Trở về từ Biển Đỏ, thủy thủ kể lại giây phút 'thập tử nhất sinh'

Trở về nhà sau chặng đường dài, và vừa phải trải qua 'kiếp nạn' gặp phải cướp biển, thủy thủ Nguyễn Văn Tảo có chức danh máy hai trên tàu hàng kể lại giây phút thoát nạn.

Sáng ngày 15/3, sau khi nghe tin thủy thủ Nguyễn Văn Tảo (thủy thủ Việt Nam trên tàu hàng gặp nạn ở Biển Đỏ) đã trở về quê nhà Kinh Môn, Hải Dương, nhiều người thân, bạn bè đã đến hỏi thăm và chúc mừng.

“Tôi về nhà từ khoảng 22h tối hôm qua (14/3), mọi người sang hỏi thăm rất nhiều”, anh Tảo cho biết.

Anh đã làm nghề đi biển được hơn 10 năm, cũng thường xuyên đi qua vùng Biển Đỏ nhưng đây là lần nguy hiểm nhất mà anh gặp phải.

“Thời điểm tàu gặp nạn là lúc tôi đang ở trong buồng máy, tôi giật mình bởi tiếng nổ lớn. Sau đó nhận được cảnh báo, chúng tôi đã đi ẩn nấp”, anh Tảo kể lại.

Anh Nguyễn Văn Tảo cùng con gái.

Anh cho biết đã nhiều lần diễn tập về tình huống có cướp biển, nhưng khi gặp thực tế cũng hơi hoảng loạn. “Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi điểm danh người trên tàu và cấp cứu những người bị thương. Khi thuyền trưởng ra lệnh dời tàu, tất cả đã nhanh chóng thực hiện. Tôi thấy khói đen bốc lên, không kịp cầm theo đồ dùng cá nhân, tôi vội lấy chiếc áo phao và ra phía sau tàu tập trung. Sau đó chúng tôi thả bè cứu sinh và cùng nhau nhảy xuống biển".

Khi lên bè cứu sinh, thuyền trưởng người Ấn Độ động viên mọi người bình tĩnh. Họ liên tục dùng thiết bị liên lạc chuyên dụng để phát tín hiệu cầu cứu.

“Mọi người động viên nhau, người bị thương được đưa vào giữa, trong đầu chúng tôi tìm mọi cách để sống sót. Dù được diễn tập nhiều thế nhưng vào tình huống thật mọi người cũng không giữ được bình tĩnh”, anh Tảo cho hay.

Theo anh Tảo, trên bè cứu sinh có đồ ăn, thức uống cho 25 người khoảng 1 tuần. Nhưng sau khoảng 2 giờ lênh đênh trên biển, anh rất mừng rỡ thấy lực lượng cứu hộ của quân đội Ấn Độ xuất hiện.

“Chiếc tàu chiến dừng ở xa, họ đưa trực thăng đến trước để cứu chúng tôi. Tàu chiến cũng thả 2 xuồng máy đưa chúng tôi lên tàu”, anh Tảo kể. Lúc tàu chiến đến cứu thì đại phó Đặng Duy Kiên (41 tuổi, ở Hải Phòng), đã bị bỏng nặng, dù được nhanh chóng đưa xuống bè cứu sinh nhưng anh vẫn không qua khỏi.

Ngoài anh Tảo, máy trưởng Phạm Văn Thành (39 tuổi, ở quận Hải An, Hải Phòng) và máy ba Phạm Văn An (33 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) đều an toàn.

“Mục đích của đội cướp biển là đánh vào tàu hàng, họ không đánh vào tàu chở người. Thế nhưng vẫn có người không may”, anh Tảo nói.

Các thủy thủ Việt Nam may mắn sống sót và thi thể anh Kiên đã được đưa về Djibouti, nhưng toàn bộ giấy tờ tùy thân của họ đều thất lạc.

Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán và cơ quan hữu quan, các thuyền viên được trao hộ chiếu mới và 3 thuyền viên Việt Nam đã về nước trong ngày 14/3. Nước sở tại cũng đã làm giấy chứng tử cho đại phó Đặng Duy Kiên, các bên liên quan đang làm thủ tục để sớm đưa thi thể anh Kiên về với gia đình.

“Tôi sẽ nghỉ ngơi ở nhà một vài tháng sau đó lại tiếp tục công việc”, anh Tảo cho hay.

Tàu True Confidence thuộc sở hữu của Công ty Hàng hải Liberia True Confidence Shipping, mang cờ Barbados và đang do Công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành.

Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và một người Ấn Độ. Ba bảo vệ có vũ trang trên tàu gồm hai người Sri Lanka và một người Nepal.

Ngày 6/3, trên hành trình chở hàng từ Trung Quốc đến Arab Saudi, khi cách cảng Aden, Yemen hơn 90km thì tàu bị trúng tên lửa nên bốc cháy, 3 thuyền viên tử vong.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tro-ve-tu-bien-do-thuy-thu-ke-lai-giay-phut-thap-tu-nhat-sinh-2259868.html