Trung Đông thêm 'nóng' khi Iran tấn công Israel

Ngày 14-4 đánh dấu cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran nhằm vào lãnh thổ Israel bằng hàng trăm máy bay không người lái (drone) và tên lửa, chấm dứt thời gian dài thù địch thông qua các lực lượng ủy nhiệm và khiến 'lò lửa' Trung Đông chực chờ lan rộng thêm.Cộng đồng quốc tế phản ứng thế nào? Dẫu giới chức Iran tuyên bố vụ tấn công ngày 14-4 cho thấy 'cách tiếp cận có trách nhiệm của Iran đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế tại thời điểm các hành động bất hợp pháp chống lại người dân Palestine'. Tuy nhiên, một loạt quốc gia từ Trung Đông đến châu Âu và châu Mỹ Latinh lên tiếng lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng, và nhiều nước trong số đó lên án hành động của Iran. Đơn cử, ngày 14-4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo nêu rõ nước này phản đối cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, gọi đây là diễn biến leo thang và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình này.

Israel kích hoạt hệ thống đánh chặn tên lửa sau khi Iran phóng drone và tên lửa về phía Israel vào ngày 14-4. Ảnh: Reuters

Thực ra, dư luận đã lường trước việc Iran đáp trả vụ tấn công đẫm máu gần đây của Israel vào cơ sở ngoại giao của nước này ở thủ đô Damascus (Syria) vào ngày 1-4. Giờ đây, cộng đồng quốc tế lại “nín thở” chờ phản ứng của Israel bởi lo ngại nếu các bên liên quan không tìm giải pháp quản lý khủng hoảng hợp lý, nguy cơ xung đột lan rộng mất kiểm soát trên toàn khu vực sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Iran nêu lý do tấn công

Hành động của Iran đánh dấu bước leo thang nguy hiểm mới trong cuộc xung đột đang mở rộng nhanh chóng ở Trung Đông. Iran đã viện dẫn quyền phòng thủ hợp pháp theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) là cơ sở để nước này tiến hành cuộc tấn công lần đầu vào lãnh thổ Israel nhằm đáp trả vụ tấn công gần đây của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria 13 ngày trước đó.

Về lý do tại sao phải đến tận bây giờ Iran mới có bước đáp trả đầu tiên, phái đoàn Iran tại LHQ cho rằng, nếu Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Syria và sau đó truy tố thủ phạm, thì có lẽ đã tránh được việc Iran trả đũa Israel. Reuters dẫn tuyên bố của phái đoàn thường trực của Iran tại LHQ nêu: “Thật đáng tiếc, Hội đồng Bảo an đã không làm tròn trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, để cho Israel vượt qua các lằn ranh đỏ và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Những vi phạm như vậy đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực cũng như đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế”.

Tuyên bố cũng cho biết, Mỹ, Anh và Pháp, cũng như các đồng minh, không những không lên án các hành động gây hấn của Israel mà còn ngăn cản việc Hội đồng Bảo an ra tuyên bố về vụ tấn công này. Phái bộ Iran cũng nhấn mạnh nước này không muốn leo thang hay xung đột. Tuy nhiên, nếu Israel có hành động gây hấn quân sự một lần nữa, phản ứng của Iran chắc chắn và nhất định sẽ mạnh mẽ và cương quyết hơn.

Vụ tấn công của Iran giáng đòn nặng vào cơ sở hạ tầng quân sự của Israel nhưng không gây thiệt hại nhân mạng. Chính phủ Israel cũng không ra bất kỳ khuyến cáo trú ẩn nào cho người dân và cho phép mở lại không phận sau sự việc. Dựa trên thực tế này, giới quan sát nhận định, cuộc tấn công chớp nhoáng nhưng chỉ ở mức độ “vừa phải, chừng mực” này là cách Iran giữ thể diện với tư cách là “ông lớn” ở Trung Đông, đồng thời tăng cường sức mạnh răn đe Israel và Mỹ nhưng vẫn hết sức kiềm chế.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, CNN cho rằng, Iran dường như “lực bất tòng tâm” trước hệ thống phòng không tối tân của Israel và đồng minh khi có đến 99% trong tổng số 300 drone và tên lửa được phóng từ bên trong lãnh thổ Iran đã bị đánh chặn trước khi chúng tiếp cận Israel. Đó cũng là điều khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tự tin cho rằng, Iran đã đáp trả thất bại trước một Israel có khả năng phòng thủ và năng lực hóa giải những đòn tấn công chưa từng có tiền lệ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đến giờ phút này, dư luận phần nào nhẹ nhõm khi Iran tuyên bố cuộc tấn công đáp trả vào Israel coi như đã “kết thúc”. Theo Atlantic Council, tuyên bố này cho thấy một thực tế rõ ràng: không còn mối đe dọa trực tiếp nào từ Iran trong ngắn hạn bởi lời đáp trả của nước này đã kết thúc; đồng thời Mỹ cũng không nên can thiệp vào mâu thuẫn Iran-Israel. Tuy nhiên, vẫn còn đó “khoảng lặng” đáng lo ngại sau đòn không kích của Iran nhằm vào Israel vì vẫn chưa rõ các bên sẽ hành động ra sao.

Trong diễn biến mới nhất, kênh truyền hình Channel 12 dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho biết sẽ có phản ứng ở mức độ đáng kể đối với cuộc tấn công mới nhất của Iran. Như vậy, nếu Israel tiếp tục sa lầy vào vòng luẩn quẩn “ăn miếng trả miếng” với Iran, thì viễn cảnh đối đầu toàn diện giữa hai “ông lớn” có sức mạnh quân sự bậc nhất Trung Đông này có nguy cơ bùng nổ.

Dư luận hiểu rõ một nguy cơ rằng, xung đột toàn diện giữa Iran và các đối thủ là vấn đề rất phức tạp bởi nó sẽ dẫn đến sự tham chiến của các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, tổ chức Hamas người Palestine ở Dải Gaza. Mặc dù lực lượng ủy quyền không được tính là một phần chính thức của Lực lượng Vũ trang Iran nhưng các nhóm này luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và hết lòng hỗ trợ Iran khi xảy ra xung đột.

Bên cạnh đó, sự chú ý cũng đổ dồn về cách chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden giữ trạng thái cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng minh thân cận Israel và tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, nhất là trong bối cảnh có lo ngại Mỹ sẽ bị kéo vào một cuộc chiến khác ở “chảo lửa” Trung Đông. CNN dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao tiết lộ Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động tấn công nào chống lại Iran. Axios cho biết, ông Biden cũng đã nói với Thủ tướng Israel rằng ông sẽ phản đối bấy kỳ một cuộc phản công trả đũa của Israel nhằm vào Iran. Trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ không ngần ngại hành động để bảo vệ lực lượng Mỹ và hỗ trợ phòng thủ Israel thì ông Biden đang tỏ ra bất an về nguy cơ Israel liều lĩnh, hấp tấp đáp trả lại Iran mà không có sự tham vấn với Mỹ và các nước đồng minh.

Theo giới quan sát, sẽ còn nhiều biến số với những phản ứng khó lường của các bên ở khu vực trong những ngày tới. Thăm dò động thái của nhau và chủ động cho kịch bản gia tăng đối đầu dường như là việc các bên đang tính toán. Ngày 14-4, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) mở cuộc họp khẩn về cách điều phối phản ứng ngoại giao thống nhất trước cuộc tấn công của Iran. Cùng ngày, Mỹ cử một tàu tấn công đổ bộ và 2.500 lính thủy đánh bộ tới Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ của Mỹ tại Iraq cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng ứng phó khả năng xuất hiện thêm các cuộc tấn công tên lửa và drone vào lãnh thổ Israel. Ngoài ra, Mỹ còn có 2 tàu khu trục và một tàu tuần dương ở Biển Đỏ được trang bị đầy đủ vũ khí chống tên lửa đều đã được lệnh bắn hạ trên đường hướng tới Israel.

Trong khi đó, Lãnh đạo LHQ và nhiều nước khác cũng liên tục kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế để tránh khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. vòng xoáy căng thẳng này là “vệt dầu loang” của cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas với Israel. Vì vậy, chấm dứt cuộc xung đột đó là ưu tiên hàng đầu. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về hành động quân sự mới đây của Iran. Ngay sau khi Iran tấn công Israel, một loạt hãng hàng không trên khắp thế giới đã dừng đường bay ngang qua điểm hai điểm nóng này.

Iran cảnh báo Mỹ, Jordan
Theo Reuters, các quan chức quân sự Iran cảnh báo các căn cứ của Mỹ ở Israel sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo nếu Mỹ ủng hộ bất kỳ động thái quân sự nào của Israel đối đầu với Iran. Bên cạnh đó, hãng thông tấn Fars (Iran) dẫn lời một nguồn tin cho biết Iran đang theo dõi chặt chẽ Jordan, quốc gia có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong trường hợp Jordan tiếp tục hợp tác và giúp đỡ Israel. Fars dẫn hai nguồn tin an ninh giấu tên cho biết máy bay phản lực của Jordan đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái (drone) của Iran bay ngang qua miền trung và miền bắc Jordan khi chúng đang trên đường hướng đến Israel. “Nếu Jordan can thiệp, họ sẽ là mục tiêu tiếp theo”, Fars dẫn nguồn thạo tin của lực lượng vũ trang Iran cho biết vào sáng 14-4. Trước đó, Jordan tuyên bố lực lượng phòng không đã vào thế sẵn sàng đánh chặn và bắn hạ bất kỳ chiếc drone hoặc máy bay nào của Iran vi phạm không phận nước này.

THƯ LÊ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202404/trung-dong-them-nong-khi-iran-tan-cong-israel-3970020/