Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua năng lượng xanh với giá lắp đặt tua-bin gió bằng 1/5 so với Mỹ

Điện gió đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc với giá lắp đặt tua-bin gió giảm gần 45% nhờ những tiến bộ công nghệ và lợi thế về quy mô, theo các tài liệu đấu thầu của chính phủ nước này.

Trang SCMP đưa tin giá lắp đặt tua-bin gió ở Trung Quốc hiện chỉ hơn 2 nhân dân tệ (0,28 USD) mỗi watt, rẻ hơn đáng kể so với mức giá thấp nhất vào năm ngoái là 3,9 nhân dân tệ mỗi watt.

Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc đã củng cố vị trí dẫn đầu trong cuộc đua năng lượng xanh, vượt xa Mỹ, với giá lắp đặt tua-bin gió chỉ bằng 1/5 chi phí tương đương ở Mỹ.

Theo hồ sơ đấu thầu cho một dự án điện gió công suất 9,1 triệu kilowatt ở Nội Mông (khu vực tự trị nằm ở phía bắc Trung Quốc), mức giá thấp nhất mà các công ty nộp hồ sơ dự thầu đưa ra là 2,15 nhân dân tệ/watt, cao nhất là 2,7 nhân dân tệ/watt.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo chi phí lắp đặt trung bình các dự án điện gió vào năm 2021 là 1.500 USD mỗi kilowatt, tương đương 1,50 USD (10,8 nhân dân tệ) mỗi watt, đánh dấu việc giảm hơn 40% so với mức đỉnh năm 2010. Chi phí lắp đặt trung bình các dự án điện gió tại Mỹ từ năm 2018 đến 2021 ở mức khoảng 1.600 USD mỗi kilowatt.

Vào năm 2022, chi phí lắp đặt trung bình các dự án điện gió tại Mỹ giảm xuống còn 1.370 USD mỗi kilowatt, theo báo cáo do Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào tháng 8.2023.

“Điều này một phần do ảnh hưởng quá lớn của một dự án lớn duy nhất trong tổng số nhà máy tương đối nhỏ của chúng tôi vào năm 2022 và do việc tập trung triển khai điện gió vào năm 2022 ở các khu vực chi phí thấp của công ty Southwest Power Pool cùng Electric Reliability Council of Texas", báo cáo cho biết, đề cập đến các khu vực tập trung xây dựng các nhà máy điện gió.

Theo một tài khoản WeChat theo dõi và phân tích tin tức về ngành điện gió, chi phí thấp hơn của nguồn năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đã đạt được nhanh hơn dự kiến.

“Kỷ nguyên điện gió với giá 2 nhân dân tệ mỗi watt đã đến. Đây là một bước đột phá trong lịch sử giá điện gió của Trung Quốc. Song liệu có thể đạt được an toàn hay không sẽ cần thời gian và nỗ lực chung của ngành”, tài khoản WeChat này viết.

Tài khoản WeChat cho biết mức giá thấp mới “đặt ra cả thách thức lớn và cơ hội chưa từng có” với ngành điện gió Trung Quốc.

“Nếu được thực hiện thành công, sự phát triển điện gió ở khu vực 3 miền Bắc sẽ tăng gấp đôi trong tương lai”, tài khoản WeChat viết, đề cập đến khu vực tây bắc, đông bắc và bắc Trung Quốc, nơi có hơn 90% tổng tài nguyên điện gió điện của cả nước.

Trung Quốc củng cố vị trí dẫn đầu trong cuộc đua năng lượng xanh với chi phí lắp đặt tua-bin gió đạt mức thấp kỷ lục - Ảnh: Shutterstock

Trong một nghiên cứu riêng được công bố hôm 27.3 trên tạp chí Energy Economics, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Mỹ cho biết Trung Quốc đã trở thành “nước dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo với sự tăng trưởng và chuyển đổi đáng chú ý” về năng lượng điện gió trong hai thập kỷ qua.

Công suất điện gió ở Trung Quốc tăng từ 4 gigawatt vào năm 2007 lên 329 gigawatt trong năm 2021, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 31%, theo số liệu của nhóm nghiên cứu từ khoa kinh tế và tài chính tại Đại học Giao thông Tây An và Dự án Trung Quốc về Năng lượng, Kinh tế và Môi trường ở Đại học Harvard.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng khi có những đợt chạy nước rút vào cuối năm để lắp đặt điện gió trước khi các ưu đãi của chính phủ hết hạn, độ tin cậy của hệ thống điện giảm xuống, làm tăng thời gian mất điện hàng năm.

Với các tấm pin Mặt trời, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết chi phí sản xuất mô-đun quang điện năm ngoái ở Mỹ ước tính cao hơn 30% so với Trung Quốc. Theo báo cáo Renewables 2023 của IEA, sự khác biệt có thể tăng lên 100% vào năm 2028.

Điện gió là một dạng năng lượng tái tạo được tạo ra từ sức gió. Điện gió được khai thác bằng cách sử dụng các tua-bin gió để chuyển đổi động năng của gió thành điện năng.

Cách thức hoạt động của điện gió:

- Gió thổi qua các cánh quạt của tua-bin gió.

- Cánh quạt quay, tạo ra lực quay.

- Lực quay được truyền đến máy phát điện.

- Máy phát điện tạo ra điện năng.

Lợi ích của điện gió:

- Điện gió là nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, không tạo ra khí thải nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

- Điện gió là nguồn năng lượng dồi dào và có thể được khai thác ở nhiều nơi trên thế giới.

- Điện gió có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn năng lượng không tái tạo và gây ô nhiễm môi trường.

Điện gió được coi là một nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai, có tiềm năng đóng góp đáng kể vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cung cấp năng lượng sạch cho thế giới.

Năng lượng tái tạo là loại năng lượng được sản xuất từ các nguồn tự nhiên có thể tái tạo và không gây ra sự cạn kiệt. Các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng sinh học,...

Sử dụng năng lượng tái tạo có lợi cho môi trường vì giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm tác động đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch không tái tạo, giúp đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và bền vững cho tương lai.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-dan-dau-cuoc-dua-nang-luong-xanh-voi-gia-lap-dat-tua-bin-gio-bang-1-5-so-voi-my-215507.html