Trung Quốc: Cảnh báo từ 'mùa đông sản khoa'

Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đóng cửa khoa sản do số ca sinh mới giảm kỷ lục, số bệnh viện phụ sản cũng giảm xuống

Theo tờ Daily Economic News (Trung Quốc), các bệnh viện ở nhiều tỉnh của nước này, bao gồm Chiết Giang ở miền Đông và Giang Tây ở miền Nam, đã thông báo đóng cửa khoa sản; nguyên nhân do số ca sinh mới giảm kỷ lục.

Dữ liệu gần đây của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho thấy số lượng bệnh viện phụ sản đã giảm từ 807 vào năm 2020 còn 793 vào năm 2021.

Để ngăn chặn tình trạng "mùa đông sản khoa" này, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp thúc đẩy các cặp vợ chồng trẻ sinh con, bao gồm kéo dài thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp tài chính và thuế khi sinh con cùng trợ cấp nhà ở.

Tuy nhiên, dân số Trung Quốc vẫn giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 do tỉ suất sinh giảm kỷ lục và số ca tử vong do dịch COVID-19. Tiến trình già hóa dân số bị đẩy nhanh khiến giới chức trách lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và lâu dài.

Nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc lựa chọn không kết hôn và sinh con do đối mặt nhiều áp lực.Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Hàn Quốc - quốc gia vốn có tổng tỉ suất sinh thấp nhất thế giới - tiếp tục chứng kiến tỉ suất sinh giảm. Hồi tháng trước, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết tổng tỉ suất sinh của nước này giảm 8% trong năm 2023 còn 0,72/phụ nữ so với 0,78/phụ nữ vào năm 2022.

Các chuyên gia cảnh báo dân số Hàn Quốc - hiện khoảng 51 triệu người - có thể giảm còn một nửa vào năm 2100 nếu tỉ suất sinh tiếp tục đi xuống.

Cũng là một trong những quốc gia có tỉ suất sinh thấp nhất thế giới - đang ở mức 1,39/phụ nữ, Nhật Bản chứng kiến hơn 475 trường học đóng cửa mỗi năm kể từ năm 2002 do thiếu học sinh. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi năm ngoái cảnh báo dân số trẻ của nước này bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2030 và giờ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng đó.

Theo báo cáo so sánh tỉ suất sinh trên toàn thế giới năm 2023, tỉ suất sinh ở Đông Á giảm mạnh hơn nhiều so với bất kỳ khu vực nào khác. Các nhà phân tích lý giải trên Tạp chí Time rằng tăng trưởng kinh tế và cơ hội giáo dục dành cho phụ nữ cũng khiến họ từ bỏ các vai trò truyền thống như nội trợ và làm mẹ.

Trong khi đó, ông Ayo Wahlberg, giáo sư khoa nhân học tại Trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch), nói với kênh Al Jazeera rằng lời giải thích trên chưa đầy đủ. Dù có mối tương quan giữa việc nhiều phụ nữ có việc làm và tỉ suất sinh thấp nhưng ông Wahlberg cho biết cả đàn ông và phụ nữ đều làm việc nhiều giờ hơn trước đây, khiến họ có ít thời gian và sức lực hơn cho việc chăm sóc con cái.

Dù vậy, tín hiệu lạc quan dường như đang đến. Số cuộc hôn nhân mới ở Trung Quốc đã tăng 12,4% vào năm 2023 so với một năm trước đó, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài gần 1 thập kỷ. Số cặp đôi mới cưới đã tăng lên 7,68 triệu vào năm ngoái sau thời gian trì hoãn do đại dịch COVID-19 - theo dữ liệu do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào tuần trước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong tháng này cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con và thúc đẩy dân số phát triển một cách cân bằng, lâu dài, cũng như giảm chi phí sinh và nuôi dạy con.

Tương tự Trung Quốc, số cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc tăng vào năm 2023 - lần đầu tiên tăng kể từ năm 2011. Dữ liệu công bố ngày 19-3 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc chỉ ra tổng cộng có 193.657 cặp đôi kết hôn vào năm 2023, tăng 1% so với 191.690 một năm trước đó.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trung-quoc-canh-bao-tu-mua-dong-san-khoa-196240319205113084.htm