TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại về chính sách mới liên quan đến pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội

Sáng nay (14/6), gần 300 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng tham gia Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội'. Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức, được truyền trực tuyến từ Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng.

Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử (laodongthudo.vn) và các ấn phẩm của báo Lao động Thủ đô (lamgiau.laodongthudo.vn - laodongvaphapluat.laodongthudo.vn)

Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, người lao động về các chế độ, chính sách mới liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động.

* 8h00: Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

* 8h05: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Đến dự buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp có các đồng chí: Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Văn Thìn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đan Phượng; Phạm Thị Kim Oanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đan Phượng; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng và gần 300 đoàn viên, người lao động huyện Đan Phượng.

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Đan Phượng và báo Lao động Thủ đô dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, với phương châm đồng hành, vì người lao động, báo Lao động Thủ đô luôn chú trọng lựa chọn các vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của người lao động để xây dựng chủ đề đối thoại, giao lưu. “Chúng tôi lựa chọn chủ đề cho buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp là “Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội” với mục tiêu cập nhật cho các đơn vị, doanh nghiệp, CNVCLĐ những quy định, chính sách hiện hành, thiết thực như bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi…”, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết.

Để buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp đạt kết quả, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn, tập trung đưa ra những câu hỏi, những vấn đề mình chưa rõ hoặc những tình huống thực tiễn thường gặp phải trong cuộc sống, những băn khoăn khi thực hiện các chính sách về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình để các chuyên gia tư vấn, giải đáp.

* 8h20: Hỏi đáp giữa đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và các chuyên gia

(Toàn bộ nội dung trả lời của chuyên gia xin mời bạn đọc xem tại đây)

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Đan Phượng và báo Lao động Thủ đô tặng hoa cho các chuyên gia.

Từ trái qua phải, các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Ánh (Chủ tịch Công đoàn xã Phương Đình) đặt câu hỏi: Bạn tôi là cán bộ, công chức xã đã công tác 7 năm. Hiện nay, bạn tôi xin nghỉ ra làm ngoài. Xin hỏi bạn tôi được hưởng những quyền lợi gì, có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Chị Trần Thị Yến (Công ty Cổ phần Việt An) đặt câu hỏi: Người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật người lao động vắng mặt không? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Trung) đặt câu hỏi: Tôi là giáo viên trường Trung học đã công tác được 30 năm, nay tôi 53 tuổi. Tôi có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm có được không? Các quy định và quyền lợi tôi được hưởng cụ thể như thế nào?

Anh Nguyễn Văn Ngư (Chủ tịch Công đoàn xã Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trường hợp người lao động trong thời gian nghỉ phép không may bị bệnh đột xuất phải nhập viện (trong 5 ngày đợt nghỉ phép) thì người lao động đó có được hưởng chế độ nghỉ để điều trị không? Trong thời gian nghỉ ốm, người lao động có được hưởng nguyên lương hay không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng

Anh Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Mekamic) đặt câu hỏi: Trong điều kiện bình thường có từ bao nhiêu người lao động trở lên thì Công ty phải thành lập Phòng An toàn vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất từ 2 cán bộ An toàn vệ sinh lao động? Công ty có phải bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế tại công ty không? Có quy định không?

Chị Lê Thị Thắm (Công đoàn Trường Mần non Phương Đình) đặt câu hỏi: Người lao động bị ốm, phải nhập viện. Bảo hiểm y tế của người lao động đăng ký tại Bệnh viện huyện Đan Phượng. Giấy chuyển tuyến ra Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhưng người lao động muốn nhập và điều trị tại Bệnh viện 108 . Như vậy người lao động đó được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào?

Chị Lê Thùy Dương (Công ty Môi trường Tân Hội) đặt câu hỏi: Công ty tôi có 1 lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 7 tháng, nhưng không may bị đột quỵ vừa qua đời. Vậy cho tôi hỏi thân nhân của lao động này có được hưởng chế độ gì từ bảo hiểm xã hội (chế độ tử tuất, trợ cấp 1 lần...) hay không?

Chị Nguyễn Thị Huệ (Công ty Việt An) đặt câu hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động làm ở bộ phận đóng gói, sau vài tháng làm việc công ty chuyển tôi sang làm ở bộ phận sơ chế nhưng không thông báo trước. Việc công ty chuyển vị trí làm việc của tôi như vậy thì có đúng hay không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Chị Hoàng Liên Tuyết (Công ty Topmode) đặt câu hỏi: Người lao động ở công ty tôi làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại vượt quy định nhưng không nằm trong danh mục nghề độc hại, nguy hiểm. Trong trường hợp này, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người lao động không?

Chị Đặng Thị Huệ (Công đoàn Trường Mầm non Thọ Xuân) đặt câu hỏi: Cháu tôi bị tai nạn lao động. Hiện tại, cháu bị liệt toàn thân, mất khả năng sinh hoạt, phải nhờ sự chăm sóc của mẹ. Vậy xin hỏi chuyên gia, trong trường hợp này, bên doanh nghiệp phải chịu những trách nhiệm gì với cháu và cháu phải làm giấy tờ thủ tục gì để được hưởng quyền lợi khi không còn khả năng làm việc?

Chị Trịnh Thị Lan (Công ty Hóa Dệt Hà Tây) đặt câu hỏi: Xin hỏi chuyên gia cho biết, lao động là người khuyết tật, người cao tuổi, lao động chưa thành niên, người làm công việc nặng nhọc, độc hại phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mấy tháng một lần?

Anh Đỗ Hùng Minh (Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh) đặt câu hỏi: Người lao động có được phép xin nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian khoảng 20 ngày không? Chế độ nghỉ phép, nghỉ ốm của cán bộ, công chức, viên chức được quy định cụ thể như thế nào?

Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Anh Trần Lập Quân (Công ty Kyung Bo) đặt câu hỏi: Một công nhân vận hành máy không may sự cố mất điện và công nhân đó bị kẹp mất một ngón tay nhưng lại không được công nhận là tai nạn lao động. Như vậy có đúng không? Khi nào thì người sử dụng lao động phải bồi thường cho người bị tai nạn lao động? Khi nào thì người sử dụng lao động không phải bồi thường cho người bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc?

Anh Nguyễn Xuân Lịch (Trường Cao đẳng Công nghệ Vận tải Hà Nội) đặt câu hỏi: Những điều kiện nào để lao động từ chối bổ nhiệm?

Anh Nguyễn Khắc Tường (Công ty Cổ phần Ngôi sao Châu Á) đặt câu hỏi: Tôi tham gia và đóng bảo hiểm xã hội tại 1 công ty, sau đó nghỉ việc nhưng người sử dụng lao động không yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội chốt sổ bảo hiểm xã hội, cũng không trả sổ bảo hiểm xã hội cho tôi. Đến nay, tôi đã nghỉ việc hơn 3 năm, bây giờ tôi muốn tham gia bảo hiểm xã hội thì có được đóng tiếp tục ở sổ bảo hiểm xã hội cũ không?

Chuyên gia Đặng Văn Thành

Anh Nguyễn Văn Cương (Công ty Chinlanshing) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, khi xảy ra tai nạn lao động chết người thì doanh nghiệp phải khai báo ngay với cơ quan nào? Người sử dụng lao động có trách nhiệm điều tra các vụ tai nạn lao động trong trường hợp nào? Người sử dụng lao động có phải lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động không?

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Công ty Môi trường Tân Hội) đặt câu hỏi: Một công nhân công ty tôi trên đường đi làm đến công ty không may bị tai nạn, lúc đó chỉ có công an của xã đến giải quyết. Công nhân có báo đến công ty, sau đó người công nhân có nộp lại giấy tờ cho công ty nhưng công ty lại không chấp nhận và không công nhận là tai nạn lao động? Như vậy đúng hay sai?

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Hiện nay không chỉ các mẹ được hưởng chế độ thai sản, các bố cũng được hưởng. Xin chuyên gia cho biết rõ hơn?

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Công ty Cổ phần Ngôi sao Châu Á) đặt câu hỏi: Công ty hiện vẫn có người lao động sử dụng sổ bảo hiểm cũ. Người lao động muốn chuyển sang sổ mới và người lao động mong muốn chốt sổ để chuyển sổ mới nhưng không biết có ảnh hưởng gì đến quá trình đóng bảo hiểm không?

* 9h25: Giao lưu với CNVCLĐ

Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Viết Thái tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu

Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh tặng quà cho người lao động

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu

* 9h35: CNVCLĐ tiếp tục đặt câu hỏi với các chuyên gia

Chị Vũ Thị Bảo (Công ty Thực phẩm Richy) đặt hai câu hỏi: Câu hỏi thứ nhất: Hiện tại bạn tôi đang làm trong một doanh nghiệp tư nhân có 80 lao động. Tất cả 80 lao động đều ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tập thể người lao động vẫn yêu cầu doanh nghiệp hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Doanh nghiệp tư nhân cho rằng người lao động đã có thẻ bảo hiểm y tế thì tự đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Vậy, có đúng hay không và trong trường hợp này tập thể người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?. Câu hỏi thứ hai: Vợ chồng tôi cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, khi con ốm thì có được hưởng chế độ chăm con ốm không?

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Trong trường hợp nào thì người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Anh Trần Tuấn Anh (Xã Hạ Mỗ) đặt câu hỏi: Với công chức được tuyển dụng làm việc trong các đơn vị nhưng tổ chức lại tiến hành điều chuyển thì người lao động có phải tuân thủ không?

Chị Doãn Thị Hương (Công ty Hóa Dệt Hà Tây) đặt câu hỏi: Dưỡng sức phục hồi sức khỏe thương tật sau tai nạn được quy định như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (Công ty Topmode) đặt câu hỏi: Với công ty đủ điều kiện nhưng không thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định, khi thành lập đoàn kiểm tra thì công ty có bị xử lý không?

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Trong trường hợp nào người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương?

Một độc giả đặt câu hỏi: Đóng bảo hiểm xã hội 5 năm trở lên thì có được hưởng quyền lợi gì ưu đãi hơn người chưa đóng đủ 5 năm hay không?

Chị Lê Thị Nga (Công ty Kyung Bo) đặt câu hỏi: Công đoàn cơ sở có trách nhiệm gì với Hội nghị người lao động? Nếu doanh nghiệp không tổ chức thì Công đoàn cần làm gì?

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Công ty Mekamic) đặt câu hỏi: Người nhà tôi nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 3/2023. Nay người nhà tôi vẫn nghỉ và chưa đi làm thì có thể tự đóng bảo hiểm để không gây gián đoạn được không?

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Công ty Cổ phần Ngôi sao Châu Á) tiếp tục đặt thêm câu hỏi: Tại doanh nghiệp, với vị trí lao động trong thời gian học việc, chúng tôi ký hợp đồng tập nghề trong 60 ngày. Xin hỏi, loại hình hợp động này đúng không? Trong thời gian thực hiện tập nghề, người lao động học không đủ thì có cần gia hạn không?

Chị Lê Thùy Dương (Công ty Môi trường Tân Hội) tiếp tục đặt câu hỏi: Đặc thù công ty môi trường địa bàn trải rộng. Ở công ty tôi có công nhân làm ở địa bàn A được giao, sau khi làm xong trên địa bàn được giao thì công nhân dùng phương tiện của công ty để di chuyển đến địa điểm B để thực hiện việc riêng và bị tai nạn thì công ty có cần chịu trách nhiệm gì không? Trường hợp này có được coi là tai nạn lao động không? Nếu người này tử vong thì phải công ty chịu trách nhiệm gì?

* 10h30: Bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Phát biểu bế mạc cuộc Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có trên 30 câu hỏi của công nhân lao động liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như: pháp luật lao động, BHXH, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm.

Cũng chính qua những buổi đối thoại, giao lưu này, giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và người lao động. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truc-tuyen-hinh-anh-doi-thoai-ve-chinh-sach-moi-lien-quan-den-phap-luat-lao-dong-va-bao-hiem-xa-hoi-157080.html