Trong tương lai, Nga sẽ là ông chủ của Biển Đỏ?

Nếu lập được căn cứ hải quân ở Sudan và Eritrea, cùng căn cứ hải quân Tartus mà trước đó đã lập ở Syria, Nga sẽ nắm được quyền kiểm soát Biển Đỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Sadiq Ali hôm 05/3 tuyên bố rằng, chính quyền Khartoum cơ bản không có sự phản đối nào đối với các thỏa thuận về việc thành lập căn cứ hải quân Nga ở Sudan, đạt được dưới thời chính phủ trước đó.

Theo ông, quyết định cuối cùng về vấn đề này phải do quốc hội mới đưa ra, bởi đây là nghĩa vụ của nhà nước và do nhân dân quyết định.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm nên chính quyền nước này đang chờ đợi một quốc hội mới ra đời, cơ quan dân bầu này sẽ xem xét thỏa thuận và đưa ra khuyến nghị cho chính phủ, mà theo ông là “một khuyến nghị tích cực”.

Bài báo của trang web Nga Reporter trước đó đã đưa tin về việc chính quyền Nga đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Sudan về việc thành lập một cơ sở bảo trì và sửa chữa trên lãnh thổ nước cộng hòa này để sửa chữa, bổ sung vật tư và nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn các tàu chiến Nga.

Thỏa thuận này cũng đã được các cơ quan chức năng đệ trình lên Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) và toàn thể Duma Quốc gia. Liên bang Nga vào tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Khartoum vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Hồi cuối năm ngoái, Đại sứ Nga tại Sudan Andrei Chernovol đã báo cáo rằng, chính quyền nước này vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục phê chuẩn thỏa thuận về việc thành lập căn cứ Hải quân Nga tại Cảng Sudan trên Biển Đỏ, bởi họ chờ đợi sự phê chuẩn của quốc hội mới, sau những bất ổn chính trị kéo dài ở đất nước này.

Các chuyên gia địa-chính trị và quân sự Nga lưu ý rằng, sự xuất hiện của căn cứ hải quân Nga ở Sudan có tầm quan trọng rất lớn đối với Moscow, đặc biệt là xem xét rằng một cơ sở tương tự có thể sớm xuất hiện ở quốc gia châu Phi thuộc Biển Đỏ khác là Eritrea.

Theo một số thông tin, Moscow đã đạt được một thỏa thuận tương tự với Eritrea trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới châu Phi vào tháng 1 năm nay.

Nếu Nga có thể thiết lập được các căn cứ hải quân ở các quốc gia nằm giữa Biển Đỏ này, cùng với căn cứ hải quân Tartus ở Syria, Moscow có thể nắm quyền kiểm soát các tàu thuyền từ phía Địa Trung hải qua kênh đào Suez để ra Ấn Độ Dương, và ngược lại, với các tàu thuyền từ vịnh Aden để vào Biển Đỏ để ra Địa Trung Hải.

Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình an ninh hàng hải ở khu vực Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab đang rất phức tạp do các cuộc tấn công liên tiếp bằng máy bay, tàu thuyền không người lái và thậm chí là cả tên lửa hành trình, của lực lượng dân quân Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn, vào các tàu thuyền vận tải biển có liên quan đến Mỹ, Anh, Israel… khiến liên minh phương Tây phải điều chiến hạm đến làm nhiệm vụ hộ tống hàng hải.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trong-tuong-lai-nga-se-la-ong-chu-cua-bien-do-post674323.html