Trời nắng nóng, trẻ bị bệnh tiêu chảy phải nhập viện tại Đắk Lắk gia tăng

Những ngày qua, số lượng trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do bệnh lý tiêu hóa gia tăng nhanh. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng do sự chủ quan của cha mẹ.

Thở phào nhẹ nhõm vì con đã thoát khỏi nguy hiểm sau hơn 1 tuần điều trị bệnh tiêu chảy tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị H’wen Long Ding, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, thật may vì chị đã đưa con đến bệnh viện kịp thời.

Chị H’wen cho biết, cách đây hơn 2 tuần, con chị bị tiêu chảy kèm sốt. Khi thấy bé đi cầu nhiều lần, chồng chị đã đi lấy lá rừng giã ra cho bé uống nhưng không khỏi, thậm chí bệnh tình bé ngày càng nặng thêm. Sau đó, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Lắk, bé được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau khi được điều trị đúng cách, tình trạng của bé đã ổn định.

“Uống lá rừng đó càng uống càng tiêu chảy hơn, nguy hiểm lắm, toàn cơ thể toàn là màu đen, tội lắm. Tới bên này người ta truyền cả đêm cả ngày thì đỡ, tới 4 ngày thì không đi cầu nữa”, chị H’wen Long Ding nói.

Từ đầu năm đến nay Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khoảng 500 trẻ bị bệnh về đường tiêu hóa

Cũng chăm con điều trị bệnh tiêu chảy ở Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị H’Dâu Adrơng, xã Ea ral, huyện Ea H’Leo chia sẻ, con chị được 4 tháng tuổi, từ lúc cháu bé được 2 tháng tuổi đã thường xuyên bị bệnh tiêu chảy. Mỗi khi con bị bệnh, chị lại tự ý đi mua thuốc ở tiệm thuốc để chữa cho bé nhưng không trị dứt điểm được. Bé cứ khỏi được 1 tuần lại tái phát bệnh. Cách đây 10 ngày, bệnh của bé chuyển nặng, một ngày đi cầu nhiều lần, ho nhiều, sụt cân, nên chị đã đưa con nhập viện. Đến nay, sức khỏe của bé đã dần ổn định, đã cắt được tình trạng đi cầu nhiều lần trong ngày.

“Bé ở nhà tiêu chảy một ngày hơn mười mấy lần, chữa bên ngoài không thấy đỡ, xong rồi nhập viện ở Ea H’leo 1 tuần uống thuốc, tiêm thuốc cũng không thấy đỡ luôn, về nhà được 3 ngày xong rồi chuyển qua đây, nằm được 4 ngày thấy bé đỡ hơn xíu”, chị H’Dâu cho biết.

Bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ bị bệnh tiêu chảy nhập viện điều trị

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ nhập viện điều trị do bệnh tiêu chảy có đủ các lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Mỹ, Phó Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, có khoảng 500 trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến khám và điều trị tại Khoa. Những ngày gần đây, số lượng trẻ nhập viện điều trị vì bệnh lý tiêu chảy tăng hơn, trung bình từ 20- 25 trường hợp mỗi ngày. Bác sĩ Mỹ nhận định, với số lượng bệnh nhi bị tiêu chảy ngày một tăng là tiếng chuông cảnh báo để các phụ huynh lưu ý hơn trong việc thực hiện các biện pháp đề phòng bệnh lý tiêu chảy ở trẻ, bởi tiêu chảy là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

“Tiêu chảy chỉ sau tử vong bệnh lý về đường hô hấp. Tiêu chảy xảy ra lác đác cả năm, tuy nhiên trội lên trong một vài thời điểm ví dụ như thời tiết mưa lạnh kéo dài, hoặc thời tiết nắng nóng kéo dài thì đây là nguy cơ bị tiêu chảy. Khi thấy trẻ nôn mửa quá nhiều, hoặc cháu đi cầu quá nhiều lần thì nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để khám và phân loại bệnh để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ cho biết.

Khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất theo độ tuổi và cho trẻ uống nhiều nước

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, đa số trẻ bị tiêu chảy là do thời tiết nắng nóng, thực phẩm bảo quản chưa hợp lý dễ bị ôi, thiu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ khuyến cáo, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống bình thường theo chế độ dinh dưỡng của từng lứa tuổi, hạn chế những thực phẩm khó tiêu như nhiều dầu mỡ hoặc nhiều chất xơ. Bữa ăn chia nhiều cữ hơn, một lần ăn ít hơn để bé dễ hấp thu; bù nước bằng nước lọc, cháo, sữa, dung dịch bù nước điện giải Oresol… để làm giảm nguy cơ mất nước cho trẻ. Không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở trẻ em. Đồng thời chủ động cho trẻ uống vaccine Rotavirus, tả để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/troi-nang-nong-tre-bi-benh-tieu-chay-phai-nhap-vien-tai-dak-lak-gia-tang-post1089321.vov