Trung Quốc khuyến khích tư nhân tham gia các công trình trọng điểm

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho biết nước này muốn thu hút thêm vốn tư nhân để tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Trung Quốc đã công bố các biện pháp tìm cách thúc đẩy, khuyến khích và đẩy mạnh đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án tư nhân.

Thông báo mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây cam kết cải thiện khu vực tư nhân, đưa ra các hướng dẫn của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc nhằm giúp khu vực tư nhân trở nên "lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn" trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho biết nước này muốn thu hút thêm vốn tư nhân để tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Theo NDRC, sẽ có một danh sách các lĩnh vực từ vận tải, nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng mới đến sản xuất tiên tiến và nông nghiệp hiện đại để các nhà đầu tư tư nhân lựa chọn tham gia.

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý II, khi số liệu được công bố ngày 17/7 cho thấy tăng trưởng thấp hơn dự đoán và người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý thận trọng. Thông tin mới nhất về GDP gây thêm áp lực cho giới chức nước này trong việc đưa ra thêm các biện pháp kích thích.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin AFP. Bên cạnh đó, cơ sở so sánh với năm ngoái là rất thấp, khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa ở nhiều thành phố lớn do dịch COVID-19. So với quý I, kinh tế Trung Quốc tăng 0,8% trong quý II, giảm mạnh so với mức 2,2% ghi nhận trong quý I so với quý trước đó.

Trước đó, có nhiều số liệu cho thấy sự phục hồi hậu đại dịch của Trung Quốc đang dần mất đà. Doanh số bán lẻ, thước đo hoạt động tiêu dùng quan trọng, đã tăng 3,1% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng Năm, cho thấy tâm lý không ổn định của người tiêu dùng.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc từ 20,8% trong tháng Năm lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 5,2%, nhưng số liệu này chỉ tính ở các thành phố lớn.

Loạt số liệu kém khả quan trong những tháng gần đây đã làm gia tăng kêu gọi giới chức Trung Quốc ban hành các biện pháp hỗ trợ. Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tháng trước đã hạ lãi suất và giới chức nước này cam kết hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn hầu như chưa có hành động cụ thể nào.

Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu chính thức 5,5%. Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, một trong những mục tiêu thấp nhất mà nước này từng đưa ra trong hàng chục năm qua, nhưng Thủ tướng Lý Cường vẫn cảnh báo sẽ không dễ đạt được.

Giá của nhà sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 6/2023 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm rưỡi, trong khi lạm phát giá tiêu dùng thấp nhất kể từ năm 2021, làm tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung để thúc đẩy nhu cầu.

Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch đã chậm lại sau khi khởi sắc trong quý I, khi hoạt động chế tạo yếu và lòng tin của người tiêu dùng thấp.

Chỉ số giá của nhà sản xuất tháng 6/2023 giảm tháng thứ 9 liên tiếp, khi giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015. Mức giảm này mạnh hơn so với con số 4,6% trong tháng 5/2023 và mức giảm dự báo 5% theo khảo sát của Reuters.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng trước không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,2% trong tháng 5/2023, chủ yếu do giá thịt lợn giảm mạnh hơn. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 2/2021, trong khi được dự báo tăng 0,2%.

Các nhà kinh tế tại Capital Economics nhận định lạm phát cơ bản sẽ tăng lên khoảng 1% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đây là mức thấp và sẽ không cản trở PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Với nhu cầu tín dụng thấp và đồng nhân dân tệ chịu sức ép, PBoC có thể hạ lãi suất thêm 10 điểm cơ bản trong năm nay./.

Minh Hằng (Theo THX)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-khuyen-khich-tu-nhan-tham-gia-cac-cong-trinh-trong-diem/301376.html