Trong ngày đưa tang Bao Thanh Thiên, chuyện 'quỷ dị' nào bất ngờ xảy ra?

Sau khi qua đời năm 1063, gia đình tổ chức hậu sự trang trọng cho Bao Thanh Thiên. Vào ngày đưa tang, một sự việc vô cùng bí ẩn, kỳ lạ đã xảy ra nhưng cũng chính điều ấy giúp Bao Thanh Thiên được an giấc ngàn thu.

Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân, còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử hay Bao Long Đồ. Là người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc), ông nổi tiếng lịch sử là vị quan thanh liêm, chính trực, phá được nhiều vụ án phức tạp, thẳng tay trừng phạt những tên tham quan, hoàng thân quốc thích.

Do vậy, Bao Thanh Thiên được hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063) coi trọng và tin tưởng. Ông lần lượt được giao những trọng trách quan trọng trong triều gồm: Trung thừa, Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, Thiên Chương các Thị chế.

Vào năm 1062, Bao Chửng lâm bệnh và qua đời. Cái chết của ông khiến người dân vô cùng thương tiếc, đau xót. Để thể hiện sự tiếc thương trước sự ra đi của viên quan chính trực này, Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư.

Không những vậy, Tống Nhân Tông còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu Bao Chửng về mai táng ở quê nhà ông. Theo đó, gia đình tổ chức tang lễ trang trọng dành cho Bao Thanh Thiên.

Vào ngày đưa tang, một sự việc kỳ bí, khó giải xảy ra đó là 21 cỗ quan tài được khiêng ra các cổng thành rồi đi theo các hướng khác nhau. Không ai biết thi hài Bao Chửng được đặt trong quan tài nào. Vậy nên, ngôi mộ thật chôn cất vị quan này trở thành bí ẩn lớn.

Trước sự việc bí ẩn này, một số giả thuyết được đưa ra. Trong đó, một quan điểm cho rằng, trước khi qua đời, Bao Thanh Thiên đã dặn dò người thân làm như vậy để kẻ thù hay những kẻ trộm mộ không thể tìm được mộ thật của ông.

Giả thuyết khác cho rằng, trước khi mất, Bao Thanh Thiên trăn trối chuẩn bị 21 cỗ quan tài để người dân không phân biệt được thật - giả. Theo đó, mọi người sẽ không cần phải đưa tiễn ông, tránh làm xáo trộn cuộc sống thường ngày.

Ly kỳ hơn, một giả thuyết cho rằng, việc bí ẩn xảy ra vào ngày đưa tang liên quan đến vấn đề phong thủy. Điều này xuất phát từ việc người xưa quan niệm sau khi qua đời, linh hồn người quá cố sẽ bảo vệ, che chở cho con cháu, thậm chí giúp họ gặp được may mắn.

Tuy nhiên, nếu mộ tổ tiên bị kẻ gian đào xới, phá hoại thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của gia tộc.

Do đó, gia đình Bao Thanh Thiên chuẩn bị 21 cỗ quan tài rồi chôn ở những vị trí khác nhau nhằm bảo vệ sự an nghỉ ngàn thu của ông cũng như giúp hậu duệ trong gia tộc được phù hộ, che chở.

Mời độc giả xem video: Cuộc đời phi tần duy nhất “dám” đệ đơn ly hôn với Hoàng đế.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/trong-ngay-dua-tang-bao-thanh-thien-chuyen-quy-di-nao-bat-ngo-xay-ra-1905035.html