Trung Quốc kỳ vọng Tuần lễ vàng tạo cú hích cho nền kinh tế

Nếu tiêu dùng tăng vọt trong kỳ nghỉ Quốc khánh của Trung Quốc kéo dài 8 ngày bắt đầu tư ngày 1-10, hay còn gọi là Tuần lễ vàng, điều này có thể lan tỏa động lực sang quí 4 và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang sa sút.

Hàng khách đặc ken ở một nhà ga xe lửa ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc hôm 27-9 khi mọi người lên đường về thăm quê và đi du lịch trong Tuần lễ vàng bắt đầu từ ngày 1-10. Ảnh: VCG

Giới chức trách dự đoán lượng người dân đi du lịch sẽ tăng lên con số kỷ lục trong Tuần lễ vàng. Họ họ hy vọng sức chi tiêu mạnh mẽ trong dịp này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế vốn đang chật vật tìm cách thoát khỏi tình trạng ảm đạm sau đại dịch Covid-19.

Câu hỏi mà các nhà kinh tế đặt ra là liệu người tiêu dùng Trung Quốc có sử dụng thời gian nghỉ 8 ngày, kết hợp ngày nghỉ lệ Quốc khánh 1-10 và kỳ nghỉ lễ Trung thu, để chi tiêu không chỉ cho các nhà hàng và chuyến đi chơi mà còn cho các mua sắm lớn hơn, đặc biệt là bất động sản?

Hầu hết nhà kinh tế đều tin rằng đà phục hồi kinh tế chỉ thực sự cải thiện khi lĩnh vực bất động sản ổn định. Trong tuần qua, sóng gió lại ập đến lĩnh vực này với thông tin giới chức trách quản thúc tỉ phú Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tâp đoàn bất động sản Evergrande để điều tra nghi vấn vi phạm pháp luật.

“Kỳ nghỉ lễ này sẽ là một thử thách. Không chỉ là đến nhà hàng và thưởng thức một bữa ăn ngon cùng bạn bè, vấn đề thực sự là liệu sẽ người tiêu dùng Trung Quốc có dành thêm một chút chi tiêu dành cho thiết bị gia dụng và ô tô, và căn hộ hay không”, Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, bình luận.

Các quan chức dự đoán hoạt động du lịch sẽ khởi sắc. Tờ Nhân dân nhật báo dự báo có 800 triệu chuyến đi du lịch, trong đó có 21 triệu người di chuyển bằng đường hàng không. Con số này nhiều hơn lượng khách Trung Quốc đi máy bay trong suốt tháng 10 năm ngoái.

Truyền thông nhà nước cũng dự đoán sẽ có 190 triệu hành khách đi du lịch bằng đường sắt, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lưu lượng giao thông trên các tuyến đường cao tốc hàng ngày dự kiến sẽ tăng 40%.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khai mạc Tuần lễ vàng vào tối 28-9 bằng bài phát biểu cam kết mở rộng nhu cầu trong nước.

Các nhà kinh tế cho rằng chi tiêu mạnh mẽ hơn trong Tuần lễ vàng sẽ củng cố những dấu hiệu hồi sinh của nền kinh tế trong tháng 8, sau khi đất nước rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7 và xuất khẩu sụt giảm.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup, tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng đã quay trở lại vùng tích cực và lợi nhuận của các ngành công nghiệp đã đảo đà giảm liên tục trước đó để tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ xuất khẩu suy giảm cũng đã chậm lại trong tháng 8.

Quan trọng nhất, doanh số bán nhà mới tại 30 thành phố hàng đầu của Trung Quốc tăng trong tháng 9, dù các nhà kinh tế cảnh báo xu hướng này rất mong manh khi số lượng nhà mới xây vẫn giảm. Họ cũng chỉ ra rằng, giá bất động sản ở các thành phố cấp 1 của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu, có thể được hưởng lợi hơn so với các thành phố nhỏ, nơi có nhu cầu và khả năng chi tiêu thấp hơn.

“Sự gia tăng vừa phải trong giao dịch mua nhà ở các thành phố hàng đầu có thể gây thêm sức ép cho các thành phố cấp thấp”, các nhà phân tích của Nomura viết trong một báo cáo.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Hang Seng, cho biết các kỳ nghỉ trước đây trong năm nay, bao gồm kỳ nghỉ lễ Lao động trong tháng 5 và lễ hội thuyền rồng, đã tạo ra tổng doanh thu du lịch cao hơn so với trước đại dịch. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trung bình của mỗi người giảm lần lượt 10% và 14% trong những ngày nghỉ lễ đó.

“Tâm lý người tiêu dùng có vẻ tốt hơn trong kỳ nghỉ lễ lần này, với lượng đặt vé máy bay quốc tế và nội địa đều vượt mức năm 2019. Tôi thực sự nghĩ Tuần lễ vàng có thể gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực”, Wang nói.

Các nhà kinh tế cho biết, nếu Tuần lễ vàng có thể thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ, thì tác động lan tỏa tích cực sáng quí 4 có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt hoặc vượt nhẹ mục tiêu tăng trưởng GDP 5% của chính phủ trong năm nay.

Nhưng hoạt động bất động sản cũng cần phải tăng tốc để giúp niềm tin của người tiêu dùng phục hồi bền vững.

“Tuần lễ vàng lần này có vẻ như là một trong những kỳ nghỉ lễ tích cực nhất từ trước đến nay. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng đang bắt đầu ổn định, nhưng tôi cho rằng, hiện tại, mối quan tâm chính vẫn là lĩnh vực bất động sản”, Tristan Zhuo, nhà kinh tế trưởng của China Citic Bank International, nói.

Một thước đó về tâm lý của người tiêu dùng là hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông và Macau, những điểm đến truyền thống quan trọng đối với du khách từ Trung Quốc đại lục.

Theo nhà phân tích Mark Leung của ngân hàng UBS, giá trung bình của phòng khách sạn hạng sang tại các khu mua sắm lớn nhất Hồng Kông tăng tới 35% so với tháng 5, phản ánh nhu cầu lớn hơn.

Tuy nhiên, chi tiêu bình quân đầu người trong Tuần lễ vàng được dự báo vẫn yếu do đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đô la Hồng Kông cũng như thay đổi mô hình chi tiêu khi du khách chú trọng các trải nghiệm, thay vì mua sắm.

Tại Macau, dự báo doanh thu của các sòng bài khá lạc quan, với hơn 90% phòng khách sạn ở các sòng bài của thành phố này đã được đặt trong tuần này, theo nhà phân tích DS Kim của ngân hàng JPMorgan. Tại thành phố Quảng Châu, Tony Li và gia đình đang lên kế hoạch đến thăm Hồng Kông trong tuần này dù vẫn lo ngại các bất ổn kinh tế vĩ mô. Đây là kỳ nghỉ đầu tiên họ đến lãnh thổ này kể từ năm 2017 và họ dự định tham quan Disneyland của Hồng Kông cũng như các bảo tàng lớn mới khai trương ở đó.

“Tôi không đến Hồng Kông để chi tiêu phung phí. Tôi chủ yếu đến để vui chơi”, Liu nói.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-ky-vong-tuan-le-vang-tao-cu-hich-cho-nen-kinh-te/