Trưng bày chuyên đề 'Người đi tìm hình của Nước'

Với hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có một số tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, trưng bày chuyên đề 'Người đi tìm hình của Nước' giới thiệu về hành trình gian nan đầy ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục với gần 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), thiết thực chào mừng thành công của Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 5/6, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của Nước”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề bằng hình thức trực tuyến.

Với hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có một số tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, trưng bày giới thiệu về hành trình gian nan đầy ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục với gần 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường Cách mạng vô sản; những cống hiến vĩ đại của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tham quan trưng bày chuyên đề "Người đi tìm hình của nước" (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Tham quan trưng bày chuyên đề "Người đi tìm hình của nước" (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong 35 năm đổi mới là minh chứng hùng hồn khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự lựa chọn đúng đắn, với tư duy biện chứng, tầm dự báo chiến lược thiên tài, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân tộc.

Trưng bày chuyên đề được bài trí công phu, với nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang đến nhiều cảm xúc. Trên 300 hình ảnh, tài liệu và hiện vật được thiết kế theo 8 nội dung: Nuôi ý chí (1890-1911), Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920), Tìm ra ánh sáng (1920-1924), Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930), Bước ngoặt lịch sử (1930-1941), Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945), Người là niềm tin tất thắng (1945-1969), Viết tiếp trang sử vàng (1969- nay).

Trong đó, phần trưng bày “Nuôi ý chí (1890-1911)” giới thiệu về bối cảnh đất nước, quê hương, gia đình và trí tuệ bản thân của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. Từ nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã có tư chất thông minh, ham học, mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước và hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Lớn lên được tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp, sự thất bại của các phong trào yêu nước; được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, bước đầu biết đến tư tưởng tiến bộ phương Tây; chàng trai Nguyễn Tất Thành đã miệt mài, hăng say học tập và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước.

Ở nội dung “Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920)” giới thiệu đến công chúng hành trình đi tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Tất Thành trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin đến nước Pháp, ngày 05/6/1911. Sau khi đến Pháp, Người đã bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp.

Những tài liệu, hiện vật trong nội dung “Tìm ra ánh sáng (1920-1924)” cho thấy sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin. Với việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Nội dung “Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930)” là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường về gần Tổ quốc, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong nước và từng bước vạch đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Người còn chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nổi bật trong nội dung “Bước ngoặt lịch sử (1930-1941)” là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước, là thành quả của sự kết hợp sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài, có những lúc bị kẻ thù bắt giam, tù đầy, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn theo dõi và chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng nước nhà.

Ở nội dung “Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945)” giới thiệu quá trình trực tiếp lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi về nước năm 1941. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và vận mệnh của mình. Hành trình hơn 30 năm cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ năm 1911 tới đây chính thức đơm hoa kết trái.

Nội dung trưng bày “Người là niềm tin tất thắng (1945-1969)” thể hiện quá trình đấu tranh bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng cùng toàn thể nhân dân Việt Nam.

Trong nội dung cuối cùng “Viết tiếp trang sử vàng (1969-nay)” giới thiệu quá trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời; quân và dân cả nước đã anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua hơn 50 năm, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng đất nước giàu mạnh, như mong muốn cuối cùng Người ghi trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấu đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Trưng bày “Người đi tìm hình của Nước” là dịp để công chúng có cách tiếp cận sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Từ đó, tiếp tục khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng đoàn kết phấn đấu, vững bước tiến lên trên con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, thực hiện khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước./.

Huy Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/trung-bay-chuyen-de-nguoi-di-tim-hinh-cua-nuoc-582437.html