Trong miền ký ức: Cậu bạn trên phố

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...

Ảnh minh họa.

Trong các dịp gặp mặt, cu Bột năm nào – nay đã là một kỹ sư xây dựng, lại hể hả bảo “chắc do ngày xưa ‘được’ ong đốt cho tăng lực, nên đến giờ vẫn có sức trèo núi”.

Hồi ấy, cứ hè là bố mẹ chở cậu về quê chơi với ông bà ngoại vài tuần. Con trai trên phố có khác, đầu tóc gọn gàng, quần áo phẳng phiu, xưng hô “cậu - tớ” rõ lịch thiệp chứ không “tau - mi” bắng nhắng như lũ trẻ quê chúng tôi. Ban đầu, cả bọn còn gọi giễu cậu ta là “công tử bột”, về sau thân thiết với nhau thì gọi là “Bột”.

“Đúng là đồ... thành phố, cái gì cũng không biết. Ngu thật. Thành phố đứa nào cũng ngu cả chúng mày ạ” – cả bọn hay chọc cậu ta vậy, trong những ngày mới về quê. Không biết bơi, bị cả bọn lột áo cho chuồn chuồn Ông Voi cắn rốn, cậu ta cũng tin, đau chảy cả nước mắt mà cứ phải mím môi mím lợi lại chịu, cái rốn sưng tấy đến mấy ngày. Lần đầu tiên dùng que tre dài, quấn nhựa mít vào đầu que bắt được tận mấy con chuồn chuồn ớt, cậu ta nhảy tưng tưng, reo hò phấn khích như được... cho kẹo. Chơi chọi cỏ gà búng tai, lần nào cậu ta cũng dính mẹo dùng ngón tay chỏ chém “đầu gà”, bị búng cho đỏ tai mà vẫn suýt xoa “các cậu chơi siêu thế”. Thả diều thì mỗi con diều của cậu ta quay mòng mòng. Câu cá thì mỗi cái cần của cậu ta cứ bị tôm lôi mồi đi. Đi móc cua thì móc ra nguyên một con rắn, sợ cứng cả lưỡi. Đến đánh bài quẹt nhọ nồi cũng thua đen cả mặt...

Nhà ông Sinh Sự làng bên có đầu Video chiếu phim kiếm hiệp, cả bọn hay đi tắt qua cánh đồng làng rải rác những mộ hoang, sang xem chui. Bột sợ ma, bảo đi đằng trước thì lấy lý do không biết đường, đi đằng sau thì sợ đi chậm bị lạc, nên bao giờ cũng chui vào giữa. Cứ nhè đến giữa cánh đồng, cả bọn lại hét toáng lên “Có ma... Chạy thôi bọn bay ơi”. Loáng cái giữa đồng không mông quạnh chỉ còn cậu ta gào lên “Cứu tớ với các cậu ơi... Cứu với... Ối trời ơi... Tớ sợ lắm”. Lúc quay lại đón, cậu ta run lẩy bẩy như gà mắc mưa, sợ đến mức tè cả ra quần. Từ lần sau, cho cậu ta tóm chặt lấy lưng áo người đằng trước, thì rủ mới đi.

Lại cái lần chơi trốn tìm, Bọ Xít dẫn cậu ta trốn vào trong cái lò gạch bỏ hoang, bảo “cứ yên tâm nấp ở đây, đố ai tìm ra được, tao trốn bụi cây đằng sau”. Thế rồi cả bọn bỏ cậu ta lại, kéo nhau đi trộm trái cây lên sân đình đánh chén. Cả tiếng đồng hồ sau mới thấy cậu ta quáng quàng chạy trên đường về nhà, vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Hôm sau rủ đi câu cá, cậu ta lại toe toét nhập bọn, bảo “hôm qua tớ bị ma lùa, chạy gần chết về nhà”.

Ở bụi tre cuối xóm có tổ ong vò vẽ, ít người biết. Chính thế mà thỉnh thoảng cả bọn lại kéo nhau đến đây, khi thì lấy đá ném, lúc dùng gậy chọc cho ong túa ra rồi co chân chạy. Đứa thì rúc vào đống rơm, đứa nhảy ùm xuống ao để trốn. Thoát được những con ong hung hãn thì phấn khích vô cùng, hơn cả đi đánh nhau mà thắng được “quân địch” làng bên. Thỉnh thoảng có đứa bị ong đốt sưng tấy, nhưng cứ theo lời các cụ dặn, nhai ít đọt măng tre nuốt nước, đắp bã vào vết đốt, ít ngày sau lại đâu vào đấy.

Nhưng cu Bột thì không may mắn như thế, không quen đường nên chạy quáng quàng được một đoạn thì vấp ngã dúi dụi, bị bầy ong bu lại tấn công. Nghe tiếng thét váng trời, cả bọn hoảng hồn chạy lại, đứa cởi áo, đứa bẻ cành cây khua loạn xạ để kéo cậu ta chạy. Cái mặt cậu ta lúc đưa lên trạm xá cấp cứu phồng lên như rán bóng bì vậy, nguy kịch lắm. Bố mẹ Bột gấp gáp thuê xe cấp cứu về chuyển cậu ta lên bệnh viện thành phố.

Đứa nào cũng được một trận đòn no sau sự việc ngày hôm đó. Nhưng không buồn bằng việc chúng tôi nhận ra, vắng cu Bột là một khoảng trống mênh mông. Cậu ta tựa như một cục đường ngọt ngào được thả vào chậu nước mưa tuổi thơ chúng tôi vậy. Quả bóng da, những cuốn truyện, bảng xếp hình,... mà cậu ta mang về cùng chúng tôi chơi, nằm một góc buồn thiu. Những ngày sau đó, cứ hết đứa nọ đến đứa kia len lén sang hỏi ông bà ngoại về sức khỏe cu Bột, nhưng chỉ thấy ông bà thở dài.

Mấy ngày sau, cả bọn còn “ăn” thêm một trận đòn no, nhưng cũng đáng. Chúng tôi đã trốn nhà cuốc bộ hơn chục cây số lên phố, hỏi thăm khắp nơi để mò được đến bệnh viện thăm bạn, với quà mang theo là một nải chuối, năm cái bánh đa, một túi ổi, một chai tướng nước chanh đường. Lúc vào được phòng gặp cu Bột, nó vẫn nằm một chỗ cắm dây truyền, nhưng trên cái mặt sưng húp đã lấp ló nụ cười. Còn đúng một quả chuối, một cái bánh đa với hai quả ổi ương đưa cho nó làm quà, phần còn lại đã trở thành thực phẩm lót đường. Mẹ cu Bột nhìn chúng tôi, cứ dở khóc dở cười đến tội. May sao lúc về, cả bọn được bố cu Bột gửi nhờ một xe công nông đầu dọc tăng bo cho một chặng dài, chứ không thì chẳng đứa nào còn sức mà lết về nhà chịu đòn.

Chỉ thế thôi mà tình bạn khăng khít đến tận bây giờ.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/trong-mien-ky-uc-cau-ban-tren-pho/28594.htm