Trở về điểm xuất phát

Cho dù những nỗi hoang mang vẫn tiếp tục được tạo nên, khi Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh khuyến cáo công dân của mình rời Ukraine (nhằm tránh nguy cơ xảy ra các hành động quân sự tại đây), thì trên thực tế, ngoại giao và những cuộc đối thoại vẫn được cả hai phía nhắc đến như giải pháp duy nhất nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tháo gỡ những khúc mắc...

Và hướng đến mục đích đó, Thỏa thuận hòa bình Minsk, với những phiên bản mới, sẽ là phương thức chủ chốt để kiểm soát tình hình và kìm nén những mâu thuẫn. Nói cách khác, nước Nga cũng như phương Tây đều đã hé mở những cánh cửa dẫn tới các hành lang quay trở lại điểm xuất phát của cuộc khủng hoảng.

Ai muốn chiến tranh?

Câu trả lời, đương nhiên, là chẳng ai muốn chiến tranh. Một cuộc chiến tranh quy ước toàn diện giữa hai quyền lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới - Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - là quá mạo hiểm, đối với ngay cả “những người chơi chính”, khi đặt lên cán cân được - mất. Do đó, thực tế, cả hai phía vẫn đang cố gắng tìm cách tránh nguy cơ này. Điều họ cùng làm, trên thực tế, là “chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất nhưng hy vọng vào các khả năng tốt đẹp nhất” - như cách nói của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmytri Peskov, ngày 14-2.

Nước Nga cũng không muốn chiến tranh. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy các công cụ ngoại giao.

Nước Nga cũng không muốn chiến tranh. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy các công cụ ngoại giao.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã có những cuộc điện đàm riêng rẽ với Bộ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergei Lavrov - cũng như người đồng cấp Ukraine - ông Dmytro Kuleba. Trong các cuộc điện đàm, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc hoan nghênh các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh: Không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cho dù quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ngày một leo thang, Tổng Thư ký Antonio Guterres vẫn tin tưởng và hy vọng rằng sẽ không có cuộc chiến nào nổ ra trong thời gian tới. Theo người phát ngôn Liên Hợp quốc Stephane Dujarric, Liên Hợp quốc chưa có kế hoạch sơ tán hay di chuyển khoảng 1.600 nhân viên, trong đó 220 người là nhân sự nước ngoài và khoảng 1.400 nhân viên người Ukraine, ra khỏi quốc gia Đông Âu này. Liên Hợp quốc thậm chí còn sẵn sàng đón nhận vai trò trung gian hòa giải giữa các phía.

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khi đó, ở phía Tây, cùng ngày 14-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson nhất trí: Vẫn còn một “cánh cửa ngoại giao quan trọng” cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song cảnh báo tình hình vẫn còn mong manh, sau một cuộc điện đàm quan trọng khác kéo dài đến 40 phút. Hai nhà lãnh đạo cảnh báo: Nếu xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài không chỉ đối với các bên liên quan mà còn gây thiệt hại sâu rộng cho cả thế giới.

Và ở phía Đông, trong một diễn biến song song khi họp với Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận về an ninh với phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Ông cũng đề nghị người đứng đầu nước Nga tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những bảo đảm an ninh từ phương Tây. Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov cho biết Mỹ đã đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự, song nhấn mạnh những phản hồi từ Liên minh châu Âu (EU) cũng như NATO không thỏa đáng và mang tính tiêu cực.

Cuối cùng, vẫn trong ngày 14-2, từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmytri Peskov trong một cuộc họp báo, Nga hy vọng các kênh đối thoại ít ỏi giữa nước này và phương Tây sẽ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine có tính đến các lợi ích của Moscow. Nói về quan hệ giữa Liên bang Nga và phương Tây, ông nêu rõ rất muốn từ “chiến tranh” biến mất khỏi từ điển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với những chuyến công du không mệt mỏi nhằm thúc đẩy đối thoại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với những chuyến công du không mệt mỏi nhằm thúc đẩy đối thoại.

“Xuống thang” cũng cần một lộ trình

Không ai muốn chiến tranh nhưng vì rất nhiều vấn đề liên quan (đặc biệt là vị thế cường quốc), “xuống thang” như thế nào lại vẫn luôn là câu hỏi hóc búa. Nhất là khi, tiến trình “xuống thang” và hạ nhiệt căng thẳng ấy cũng sẽ luôn gắn liền với các vận động kế tiếp, cả về địa chính trị lẫn kinh tế, bởi các cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng cũng như quyền lực mềm sẽ không bao giờ chấm dứt đơn giản như vậy.

Việc Nhà Trắng đánh giá lại “nguy cơ Nga xâm lược Ukraine” xuống mức “có thể xảy ra” vào tuần trước, khi hàng trăm nghìn binh sĩ cả hai phía được điều động, là một chỉ dấu thể hiện sự nhượng bộ. Có lẽ nó liên quan mật thiết đến cả một dòng Tweet của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, rằng “Đừng tin vào những dự đoán về ngày tận thế” hôm 6-2, lẫn những phát ngôn hồi cuối tháng trước của quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU Joseph Borell: “Chúng ta biết rất rõ về mức độ của các mối đe dọa và cả cách phản ứng cần thiết, tất nhiên chúng ta cần tránh những hành động gây hoang mang”.

Nói một cách ngắn gọn, song song với việc Moscow liên tục khẳng định rằng nước Nga “không có ý định xâm lược Ukraine”, chính Kiev cũng không muốn tâm trạng xã hội Ukraine biến chuyển xấu theo chiều hướng hoảng loạn, do bị tác động bởi những động thái từ phía Mỹ (mà Bộ Ngoại giao Nga đánh giá là các biện pháp tuyên truyền chiến tranh ở dạng thuần túy nhất). Trong khi đó, các thành viên NATO thuộc EU cũng chẳng mặn mà gì với viễn cảnh bom rơi đạn nổ, bởi nếu điều đó xảy ra, thay vì nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương, chính họ sẽ bị “vạ lây” trước nhất. Những chuyến công du hối hả của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Nga hay Ukraine trong những ngày gần đây rõ ràng là các nỗ lực xử lý tình hình thông qua con đường đối thoại thay vì đối đầu.

Tổng thư ký Antonio Guterres sẵn sàng nhận vai trò trung gian hòa giải.

Tổng thư ký Antonio Guterres sẵn sàng nhận vai trò trung gian hòa giải.

Mặc dù vậy, trong một tuyên bố chung ngày 14-2, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn nhấn mạnh: “Ưu tiên trước mắt của chúng tôi là ủng hộ các nỗ lực nhằm giảm leo thang tình hình”. Tuy nhiên, do “quân đội Nga liên tục tăng cường quân sự tại biên giới Ukraine, gây ra mối quan ngại nghiêm trọng, chúng tôi, các Bộ trưởng Tài chính G7, nhấn mạnh sự sẵn sàng hành động nhanh chóng và dứt khoát nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine”. Theo đó, “bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào của Nga nhằm vào Ukraine sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả nhanh chóng, thống nhất và mạnh mẽ. G7 đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, điều này sẽ gây ra hậu quả tức khắc và to lớn đối với nền kinh tế Nga”.

Nghĩa là, thay vì các biện pháp quân sự, phương Tây cũng đã sẵn sàng những công cụ kinh tế cho một “cuộc chiến không tiếng súng”, nhằm bảo vệ các luận điểm của mình.

Có điều, đây cũng chẳng phải lần đầu tiên những lời đe dọa (và cả những biện pháp trừng phạt - cấm vận) được đưa ra.Chẳng phải lần đầu tiên Moscow đánh giá rằng mối quan hệ Nga - phương Tây đã “xuống đến mức thấp nhất”. Vẫn còn nguyên đó điểm cốt lõi sâu xa của căng thẳng: Nước Nga lo ngại về nền an ninh - quốc phòng của mình khi NATO liên tục kết nạp thêm thành viên, bành trướng về phía Đông đến sát lãnh thổ Nga và thẳng thắn chỉ ra rằng Nga là đối tượng chủ yếu mà liên minh phòng thủ quân sự ấy nhắm tới.

Ngược lại, đối với phương Tây, tiến trình đó là ý chí tự do của các nước có nguyện vọng gia nhập NATO như Ukraine - điều cần phải được tôn trọng. Do đó, để kiềm chế những khả năng xảy ra xung đột, đồng thời kìm giữ những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới tiếp tục tạm thời “chung sống hòa bình”, việc tái triển khai Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 (năm 2015), trên cơ sở đàm phán nhằm bổ sung các điều khoản mới, là điều thực sự cần thiết.

Rất đáng chú ý, mới đây, hãng BBC dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko cho biết: Ukraine sẵn sàng “mềm dẻo” đối với mục tiêu gia nhập NATO, nhằm tránh chiến tranh. Cũng rất đáng chú ý, từ ngày 8-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong một cuộc họp báo rằng đối thoại vẫn “chưa chết”.Một số đề xuất từ Mỹ và NATO là đáng thảo luận và Nga sẽ làm “mọi thứ để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả mọi người”.

Thỏa thuận Minsk 2 (năm 2015) - cơ chế bảo đảm hòa bình và ổn định cần được hồi sinh.

Thỏa thuận Minsk 2 (năm 2015) - cơ chế bảo đảm hòa bình và ổn định cần được hồi sinh.

Một cách rõ ràng hơn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmytri Peskov cho rằng: “Có thể nhắc tới mặt tích cực rằng, mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Mỹ khó khăn, song vẫn có một số kênh đối thoại nhất định, trong đó các lãnh đạo hai nước vẫn đang đối thoại, liên lạc vẫn được duy trì trong các lĩnh vực khác”. Bên cạnh đó, ông Peskov cũng cho biết, Nga sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại có tính đến những thay đổi đang diễn ra trong tình hình thế giới hiện nay: “Tại cuộc họp của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, những ý chính trong khái niệm chính sách đối ngoại mới của chúng ta đã được xem xét và sẽ được thay đổi... Về vấn đề này, tình hình không phải là bất biến”.

Ông cũng “hy vọng rằng những hiểu biết thông thường sẽ chiếm ưu thế ở châu Âu và rằng những người châu Âu trước hết sẽ nghĩ tới ngôi nhà chung của chúng ta, nghĩ tới châu Âu, nơi chúng ta là những nước láng giềng trực tiếp và sống cạnh nhau”.

Một thông điệp kín đáo về tính cấp thiết của những sự thỏa hiệp.

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tro-ve-diem-xuat-phat-i644248/