Trump tấn công trực diện G7 là để thị uy với Kim Jong Un?

Theo các nhà phân tích chính trị, việc đối phó với những ý muốn bất thình lình và những thay đổi vào giờ chót của ông Trump đã được chứng minh là một cơn ác mộng.

Những lời lẽ gay gắt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Thủ tướng Canada sau hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần trước là cách ông Trump cho thấy ông không "yếu đuối", ngay trước thềm cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Tổng thống Mỹ sẽ không để cho thủ tướng của Canada ra lệnh một cách xúc phạm và thô lỗ với mình ngay trước sự kiện (cuộc gặp Kim). Ông ấy sẽ không cho phép điều gì thể hiện sự yếu đuối trong chuyến đi để đàm phán với Triều Tiên. Ông ấy cũng không nên như vậy", cố vấn kinh tế Larry Kudlow nói trong chương trình "State of the Union" củaCNN".

Cái giá cho "Trudeau phản bội"?

Ông Trump đã đến Singapore hôm 10/6 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, với vấn đề về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đứng đầu chương trình nghị sự. Tổng thống Mỹ đã gọi cuộc gặp là "cơ hội duy nhất" cho hòa bình.

Trước khi rời Canada vào ngày hôm trước, tổng thống Mỹ đã lên Twitter nói rằng thủ tướng nước chủ nhà G7 năm nay, Justin Trudeau, là "rất không trung thực và yếu đuối".

Ông Trump cho biết ông đã chỉ thị cho các đại diện Mỹ không xác nhận tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày G7 nhóm họp.

Tổng thống Mỹ dường như đặc biệt bực mình bởi những phát biểu của ông Trudeau trong một cuộc họp báo. Thủ tướng Canada đã chỉ trích quyết định của ông Trump trong việc viện dẫn lý do an ninh quốc gia để biện minh cho các biện pháp thuế quan mà Mỹ sẽ áp dụng với các hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ tại hội nghị G7 ở Canada. Ảnh: Reuters.

Quyết định đó là "một kiểu xúc phạm" với các cựu quân nhân Canada đã kề vai sát cánh cùng các đồng đội người Mỹ trong các cuộc xung đột từ chiến tranh thế giới thứ nhất, theo ông Trudeau.

"Người Canada lịch sự và hiểu lý lẽ, nhưng chúng tôi cũng sẽ không chịu để ai đó đối xử thô lỗ", thủ tướng Canada nói.

Trong chương trình của CNN, ông Kudlow cũng tấn công ông Trudeau, cho rằng thủ tướng Canada "thực sự đã đâm sau lưng chúng tôi", chủ mưu "một sự phản bội" và "về cơ bản đã lừa dối Tổng thống Trump".

"Chúng tôi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận với Canada về NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), có lẽ là song phương, rồi chúng tôi rời đi và Trudeau thực hiện màn kịch chính trị non nớt này cho công chúng trong nước xem", ông Kudlow nói.

"Trudeau đã mắc lỗi. Anh ta nên rút lại. Anh ta nên rút lại những lời lẽ của mình".

Châu Âu hành động

Ngày 10/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả việc Mỹ áp đặt thuế quan với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu. Bà cũng bày tỏ sự hối tiếc về việc ông Trump đột ngột rút khỏi tuyên bố chung của G7.

"Nếu phải nói ra, việc rút khỏi (tuyên bố chung) bằng một dòng tweet, dĩ nhiên là nghiêm trọng và có chút thất vọng. Thật khó khăn, đáng buồn vào lúc này nhưng đó không phải là kết thúc", bà Merkel nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD tại Canada".

Bà nói EU cũng giống Canada, đang chuẩn bị cho các biện pháp đáp trả Mỹ: "Điều này có nghĩa là chúng tôi cũng như châu Âu phải đứng lên vì nguyên tắc của chúng tôi, có lẽ là cùng với Nhật Bản và Canada".

Bà Merkel nói bà sẽ tiếp tục nói chuyện với ông Trump nhưng đồng thời tái kêu gọi châu Âu thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong các vấn đề khu vực, nói EU sẽ "không dạo chơi" trong xung đột thương mại với Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sẽ tiếp tục nói chuyện với ông Trump nhưng EU sẽ "không dạo chơi" trong xung đột thương mại với Mỹ. Ảnh: Getty.

Đối với nhiều người ở châu Âu, câu hỏi đặt ra giờ đây là làm sao để duy trì bất kỳ hình thức hợp tác đa phương nào. Theo các nhà phân tích chính trị, việc đối phó với những ý muốn bất thình lình và những thay đổi vào giờ chót của ông Trump đã được chứng minh là một cơn ác mộng.

"Làm sao có thể làm việc được nếu một khi bạn đã đồng ý cái gì đó, hai tiếng đồng hồ sau, ông ta nói rằng không đồng ý với những gì ông ta đã đồng ý?", ông François Heisbourg, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Pháp, nhận xét. "Có bất kỳ không gian nào cho trật tự đa phương trong những trường hợp như thế này không?".

Song trong số các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy sự thất vọng, có những dấu hiệu rằng họ nhìn nhận ông Trump và chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông là một phút sai lầm, chứ không nhất thiết là biểu hiện của một thực tế mới sẽ không bao giờ thay đổi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người được cho là có mối quan hệ cá nhân mạnh nhất với ông Trump trong số tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu, đã không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng và không hài lòng của mình tại một vài thời điểm trong hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh niềm tin của mình rằng tầm nhìn của ông Trump về nước Mỹ là mâu thuẫn với các giá trị của Mỹ.

"Tổng thống Trump thấy là ông đang đối diện với một mặt trận thống nhất trước mặt", ông Macron nói trên Twitter. "Việc bị cô lập trong một nhóm quốc gia là đi ngược với lịch sử Mỹ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel, vây quanh là các nhà lãnh đạo khác của G7 tại hội nghị ở Canada hôm 8-9/6. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Anh Theresa May thích hành động khéo léo hơn là đối đầu, ngay cả sau khi các đồng minh của ông Trump được cho là đã nói với báo Telegraph rằng tổng thống Mỹ đã trở nên mệt mỏi với "giọng điệu người yêu thời học sinh" và tính chú ý đến chi tiết của bà May.

Khi được báo chí hỏi rằng có thích làm việc với tổng thống Mỹ không, bà May trả lời: "Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Trump".

Tuy nhiên, bà May thực sự đã để bà và ông Trump "thảo luận thẳng thắn" về thương mại. Bà không chỉ hy vọng ông Trump sẽ gỡ bỏ thuế quan mới với nhôm và thép châu Âu, mà ông còn sẽ cam kết về một thỏa thuận thương mại ủng hộ Brexit với Anh sau khi rời London rời khỏi EU.

Rạn nứt lịch sử

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là mục tiêu hàng đầu của ông Trump về thương mại, có sự phẫn nộ về kết quả của hội nghị thượng đỉnh G7. Song không có nhiều người bất ngờ.

"Đó không phải là điều bất ngờ", ông Norbert Röttgen, chủ tịch ủy ban đối ngoại ở quốc hội Đức (Bundestag), nói. "Tổng thống Mỹ đã hành động và phản ứng một cách ấu trĩ mà mọi người đều có thể dự đoán được".

Trong hầu hết tin bài trên báo chí châu Âu, xu hướng chung là nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của sự rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh tại châu lục.

Der Spiegel, tuần san uy tín của Đức, nói sự thể hiện của ông Trump tại Quebec là "một vụ bê bối không có tiền lệ" và rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các đồng minh truyền thống khác của Hoa Kỳ giờ đây phải sẵn sàng cho bất cứ điều gì, đặc biệt là về thương mại, một câu chuyện quan trọng với người Đức.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Canada. Ảnh: Reuters.

Trong bài phân tích trên trang nhất, La Repubblica, một trong những tờ báo lớn của Italy theo đường lối trung tả, nói rằng "mọi hành động của thủ tướng đã được thai nghén để phá vỡ mặt trận châu Âu và cố gắng xây dựng một trục chống EU cùng Trump".

Đối với Le Monde, nhật báo của Pháp, "những trò hề" của ông Trump dường như là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào sự đồng thuận đạt được sau thế chiến II. Tờ báo viết: "Donald Trump bằng tuổi với trật tự thế giới mà Mỹ thiết lập ở giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng thề là ông ta đã quyết định trật tự đó sẽ không sống lâu hơn ông ta".

90s: Vì Trump, G7 có nguy cơ trở thành 'G6+1' Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc trong bất đồng và chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và phần còn lại do chính sách bảo hộ thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trump-tan-cong-truc-dien-g7-la-de-thi-uy-voi-kim-jong-un-post849284.html