Trung Quốc lại làm đường sắt cho Philippines

Trung Quốc và Philippines tiếp tục hợp tác làm đường sắt bất kể trái đắng về đầu tư Trung Quốc.

Ngày 9/9, Vụ trưởng châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc Ngô Chính Bình cho biết Trung Quốc và Philippines đã nhất trí đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hợp tác giữa hai nước, hy vọng sẽ tạo ra đột phá quan trọng ngay trong năm nay.

Ông Ngô Chính Bình cho hay, các dự án hợp tác song phương bao gồm sân bay, đường sắt nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển 6 năm phục vụ Hợp tác Thương mại và Kinh tế được Trung Quốc và Philippines ký kết vào tháng 3 vừa qua.

Trung Quốc - Philippines tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn và các quan chức kinh tế Philippines đã thảo luận về những dự án hợp tác trên giữa hai nước bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan ở Manila.

Hai bên bày tỏ đẩy mạnh công tác triển khai các dự án thuộc lĩnh vực thương mại và kinh tế này trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm nay.

Trong danh sách các dự án phát triển cơ sơ hạ tầng ưu tiên mà Philippines được Trung Quốc cho vay và hỗ trợ tài chính từ tháng 3 vừa qua còn bao gồm: các dự án khai thác dầu, sản xuất phụ tùng máy bay, lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, xử lý chất thải thành năng lượng thông qua khí hóa và sản xuất thép tổng hợp.

Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong các chiến lược của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tổng cộng đã có hàng loạt dự án được hưởng đầu tư từ Trung Quốc tốn kém 24 tỷ USD nhằm tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế lâu dài cũng như phát triển tình hữu nghị giữa Trung Quốc - Philippines.

Trong đó, Bắc Kinh đã thảo luận việc giúp tài trợ hai dự án xây đường sắt của Philippines, tổng kinh phí lên tới 8,3 tỉ USD.

Hồi tháng 1/2017, Trung Quốc đã đồng ý hợp tác với Philippines để thực hiện 30 dự án, và cho biết sẽ chi ra 3,7 tỉ đôla.

Tổng thống Duterte nói trong “thời hoàng kim” về mặt hạ tầng cơ sở dưới quyền ông, nhiều đường xá, tuyến đường sắt và các cấu trúc hạ tầng khác sẽ được xây dựng trước cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào năm 2022.

Dù nỗ lực thực hiện các dự án với sự tham gia của Bắc Kinh, các luồng ý kiến tại Philippines cũng không khỏi lo ngại khi chất lượng các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án đường sắt của nước này là một trái đắng đã nhiều quốc gia phải nếm trải.

Đúng là giá rẻ là một lợi thế lớn của Trung Quốc. Nhưng bí quyết công nghệ và đặc biệt là niềm tin trong làm ăn mới là điều quan trọng.

Trên thực tế, độ bền, tuổi thọ đường ray Trung Quốc còn thấp, trong khi việc ồ ạt xây dựng đường tàu, nâng cấp toa tàu cũng chưa thể quyết định ưu thế của nhà thầu Trung Quốc trên thế giới.

Tháng 6/2015, chưa đầy 9 tháng sau khi công bố bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với Trung Quốc, Công ty XpressWest của Mỹ đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất và những khó khăn liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình...

Indonesia vào cuối tháng 1/2016 cũng thông báo tạm dừng thi công dự án đường sắt cao tốc giữa nước này với Trung Quốc bởi các phản ứng gay gắt của dư luận trong nước.

Tháng 3/2016, Thủ tướng Thái Lan quyết định sẽ tự đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì đợi chờ khoản vốn vay chậm chạp từ Trung Quốc.

Ngay tại Việt Nam, các dự án đường cao tốc, đường sắt cao tốc trên cao do Trung Quốc thi công đã hết gặp rắc rối về vốn tới thi công khó khăn và liên tục chậm tiến độ. Từ khoản đầu tư ban đầu được đánh giá là rẻ, các dự án giao thông do Trung Quốc thi công liên tục đội vốn.

Không chỉ các dự án đường sắt của Trung Quốc, dự án xây dựng sân bay quốc tế của nước này ở Bolivia cũng bị hủy không thương tiếc.

Hồi tháng 10/2016, Bộ trưởng Công trình Công cộng, Dịch vụ và Nhà ở Bolivia - ông Milton Claros đã thông tin, Chính phủ nước này đã quyết định hủy hợp đồng với Công ty xây dựng Beijing Urban của Trung Quốc về việc thiết kế và xây dựng sân bay quốc tế Hub Viru Viru tại thành phố Santa Cruz.

Nguyên nhân được ông Claros tiết lộ là do phía nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn và tiến độ thi công.

Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách níu kéo dự án trên bằng hàng loạt các dự án trị giá tỉ USD khác bao gồm 11 công trình giao thông đường bộ tai Bolivia.

Nhiều dự án đường sắt của Bắc Kinh bị đánh giá kém chất lượng, chậm tiến độ, đội vốn...

Mekonnen Getachew, Giám đốc dự án tại Tập đoàn Đường sắt Ethiopia - cũng là giám sát tại một dự án đường sắt mà doanh nghiệp xây dựng đường sắt nhà nước Trung Quốc thực hiện đã bày tỏ, Trung Quốc luôn miêu tả những công trình đường sắt tại châu Phi là đại diện của tinh thần không vụ lợi.

Nhưng với Trung Quốc, đầu tư vào Ethiopia – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới là hành động mang tính chiến lược nhiều hơn là từ thiện.

“Trung Quốc không chỉ viện trợ một cách đơn thuần. Họ cho vay. Bạn làm việc rồi trả nợ. Đó là một chính sách tốt. Viện trợ chỉ là biến nước khác thành nô lệ” - ông Getachew nói.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-lai-lam-duong-sat-cho-philippines-3342783/