Trung Quốc bơm thêm 29 tỉ đô la trái phiếu để hỗ trợ các ngân hàng địa phương

Theo dữ liệu thị trường trái phiếu của ChinaBond, tính đến ngày 11-12 đã có 16 tỉnh và khu tự trị Trung Quốc phát hành 19 loại trái phiếu đặc biệt (SBP) với tổng trị giá hơn 208 tỉ nhân dân tệ (29 tỉ đô la Mỹ) nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng vừa và nhỏ của địa phương.

Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã phát hành 25 tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt để bơm thêm vốn cho 84 ngân hàng quy mô nhỏ và vừa của Sơn Đông, trong đó có 2,2 tỉ nhân dân tệ là cho Ngân hàng Dongying. Ảnh: Caixin Global

Chính sách cấp vốn bổ sung giúp tăng thanh khoản cho các ngân hàng này, giảm bớt rủi ro hệ thống khi biên lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ bị bào mỏng và tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Giá trị cao kỷ lục

Giá trị của đợt phát hành lần này đạt mức cao kỷ lục kể từ khi loại trái phiếu đặc biệt được triển khai vào năm 2020 và cao hơn gấp ba lần tổng giá trị các đợt SPB phát hành năm 2022.

Tuần trước, chính quyền tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc đã phát hành 25 tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt nhằm tái cấp vốn sơ cấp cho bốn ngân hàng thương mại ở thành thị và 80 ngân hàng thương mại nông thôn, gồm 2,2 tỉ nhân dân tệ cấp vốn cho Ngân hàng Đông Dinh (Dongying) và 1,7 tỉ nhân dân tệ cho Ngân hàng thương mại nông thôn Tế Nam.

Theo ChinaBond, chính quyền Sơn Đông sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt bán trái phiếu để mua lại các khoản tiền gửi có thể chuyển đổi được của các ngân hàng – một công cụ vốn sáng tạo nhằm gia tăng nguồn vốn cho ngân hàng. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm với phiếu lãi suất (coupon rate) 2,92% được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến hôm 13-12.

Đợt phát hành SPB của Sơn Đông là đợt phát hành lớn thứ hai của chính quyền địa phương ở Trung Quốc trong năm nay, chỉ sau đợt phát hành SPB trị giá 28,2 tỉ nhân dân tệ của tỉnh Hà Nam vào cuối tháng 11 vừa rồi. Chính quyền Hà Nam sẽ dùng số tiền trên đễ hỗ trợ vốn cho 26 ngân hàng vừa và nhỏ của tỉnh.

Chính quyền các địa phương Trung Quốc trước đây đã phát hành các đợt trái phiếu đặc biệt chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và công trình công cộng. Quản lý kém và tệ tham nhũng địa phương khiến SPB trở thành khối nợ khổng lồ đến 8.000 tỉ đô la, tăng hơn 50% trong giai đoạn 2019-2022. Chính quyền các địa phương phải trả lãi đến 148 tỉ đô la trong năm 2022.

Dùng thêm tiền để ngăn chặn rủi ro hệ thống cho các ngân hàng nhỏ?

Năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các địa phương phát hành các loại trái phiếu đặc biệt nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng vừa và nhỏ. Các ngân hàng này có tỷ suất lợi nhuận chỉ 1,736% tính đến cuối tháng 6 vừa rồi, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này được chính thức ghi nhận từ năm 2010.

Đến cuối tháng 9-2023, theo Citic Securities, biên lãi ròng bình quân của các ngân hàng thương mại ở các đô thị đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới còn 1,6%. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong các năm qua để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng lại gây áp lực lên thu nhập hay lợi nhuận của các ngân hàng. Chính phủ Trung Quốc đang thúc giục các ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và người mua nhà vay với lãi suất thấp. Hệ quả là một số ngân hàng địa phương đã hạ lãi suất tiền gửi trong năm 2022 để cắt giảm chi phí.

Nhà kinh tế trưởng Ming Ming thuộc hãng chứng khoán Citic Securities cho rằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt để bơm vốn cho ngân hàng đã được đẩy mạnh trong năm 2023. Các ngân hàng nhỏ có tỷ suất lợi nhuận ngày càng bị bào mỏng và tỷ lệ nợ xấu gia tăng. “Điều này mang tính rủi ro hệ thống”, nhà kinh tế này giải thích với tờ Caixin.

Nợ xấu của các ngân hàng địa phương tăng lên một phần là do tác động của chính sách zero Covid-19 nghiêm ngặt. Các khoản nợ xấu trong ba năm liên tiếp 2020-2022 đã vượt ngưỡng 3.000 tỉ nhân dân tệ mỗi năm. Trong năm 2022, các ngân hàng Trung Quốc đã xóa các khoản nợ khó đòi có tổng trị giá 3.100 tỉ nhân dân tệ.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã giảm xuống mức 1,6% trong thời gian gần đây. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ xấu trên thực tế lại nghiêm trọng hơn bởi các ngân hàng có xu hướng “du di” hay “xí xóa” khi định giá tài sản.

Tại Trung Quốc, so với các ngân hàng nhà nước lớn thì các ngân hàng địa phương dạng vừa và nhỏ thường chịu áp lực lớn hơn vì thiếu sức mạnh tài chính để khai thác nguồn vốn mới từ thị trường trái phiếu hoặc chứng khoán.

Theo Caixin Global, Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-bom-them-29-ti-do-la-trai-phieu-de-ho-tro-cac-ngan-hang-dia-phuong/