Trung Quốc công bố kế hoạch 20 điểm thúc đẩy tiêu dùng

Chính phủ Trung Quốc ngày 30/7 công bố kế hoạch 20 điểm nhằm thúc đẩy tiêu dùng, trong đó đẩy mạnh nhu cầu nhà ở cũng như các lĩnh vực văn hóa và du lịch, tiêu dùng xanh như xe điện.

Một quầy bán thịt lợn tại chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một quầy bán thịt lợn tại chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một tài liệu của Quốc vụ viện Trung Quốc, chính phủ sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy việc mua xe năng lượng mới, hỗ trợ nhu cầu nhà ở bằng cách mở rộng nguồn cung nhà cho thuê giá hợp lý và khuyến khích du lịch bằng cách yêu cầu chính quyền địa phương cắt giảm phí vào cửa các khu vực danh lam thắng cảnh hoặc thậm chí miễn phí trong thời gian thấp điểm.

Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2023 do nhu cầu yếu cả ở trong và ngoài nước. Ngày 17/7, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 4,5% trong quý I nhưng vẫn thấp hơn mức kỳ vọng 7,3%.

Giới chuyên gia cũng nhận định tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, trong tháng 6/2023 vừa qua, doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của tháng 5/2023. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp trong tháng 6/2023 ở mức kỷ lục 21,3%.

Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển và cải cách, tuân thủ nguyên tắc chung, coi ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu và thúc đẩy tiến bộ đồng thời đảm bảo ổn định.

Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp ngày 30/7, NDRC đã nêu bật 6 nhiệm vụ, bao gồm tăng cường chỉnh đốn chính sách vĩ mô; thúc đẩy tiêu dùng và tăng đầu tư; hỗ trợ phát triển nền kinh tế thực; thúc đẩy cải cách và mở cửa; củng cố nền tảng an ninh kinh tế; bảo đảm cũng như cải thiện phúc lợi xã hội.

Theo NDRC, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng chống chịu vững chắc, tiềm năng lớn, và những nguyên tắc cơ bản dài dạn của nền kinh tế chưa thay đổi.

Tại một cuộc họp trước đó của Bộ Chính trị, Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi khó khăn sau đại dịch COVID-19, tập trung thúc đẩy nhu cầu trong nước. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Hiện nay, người tiêu dùng ở Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh nền kinh tế của nước này đang cố gắng phục hồi. Cô Chris Jia, cư dân Thượng Hải, từng chi khoảng 2.500 nhân dân tệ (514 USD) – tương đương 1/3 thu nhập – để mua 5-6 chiếc váy mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện giờ cô mua sắm ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Cô Jia thay thế các kỳ nghỉ quốc tế bằng các chuyến đi trong nước, đồng thời từ bỏ thói quen ưa thích là đi máy bay, thay vào đó cô chọn đi du lịch bằng tàu cao tốc.

Cô Jia chỉ là một trong số nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi thói quen chi tiêu khi nền kinh tế của nước này phải nỗ lực phục hồi sau các chính sách nghiêm ngặt “Không COVID-19” – chính sách đã được Chính phủ Trung Quốc kết thúc vào cuối năm ngoái. Trong khi mục tiêu chính của cô Jia là tiết kiệm đủ tiền để có thể nghỉ hưu sớm, những người khác ở Trung Quốc đang “thắt lưng buộc bụng” do lo ngại về việc làm và thu nhập ổn định.

Niềm tin yếu của người tiêu dùng ở Trung Quốc đã dẫn tới một cuộc trao đổi trên mạng xã hội về cách mua sắm ít hơn, với các hashtag như #ConsumptionDowngrade (#Giảm mức tiêu dùng) đang trở nên phổ biến. #ConsumptionDowngrade đã được sử dụng trong hơn 60.000 bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Red của Trung Quốc và một hastag khác là #NoConsumption đã được nhắc đến trong hơn 4 triệu bài đăng.

Việc người tiêu dùng Trung Quốc miễn cưỡng chi tiêu - điều đã được phản ánh trong các số liệu thống kê chính thức - khiến các chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc đang ở bên bờ vực của giảm phát tiêu dùng (tình trạng giảm giá hàng tiêu dùng).

Trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, mức CPI thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2021.

Bà Betty Wang, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cũng bày tỏ lo ngại về khả năng giảm phát ở Trung Quốc. Bà cho biết Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát giống như giai đoạn năm 2012-2016. Đó là lý do tại sao nhiều người tham gia thị trường đang kêu gọi các biện pháp hỗ trợ tích cực hơn từ các nhà hoạch định chính sách.

Số liệu từ NBS công bố ngày 10/7 cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng Sáu của Trung Quốc giảm tháng thứ 9 liên tiếp và ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2015. Theo dữ liệu của NBS, cũng có những lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên ở Trung Quốc trong bối cảnh tỷ lệ này gần đây đã đạt mức cao kỷ lục là 20,8%.

Một vấn đề khác trong nền kinh tế Trung Quốc là áp lực đối với lĩnh vực bất động sản. Nhiều nhà phát triển bất động sản, trong đó có China Evergrande Group, đã gặp khó khăn và không trả được nợ kể từ năm 2021.

Theo dữ liệu từ viện nghiên cứu của Ngân hàng Trung Quốc, xây dựng bất động sản mới và doanh số bán nhà đều giảm trong năm nay. Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc ngày 10/7 đã phải gia hạn các chính sách phục hồi thị trường bất động sản đến cuối năm 2024./.

Minh Hằng (Theo THX)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-cong-bo-ke-hoach-20-diem-thuc-day-tieu-dung/301336.html