Trung Quốc đau đầu vì dân số giảm

Sau những năm thực hiện chính sách 'Mỗi gia đình chỉ sinh một con', Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số giảm. Trước kỳ họp thường niên vào tháng này, các thành viên của Hội nghị Chính trị Hiệp thương (Mặt trận) đã đề xuất hủy bỏ đăng ký hạn chế sinh con khi kết hôn trên toàn quốc.

Tôn Xuân và Triệu Nam đã yêu nhau được 8 năm. Cả hai đều là người Bắc Kinh, có nhiều lợi thế trong hôn nhân và sinh con so với những người dân ngoại tỉnh, nhưng họ vẫn đang suy nghĩ về việc có nên kết hôn hay không. Tôn Xuân nói: “Bây giờ ai cũng muốn sinh con gái. Ví dụ, nếu có con trai ở Bắc Kinh (có thể phải mua nhà cho con lấy vợ), nghĩa là bạn phải kiếm được ít nhất 10 triệu tệ (NDT, tức 35 tỷ VND) . Về cơ bản, ít nhất cũng phải chi trước một khoản, hai, ba triệu tệ”. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến cô không muốn có con. “Tôi nghĩ rằng, sau khi đi làm về, hoặc ngày nghỉ cuối tuần, tôi vẫn phải chăm sóc con cái. Khi con lớn hơn, tôi phải lo việc học của chúng. Tôi thực sự rất sợ hãi”.

Nhân viên y tế Trung Quốc chăm sóc trẻ sơ sinh

Đối với việc kết hôn và sinh con muộn, Triệu Nam nói: “Kết hôn và sinh con không thể chứng minh hay đại diện cho bất cứ điều gì. Cho dù bạn đã chính thức kết hôn, ly hôn hay có con..., đều không thể cho thấy mình hạnh phúc”.

Câu chuyện của hai người là hình ảnh thu nhỏ về tình hình hôn nhân và sinh con của giới trẻ Trung Quốc, không chỉ xem xét chi phí mà còn truyền tải thông tin rằng kết hôn và sinh con không còn là lựa chọn cần thiết trong cuộc đời, khác với truyền thống như “nối dõi dòng họ”. Và điều này đang thay đổi thực tế về hôn nhân và sinh con ở Trung Quốc.

Vào giữa tháng 2, cơ quan Dân chính (xã hội) nhiều nơi ở Trung Quốc đã công bố dữ liệu về hôn nhân trong năm qua cho thấy, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở nhiều nơi là gần 30 và kết hôn muộn đã trở thành xu hướng phổ biến ở Trung Quốc. Đầu năm nay, dữ liệu dân số chính thức của năm ngoái được công bố cho thấy dân số Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm sau hơn 60 năm, đồng thời, tỷ lệ sinh cũng đạt mức thấp kỷ lục.

Dịch Phú Hiền, chuyên gia về vấn đề dân số của Trung Quốc nói, độ tuổi kết hôn lần đầu ở Trung Quốc hiện đang muộn nhất ở Đông Á và độ tuổi sinh con đầu lòng muộn nhất thế giới. Trung Quốc “đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dưỡng lão”, “tuổi kết hôn lần đầu vẫn đang tiếp tục lùi thêm”…

Để ứng phó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con, chẳng hạn như để đảm bảo quyền và lợi ích của những người chưa kết hôn nhưng đã sinh con, cơ quan đăng ký khai sinh địa phương ở Tứ Xuyên đã bãi bỏ các hạn chế về kết hôn, mới đây một ủy viên Chính Hiệp đã đề nghị mở rộng ra cả nước. Một số tỉnh ở Trung Quốc cũng kéo dài thời gian nghỉ khi kết hôn, thậm chí cho các cặp vợ chồng mới cưới nghỉ tới 30 ngày. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn có thể không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và ý tưởng của việc sinh con hiện đại.

Một cặp vợ chồng 28 tuổi làm việc trong ngành tài chính ở Thượng Hải chia sẻ với nhà báo rằng, họ tạm thời chưa có kế hoạch sinh con. Người vợ nói: “Một mặt, hai chúng tôi đều đang đi làm, nếu có con phải thuê bảo mẫu chăm sóc con, chúng tôi vẫn đi làm, tôi không yên tâm nếu giao phó con cho bảo mẫu”.

Giáo sư Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Trung Quốc đang già hóa, chính sách một con kiểu “bánh mì kẹp” trước đây khiến con cái vất vả chăm sóc thế hệ trước trong hoàn cảnh không có anh chị em; ngay cả khi chính phủ hiện nay khuyến khích sinh ba con, mọi người cũng sẽ coi vấn đề này là gánh nặng.

Ngoài sự chăm sóc cơ bản, tình hình giáo dục của Trung Quốc "thực sự tồi tệ" cần chấm dứt tình trạng “cha mẹ mong con mình trở thành rồng phượng”. "Đủ loại lớp học theo sở thích, thậm chí bóng rổ, bơi nghệ thuật, đều phải tìm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia làm giáo viên, nhà trẻ cũng phải qua nhiều kỳ thi, trẻ nhỏ đã phải học lập trình. Nhà trẻ tư thục tốt cũng cần phỏng vấn phụ huynh, chuyện có thật mà ngỡ chỉ có trong phim truyền hình…”.

Một tác động chính sách khác của Trung Quốc là độ tuổi kết hôn. Năm 1980, để thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình, Trung Quốc đã đề ra tuổi kết hôn tối thiểu hợp pháp là 22 tuổi đối với nam và 20 tuổi đối với nữ, đồng thời khuyến khích kết hôn muộn (25 tuổi đối với nam và 23 tuổi đối với nữ) và sinh con muộn.

Chuyên gia Dịch Phúc Hiền cho rằng: “Trung Quốc cũng nên hòa nhập với cộng đồng quốc tế”. Dịch Phúc Hiền nói: “Việc lùi tuổi kết hôn và sinh con đồng nghĩa với việc khoảng thời gian sinh nở bị thu hẹp lại, tỷ lệ vô sinh tăng lên”, đồng thời mức sinh cũng giảm theo thời gian. “Nếu không khống chế được tuổi kết hôn lần đầu của nam và nữ dưới 27 và 25 tuổi thì mức sinh sẽ khó tăng lên được”.

Vương Bình, một công chức độc thân 30 tuổi ở Bắc Kinh cho biết, giá nhà cao là một vấn đề phổ biến và các loại chi phí nuôi con sau khi kết hôn là rất cao. Giáo sư Puk Teerawichitchainan nói: “Chính sách mà Trung Quốc có thể xem xét là một số hình thức trợ cấp hoặc khuyến khích nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ. Nếu không có gánh nặng chi phí nhà ở, có thể giúp họ nghĩ đến việc lập gia đình sớm”.

Thu Thủy (Theo Deutsche Welle)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-dau-dau-vi-dan-so-giam-post1514972.tpo