Trung Quốc: Bão Haikui dự khiến đổ bộ vào Đài Loan chiều 3/9; bão Saola quét qua Hong Kong, Macau, Thâm Quyến

Tại Đài Loan (Trung Quốc), nhiều chuyến bay nội địa đã bị hủy và gần 3.000 người phải sơ tán để tránh bão Haikui dự kiến đổ bộ vào chiều ngày 3/9. Trong khi đó, Thâm Quyến, Hong Kong và Macau (Trung Quốc) vừa đón siêu bão Saola khiến ít nhất 1 người thiệt mạng cùng nhiều thiệt hại do gió bão tàn phá.

Đài Loan (Trung Quốc) sơ tán hàng nghìn người, hủy nhiều chuyến bay để tránh bão Haikui

Theo Reuters, bão Haikui được dự báo sẽ đổ bộ vào vùng núi phía Đông Nam của Đài Loan (Trung Quốc) vào chiều Chủ nhật ngày 3/9, mang theo mưa lớn và gió mạnh.

Haikui là cơn bão yếu hơn nhiều so với bão Saola tấn công Hong Kong và tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc ngày 2/9. Haikui dự kiến sẽ chỉ là cơn bão cấp 1 hoặc 2 khi đổ bộ vào Đài Loan, theo Cơ quan quản lý rủi ro bão nhiệt đới.

Bão Haikui dự kiến đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc) chiều ngày 3/9. Ảnh: Reuters

Hai hãng hàng không nội địa chính của Đài Loan là UNI Air và Mandarin Airlines đã hủy tất cả các chuyến bay ngày 3/9, dịch vụ phà đến các đảo xung quanh cũng bị hủy. Các quận, thành phố phía Đông và phía Nam đã cho học sinh và người lao động nghỉ 1 ngày. Gần 3.000 người đã phải sơ tán khi Đài Loan chuẩn bị ứng phó với cơn bão Haikui.

Lãnh đạo Đài Loan cho biết đây sẽ là cơn bão đầu tiên đổ bộ trực tiếp vào hòn đảo này trong 4 năm qua; đồng thời khuyến cáo người dân nên tránh ra ngoài và không lên núi, đến bờ biển, câu cá hoặc tham gia các môn thể thao dưới nước.

Sau khi đi qua miền nam Đài Loan, Haikui được dự báo sẽ vượt qua eo biển Đài Loan để vào đất liền Trung Quốc.

Bão Saola đổ bộ Thâm Quyến, Hong Kong và Macau (Trung Quốc)

Theo Reuters, bão Saola đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sáng ngày 2/9 sau khi tấn công Hong Kong và Macau. Gió to dữ dội được ghi nhận tại các thành phố Thâm Quyến, Hong Kong và Macau, khiến ít nhất một người thiệt mạng (do cây đổ vào người tại Thâm Quyến), cùng nhiều thiệt hại do gió bão tàn phá và lũ lụt tại một số nơi.

Gió mạnh do bão Saola khiến người dân tại Hong Kong, Trung Quốc di chuyển khó khăn, ngày 1/9/2023. Ảnh: Reuters/Tyrone Siu

Một chiếc taxi bị hư hỏng do cây đổ sau siêu bão Saola ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 2/9/2023. Ảnh: Reuters/Tyrone Siu

Với sức gió hơn 200km/giờ, Saola là một trong những siêu bão mạnh nhất tại khu vực trong nhiều năm qua. Hong Kong và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay vào ngày 1/9 và đóng cửa các doanh nghiệp, trường học và thị trường tài chính khi Saola tới gần hơn.

Theo Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong, hơn 300 người đã mắc kẹt tại sân bay của thành phố vì 460 chuyến bay bị hủy.

Hong Kong ghi nhận nhiều cây đổ trên đường, cửa sổ lớn của một tòa nhà văn phòng tại quận Tseung Kwan O bị thổi bay. Mực nước tại vịnh Repulse dâng cao hơn bình thường đến vài mét.

Theo truyền thông địa phương, hơn 500 người đã phải lánh bão tại các cơ sở trú ẩn của thành phố, hơn 50 người đã phải nhập viện vì bão.

Nhiều cây cối bị đổ sau siêu bão Saola ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 2/9/2023. Ảnh: Reuters/Tyrone Siu

Cây bật gốc sau khi cơn bão Sao la đổ bộ vào Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 2/9/2023. Ảnh: Reuters/David Kirton

Theo VOV, tận dụng nguồn gió của 2 cơn bão Saola và Haikui, tổ máy phát điện gió trên vùng biển Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc đã đạt sản lượng điện kỷ lục trong một ngày của một tổ máy điện gió trên thế giới.

Theo dữ liệu do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cung cấp ngày 2/9, gió bão đã khiến tốc độ gió tối đa của trang trại gió ngoài khơi thuộc tập đoàn này tại khu vực Phúc Kiến đạt 23,56 m/giây vào ngày 1/9 và giúp tổ máy điện gió trên biển công suất lớn 16 megawatt (MW) đầu tiên trên thế giới lắp đặt tại đây đạt công suất vận hành tối đa 24/24 giờ.

Sản lượng điện đạt được trong thời gian này lên tới 384.100 kWh, tương đương lượng điện tiêu thụ trong một ngày của gần 170.000 người, lập kỷ lục mới về sản lượng điện do một tổ máy điện gió duy nhất sản xuất trong một ngày trên toàn cầu.

Tổ máy điện gió 16 MW này là tuabin gió có công suất tổ máy lớn nhất, đường kính cánh quạt lớn nhất và trọng lượng trên mỗi megawatt nhẹ nhất đã được đưa vào sản xuất trên thế giới, do Trung Quốc phát triển, thiết kế và sản xuất hoàn toàn độc lập. Tổ máy này có thể sản xuất hơn 66 triệu kWh “điện xanh” mỗi năm.

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trung-quoc-bao-haikui-du-khien-do-bo-vao-dai-loan-chieu-3-9-bao-saola-quet-qua-hong-kong-macau-tham-quyen-179230903131236492.htm