanh số bán ti vi màn hình phẳng tăng gấp 10 lần so với một năm trước.

(theo CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-mo-bung-cua-nguoi-tieu-dung-van-chua-bung-lua-chi-tieu-212756.html