TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại nâng cao kiến thức về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen

Sáng nay (16/6), gần 300 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Phúc Thọ tham gia Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen'. Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phúc Thọ tổ chức, được truyền trực tuyến từ Hội trường Ủy ban nhân dân thị trấn Phúc Thọ.

Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử (laodongthudo.vn) và các ấn phẩm của báo Lao động Thủ đô (lamgiau.laodongthudo.vn - laodongvaphapluat.laodongthudo.vn).

Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật, lao động, bảo hiểm xã hội, buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến là cơ hội để các cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có thể cập nhật, trang bị những kiến thức cần thiết cho bản thân trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động và thận trọng để không “sập bẫy” tín dụng đen.

* 8h00: Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

* 8h05: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Đến dự buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp có các đồng chí: Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Đoàn Tuấn Anh - Phó Bí thư Trường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phúc Thọ; Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phúc Thọ, nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ và gần 300 đoàn viên, người lao động huyện Phúc Thọ.

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Phúc Thọ và báo Lao động Thủ đô dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách pháp luật về lao động mới được điều chỉnh tới CNVCLĐ, góp phần để chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa; đồng thời cung cấp kiến thức, giúp CNVCLĐ nhận diện, tránh xa được cạm bẫy của “tín dụng đen”.

Để buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp đạt kết quả, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn, tập trung đưa ra những câu hỏi, những vấn đề mình chưa rõ hoặc những tình huống thực tiễn thường gặp phải trong cuộc sống, những băn khoăn để các chuyên gia tư vấn, giải đáp.

* 8h20: Hỏi đáp giữa đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và các chuyên gia

(Toàn bộ nội dung trả lời của chuyên gia xin mời bạn đọc xem tại đây)

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, huyện Phúc Thọ và báo Lao động Thủ đô tặng hoa cho các chuyên gia.

Từ trái qua phải, các chuyên gia: Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (Trường Trung học cơ sở Long Xuyên) đặt câu hỏi: Bạn tôi có vay tín dụng đen 100 triệu đồng. Hiện tại bên cho vay đang thực hiện các hành vi côn đồ để đòi nợ. Tôi xin hỏi, hành vi của bên cho vay ở trên có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Người thân của bạn tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không vì việc vay nợ của bạn tôi không?

Chị Hồ Thị Hồng (Trường Trường Tiểu học Vân Phúc) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết các thủ đoạn mà đối tượng cho vay lôi kéo người dân rơi vào “bẫy” tín dụng đen hiện nay?

Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Anh Nguyễn Trường Sơn (Trường Tiểu học Hiệp Thuận) đặt câu hỏi: Con của bạn tôi hiện đang làm việc ở một công ty. Trước khi vào làm việc, công ty có trao đổi là sau 2 tháng thử việc sẽ được ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, cháu đã làm việc được 5 tháng nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng. Vậy cháu phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Chị Hà Thị Thu Hương (Trường Mầm non Long Xuyên) đặt câu hỏi: Bạn tôi làm việc trong một doanh nghiệp ngành Xây dựng được hơn 20 năm và bị nợ bảo hiểm xã hội gần 10 năm. Hiện nay, bạn tôi muốn nghỉ việc ở công ty để đi xin việc khác mà Công ty cũng không thực hiện tách đóng bảo hiểm xã hội để chốt sổ cho bạn tôi được. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này bạn tôi có thể đóng bảo hiểm tiếp ở công ty khác được không và có được cộng dồn thời gian cách quãng không hay phải chốt được sổ thì mới đóng tiếp được?

Chị Khuất Thị Lợi (Công ty TNHH Xây dựng Năm Thức) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, người lao động có được ký 2 hợp đồng lao động với 2 doanh nghiệp khác nhau không?

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an trả lời câu hỏi của CNVCLĐ.

Chị Nguyễn Thị Loan (Công ty Cổ phần Phát triển Thảo Nguyên) đặt câu hỏi: Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào?

Chị Nguyễn Thị Tuyết (Trường Trung học cơ sở Long Xuyên) đặt câu hỏi: Hiện nay có nhiều người ý kiến 60 tuổi mới về hưu và đóng bảo hiểm như vậy là thiệt thòi, rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ có lợi hơn. Xin hỏi chuyên gia có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

CNVCLĐ chăm chú lắng nghe chuyên gia chia sẻ, giải đáp các thắc mắc.

Anh Nguyễn Văn Tình (Công đoàn xã Thượng Cốc) đặt câu hỏi: Tôi có người bạn làm việc trong một công ty A. Hiện bạn tôi đã nghỉ việc được hơn 1 tháng. Khi bạn tôi định đi làm chế độ thất nghiệp thì được biết công ty A vẫn còn nợ tiền bảo hiểm 2 tháng gần nhất. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này bạn tôi có làm được chế độ thất nghiệp ko? Và bạn tôi cần phải có thủ tục và giấy tờ gì để hưởng chế độ nói trên.

Chị Trần Thị Hợp (Trường Mầm non Tam Hiệp) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trong những trường hợp nào người lao động nghỉ việc những vẫn được hưởng nguyên lương?

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của CNVCLĐ.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (Trường Mầm non Thọ Lộc) đặt câu hỏi: Tôi muốn thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm y tế để tiện đi lại. Xin chuyên gia cho biết, thời gian để đổi nơi khám chữa bệnh là vào thời gian nào và đổi như vậy thì bao lâu tôi được đổi về nơi khám chữa bệnh ban đầu mới.

Chị Nguyễn Thị Hiền (Công đoàn xã Tam Hiệp) đặt câu hỏi: Hợp đồng lao động chưa hết thời hạn nhưng người sử dụng lao động và người lao động muốn bổ sung thêm một số nội dung vậy có bắt buộc phải ký kết hợp đồng mới hay không? Cơ quan Bảo hiểm xã hội có chính sách gì để hấp dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Chị Duy Thị Minh (Trường Trung học cơ sở Hát Môn) đặt câu hỏi: Người dân cần làm gì khi rơi vào “bẫy” tín dụng đen?

* 9h40: Giao lưu với CNVCLĐ

Phó Bí thư Trường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh tặng quà cho người lao động tham gia trả lời câu hỏi giao lưu.

* 9h50: CNVCLĐ tiếp tục đặt câu hỏi với các chuyên gia

Chị Ngô Thị Hương Giang (Trường Mầm non thị trấn Phúc Thọ) đặt câu hỏi: Thưa các chuyên gia, bạn tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 5 năm. Hiện tại, bạn tôi đã nghỉ việc ở nhà để chăm con. Tuy nhiên, bạn tôi vẫn muốn đóng bảo hiểm xã hội để không bị ngắt quãng. Vậy bạn tôi phải làm thế nào?

Chị Nguyễn Thị Bích Hải (Trường Tiểu học Sen Phương) đặt câu hỏi: Hiện nay, có rất nhiều quảng cáo cho vay không cần thế chấp với mức lãi suất từ 2.000 - 3.000 đồng/triệu/ngày. Liệu có phải các cá nhân, tổ chức này đang kinh doanh tài chính, tín dụng đen không thưa chuyên gia?

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của CNVCLĐ.

Anh Hoàng Quang Long (Chủ tịch Công đoàn Khối doanh nghiệp huyện Phúc Thọ) đặt câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết, chủ doanh nghiệp được phép sa thải người lao động trong những trường hợp nào? Và khi bị sa thải, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Hiện nay, có nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo với các tổ chức tín dụng đen, dẫn đến nợ nần, phá sản. Chuyên gia có lời khuyên gì với những trường hợp này?

Chị Cao Thị Bích Duyên (Trường Trung học cơ sở thị trấn Phúc Thọ) đặt câu hỏi: Một số người đã nhận các chế độ trợ cấp thôi việc một lần theo chế độ 176 trước đây, tuy nhiên số tiền nhận được số tiền rất nhỏ. Giờ họ muốn gửi lại số tiền trên cho cơ quan Bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm để khi đủ tuổi được nghỉ hưu thì có được không?

Chị Nguyễn Thị Tuyết (Trường Mầm non Thanh Đa) đặt câu hỏi: Khi bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen, lừa đảo qua mạng thì cần gọi vào số điện thoại nào để báo với cơ quan chức năng? Các thủ tục pháp lý để giải quyết? Giải pháp khi vướng vào lừa đảo trên mạng?

* 10h40: Bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có gần 30 câu hỏi của CNVCLĐ liên quan đến người lao động như: Pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tín dụng đen… Đây đều là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm.

Qua buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến này đã giúp các cán bộ công đoàn có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên và người lao động. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết. Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô mong muốn CNVCLĐ sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô.

Nhóm P.V

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truc-tuyen-hinh-anh-doi-thoai-nang-cao-kien-thuc-ve-phap-luat-lao-dong-bao-hiem-xa-hoi-va-phong-tranh-tin-dung-den-157165.html