Trồng giống lúa HT1 mang lại lợi nhuận cao

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng tại cánh đồng Ngọc Lãnh, thôn Ðồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa tổ chức hội thảo tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 tại cánh đồng Ngọc Lãnh, thôn Ðồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa, Ðông Hòa nhìn mã lúa rất ưng ý, chất lượng gạo thơm ngon nên đặt hàng tại ruộng mua luôn đám lúa.

Xây dựng thương hiệu Gạo thơm Hòa Quang Bắc

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng với quy mô 24ha, 123 hộ nông dân tham gia. Lúa mô hình là giống HT1 cấp nguyên chủng, gieo sạ 5kg/sào. Trong thời gian sinh trưởng, lúa chống bệnh khô vằn, bạc lá, khi trổ đòng gặp thời tiết nắng gắt nên tỉ lệ lép của giống HT1 cao... Kết quả, năng suất ruộng mô hình đạt 68,3 tạ/ha; ruộng ngoài mô hình sản xuất giống lúa ĐV108 năng suất 68,8 tạ/ha. Tuy nhiên, giá lúa HT1 mô hình 6.500 đồng/kg, trong khi giá ngoài mô hình chỉ 5.500 đồng/kg, nên lợi nhuận từ mô hình cao hơn 6,4 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Thơ, nông dân tham gia mô hình sản xuất giống lúa HT1, cho hay: Với giá bán cao nên tổng thu lúa mô hình đạt 44,3 triệu đồng/ha, còn ngoài mô hình chỉ đạt 37,8 triệu đồng/ha. Tính ra làm 1 tấn lúa HT1 bằng 1,3 tấn lúa các giống khác. Gia đình tôi trồng 2 sào, thu gần 4,5 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Huệ, cũng tham gia mô hình cho rằng, giống này sạ thưa nhưng lúa nở (đẻ nhánh khỏe), với đặc tính là gié dài, số hạt/gié nhiều. “Giống lúa chất lượng, gạo ngon, thơm, sau khi thu hoạch sẽ được cơ sở xay xát Tú Loan (xã Hòa Quang Bắc) thu mua với giá 6.500 đồng/kg nên nông dân phấn khởi”, ông Huệ nói.

Bà Bùi Thị Hiền ở xã Hòa Quang Bắc tham quan mô hình chia sẻ: Giống lúa HT1 khi lúa ngậm sữa rồi gié cúi thấy hạt lúa rằn (vệt sọc đen), tưởng lúa bị bệnh lem lép hạt, thế nhưng gần chín hạt lúa “lột áo” (không còn vệt sọc đen). Đặc biệt giống lúa này lúc chín, đứng trên bờ ruộng hương thơm ngào ngạt.

Ông Nguyễn Nỹ, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc cho biết: Huyện Phú Hòa đang hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc xây dựng thương hiệu Gạo thơm Hòa Quang Bắc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đây chính là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua mô hình sử dụng giống lúa HT1 đã tạo nguồn gạo chất lượng cho HTX tiến đến xây dựng thương hiệu Gạo thơm Hòa Quang Bắc, từ đó xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần hỗ trợ huyện Phú Hòa về đích nông thôn mới.

Ðặt hàng tại ruộng

Ông Nguyễn Ngọc Quốc ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng HT1, cho hay: Giống lúa HT1 có hương thơm đặc trưng, buổi hội thảo có nấu cơm từ gạo HT1, cơm thơm, hạt rời…

Ông Huỳnh Thúc Khoa, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Đông Hòa cho biết: Nông dân các xã, thị trấn của huyện Đông Hòa tham quan mô hình đã đặt hàng tại ruộng mua đám lúa giống HT1 cấp nguyên chủng về làm giống cho vụ đến. Thông qua mô hình, nông dân tiếp cận kỹ thuật mới trong thâm canh chọn giống lúa mới năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Mô hình còn làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân trực tiếp tham gia và tạo điều kiện cho nhiều nông dân trong vùng tham quan học tập về giảm giống gieo sạ, giảm phân và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa chất lượng.

Theo ông Võ Minh Tú, chủ cơ sở xay xát Tú Loan, hiện cơ sở xay xát của gia đình tôi thu mua giống lúa HT1 là 6.500 đồng/kg, cao hơn giống lúa trồng đại trà là 1.000 đồng/kg. Thời gian tới, nếu giá thị trường tăng thì nhà máy cũng thu mua lúa HT1 tăng theo.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Phú Yên là tỉnh có năng suất lúa cao trong khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bình quân đạt khoảng 65-68 tạ/ha/vụ. Tuy nhiên sản xuất lúa hiện nay của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là mật độ sạ với lượng giống quá cao, bình quân 180-220kg/ha. Diện tích sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn từ cấp xác nhận trở lên đạt thấp, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen, tập quán sử dụng lúa thương phẩm làm giống. Do vậy, ruộng lúa thường lẫn tạp, nhiều tầng, chất lượng lúa gạo giảm thấp, chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mô hình này góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con nông dân, nhất là giảm lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha, so với ruộng sản xuất đại trà ngoài mô hình, từ đó giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp bà con nông dân định hướng sử dụng các giống đạt tiêu chuẩn để gieo sạ, từ đó tạo được nguồn giống đạt tiêu chuẩn để trao đổi trong địa phương.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/229145/trong-giong-lua-ht1-mang-lai-loi-nhuan-cao.html