Trở về chiến trường xưa của 'cô dâu Điện Biên'

'Cô dâu Điện Biên' là cách gọi thân thương mà nhiều người dành để nhắc về GS, BS, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y trong đám cưới nổi tiếng cùng chú rể Cao Văn Khánh được tổ chức tại hầm tướng De Castries, ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đám cưới ấy đã trở thành một trong những biểu tượng về khát vọng hòa bình của người Việt Nam.

Ở tuổi 94, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, "cô dâu Điện Biên" Nguyễn Thị Ngọc Toản, vợ của cố Trung tướng Cao Văn Khánh đã trở lại chiến trường xưa, trở lại hôn trường của mình với niềm hạnh phúc và cảm xúc khó tả...

Trung tướng Cao Văn Khánh mất năm 1980, khi mới 63 tuổi, lúc đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản lúc đó mới 50 tuổi, đang là bác sĩ sản khoa.

Với tinh thần hiếu học hiếm có, bà Ngọc Toản học tập liên tục và trở thành Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, GS đầu ngành sản khoa, nguyên Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, từng viết khoảng 20 đầu sách về sức khỏe sinh sản. Bà cũng từng là Ủy viên Thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin - một tổ chức mà bà là một trong những người đầu tiên vận động để thành lập.

Bà là cô dâu đặc biệt - "cô dâu Điện Biên", khi được tổ chức đứng ra làm lễ thành hôn với Đại tá Cao Văn Khánh, lúc đó là Đại đoàn phó Đại đoàn 308, ngay trong hầm tướng bại trận De Castries ngày 22/5/1954. Đây là lễ thành hôn đặc biệt của cặp đôi "trai tài gái sắc", cặp đôi chiến sĩ Điện Biên tài giỏi. Một cựu chiến binh Điện Biên Phủ - Đại tá Nguyễn Chấn gọi Trung tướng Cao Văn Khánh là "một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta. Anh là Chiến Tướng, Trí Tướng, Nhân Tướng, Danh Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản thăm lại hầm De Castries, nơi tổ chức lễ thành hôn của mình ngày 22/5/1954

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, "cô dâu Điện Biên" trở lại chiến trường xưa ngay trong ngày sinh nhật của mình. "Cô dâu Điện Biên" nay ở tuổi 94, đã có lúc phải ngồi xe lăn. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, nguyện vọng đầu tiên của bà là được đến thăm đồng đội đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Trước Nghĩa trang Liệt sĩ A1, bà Toản nhất quyết vịn xe lăn đứng lên, tự mình bước vào thắp hương cho các đồng đội dưới sự dìu đỡ của người xung quanh.

Ông Cao Quý Bảo, con trai của GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, chia sẻ: "Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng mẹ tôi vẫn luôn trăn trở được một lần nữa trở lại Điện Biên Phủ. Do vậy, trong dịp đặc biệt chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật 94 tuổi của mẹ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ để niềm vui của mẹ cũng được nhân đôi".

"Về thăm lại chiến trường xưa, tôi rất xúc động khi nhớ lại bao nhiêu đồng chí đã hy sinh ở Điện Biên Phủ. Vô cùng thương nhớ!" - bà Ngọc Toản chia sẻ.

Trong di tích hầm tướng De Castries, những kỷ niệm xưa lại ùa về, bà Ngọc Toản nhớ lại: Khi chưa nên duyên với Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh, bà là nữ sinh Trường Đồng Khánh, con Quan Thượng thư triều Nguyễn với tên khai sinh Tôn Nữ Ngọc Toản. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, bà đã xung phong vào Việt Minh, làm ở ban quân y. Năm 1949, bà theo anh rể là GS Đặng Văn Ngữ ra công tác ở Chiến khu Việt Bắc. Năm 1949 ông Khánh cũng được điều động ra Việt Bắc. Trong một buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Y khoa Việt Bắc, ông và bà đã gặp nhau mà không biết rằng mối lương duyên này đã được các ông: Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308; Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; GS Tôn Thất Tùng, thầy giáo của bà, ngầm sắp xếp "xe duyên" từ trước.

PGS, TS Cao Bảo Vân cùng ba mẹ và em trai mùa hè năm 1971 tại biển Bãi Cháy, nhân dịp tướng Cao Văn Khánh từ chiến trường ra họp mấy hôm, sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào.

Năm 1954, cả ông và bà đều tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông trực tiếp chỉ huy Đại đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308), bà làm công tác cứu thương tại khu trọng thương ở Tuần Giáo. Hai người có hẹn sau ngày chiến dịch sẽ về Chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới. Đêm 07/5, ngay khi nghe tin ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, bà cùng trạm phẫu trọng thương đã hành quân suốt đêm để vào hẳn khu trung tâm chiến trường làm công tác cứu chữa thương binh. Nhiệm vụ cứu chữa thương binh của bà Ngọc Toản sau ngày 07/5/1954 khá nặng nề.

Thay vì ngồi xe lăn, bà Ngọc Toản cố gắng tự mình đi vào Nghĩa trang Liệt sĩ A1 để thắp hương cho đồng đội trong sự dìu đỡ của mọi người xung quanh

Còn Đại đoàn phó Cao Văn Khánh cũng bộn bề công việc, khi được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận chốt lại Điện Biên để giải quyết những vấn đề đặt ra sau chiến thắng. Ý định về Chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành (lúc này, ông Cao Văn Khánh đã gần 40 tuổi). Được nhiều đồng chí cán bộ cấp cao gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới tại hầm De Castries. Lễ cưới của hai chiến sĩ Điện Biên được tổ chức giản dị, mà nhiều ý nghĩa vào ngày 22/5 ngay tại chiến trường còn vương mùi thuốc súng, giữa chiến địa bề bộn...

Trong cuốn "Trung tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử" của PGS, TS Cao Bảo Vân - con gái của Trung tướng Cao Văn Khánh và bà Ngọc Toản, mô tả đám cưới độc nhất vô nhị tại chiến trường. Hầm De Castries được trang trí bằng các tấm dù Pháp đủ màu, đủ chỗ cho 40 - 50 khách mời. Vải dù đỏ được căng lên, trên đó đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954". Bên nhà gái là các cán bộ quân y, bên nhà trai là cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Không có áo cưới, cô dâu không son phấn, chỉ vuốt lại mái tóc cho gọn gàng, còn chú rể vẫn mặc trên mình bộ quân phục.

Chú rể hát bài "Bộ đội về làng", cô dâu hát bài "Em bé Mường La". Kẹo nuga, thuốc lá Phillip, rượu Tây do máy bay Pháp thả dù xuống mừng De Castries lên tướng, là những chiến lợi phẩm được các khách mời mang tới chung vui. Và đám cưới tất nhiên không có xe hoa, chỉ có xe tăng khi cô dâu chú rể chụp ảnh kỷ niệm bên chiếc xe tăng đã tham gia trận Điện Biên Phủ đang còn đậu ở sân bay Mường Thanh! Giản đơn là vậy, nhưng đám cưới ngập tràn những nụ cười và lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận vẫn còn lâng lâng như một minh chứng cho sự khởi đầu mới - hòa bình, hạnh phúc.

Nữ quân y năm xưa tham quan mô hình tái hiện công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Trao bức ảnh cô dâu chú rể chụp hình với xe tăng tặng Ban Quản lý di tích Điện Biên vào sáng 03/3/2024 ngay tại căn hầm là hôn trường của mình 70 năm trước, bà Ngọc Toản xúc động nghẹn ngào khi nhớ về khoảnh khắc bà và ông ngồi trên xe tăng chụp bức ảnh ấy. Bà Ngọc Toản kể: "Khi ấy tôi đã nói với anh Khánh rằng, đồng đội của mình, bao nhiêu người còn chưa được yêu đã nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc thì phải sống sao cho xứng đáng. Anh Khánh đã đồng ý như vậy, chúng tôi đã nguyện ước thủy chung, sống xứng đáng với đồng chí, đồng đội...".

Đám cưới ấy đã trở thành một trong những biểu tượng về khát vọng hòa bình của người Việt Nam.Và nay, với cuộc trở về chiến trường xưa của GS, BS, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản ở tuổi 94 cho thấy khát vọng hòa bình vẫn mãnh liệt trong tâm thức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa...

Nhóm PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tro-ve-chien-truong-xua-cua-co-dau-dien-bien_161823.html