Trở thành vợ vua nhờ một bức họa nhưng hôn nhân chỉ kéo dài 6 tháng

Vị vua nước Anh cử họa sĩ tới gặp các cô gái quý tộc để vẽ chân dung họ, nhằm chọn ra một người ưng ý để tiến tới hôn nhân.

Vua Henry VIII (1491-1547) nổi tiếng với 6 lần kết hôn trong đời. Năm 1538, vị vua của nước Anh tìm kiếm người vợ thứ tư với hy vọng thực hiện cuộc hôn nhân ngoại giao với một phụ nữ thuộc dòng dõi quý tộc châu Âu. Tuy nhiên, ông e ngại lấy phải người không ưng mắt.

Bởi vậy, ông đã cử Hans Holbein - họa sĩ triều đình vẽ lại những cô gái tiềm năng và mang chân dung của họ về Anh để lựa chọn. Holbein rất phù hợp với vị trí này khi ông nổi tiếng với phong cách hội họa cực thực.

Vua Henry VIII của nước Anh có tới 6 đời vợ.

Lời cầu hôn của vua Anh bị từ chối

Ngay sau khi nhận được trọng trách, Holbein lên đường đến Brussels (Bỉ) để gặp công chúa Christina. Cô nổi tiếng xinh đẹp trong giới quý tộc châu Âu nhưng mới 16 tuổi đã là góa phụ sau cái chết của người chồng Francis II - Công tước Milan. Sau biến cố, cô lập tức ngập tràn trong những lời cầu hôn.

Vua Henry VIII cũng ngỏ lời nhưng Christina và người giám hộ của cô không mặn mà.

Dù vậy, họa sĩ Holbein vẫn quyết tâm vẽ chân dung nàng công chúa nhỏ tuổi dù chỉ có thể tiếp xúc 3 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Ông hoàn thành bức phác họa và đem về Anh. Mới chỉ thấy hình phác nhưng Vua Henry VIII đã mê mẩn nhan sắc của người phụ nữ trẻ với hy vọng ngày nào đó cô sẽ trở thành vợ của ông.

Ngay lập tức, vị vua đã yêu cầu họa sĩ hoàn thành một bức tranh vẽ Christina có kích thước như thật. Khi nhận được tác phẩm, ông vui mừng khôn xiết, ra lệnh cho các nhạc công chơi đàn suốt ngày hôm đó. Ông cũng giữ cả phác thảo và tranh hoàn thiện cho đến cuối đời để có thể luôn ngắm nhìn vẻ đẹp của nàng thơ.

Tuy nhiên, Christina quyết định không cưới Vua Henry VIII.

Chân dung Christina do họa sĩ Hans Holbein vẽ.

Cuộc hôn nhân 6 tháng bắt đầu từ một bức họa

Khi biết tin Christina từ chối mình, Vua Henry VIII tiếp tục nhắm tới ứng viên mới ở công quốc Kleve. Vua nước Anh từng nhìn thấy hình của Anne, con gái một vị công tước, được lan truyền khắp châu Âu. Họa sĩ Holbein được cử đi vẽ lại chân dung của Anne và em gái chân thật nhất có thể.

Ngoài đời, Anne không quá nổi bật, là người đức hạnh nhưng thất học và cứng nhắc.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, họa sĩ Holbein lại muốn Anne trở nên ấn tượng hơn thực tế. Bởi vậy, ông tập trung vào các chi tiết đẹp trên trang phục của Anne, mang lại cho cô vẻ ngoài lộng lẫy và sang trọng để nhà vua thấy cô hấp dẫn.

Cuối cùng, Henry VIII đã chọn Anne xứ Kleve làm người vợ thứ tư. Cô đến Anh vào cuối năm 1539 để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân.

Khi đó, nhà vua đến gặp hôn phu để xem đây có phải là tình yêu đích thực của mình hay không. Ông cải trang tìm tới chỗ Anne và định hôn cô. Không có gì ngạc nhiên khi Anne đẩy người lạ mặt ra xa vì không biết đó là chồng tương lai. Sau sự việc này, nhà vua cảm thấy khó chịu.

Không chỉ vậy, Vua Henry VIII còn cho rằng những lời nhận xét có cánh về Anne của các cố vấn không đúng sự thật. Ông cũng không hài lòng với họa sĩ Holbein.

Anne xứ Kleve trong tranh trở nên thu hút hơn nhờ trang phục lộng lẫy.

Dù vậy, đã quá muộn để rút lui khỏi cuộc hôn nhân nhằm gắn kết liên minh giữa Anh và Kleve. Hơn nữa, Anne đã trải qua hành trình gian khổ, tốn kém để tới xứ sở sương mù. Lời từ hôn có thể dẫn tới sự trả đũa của công quốc Kleve.

Theo The Collector, lễ cưới diễn ra vào ngày 6/1/1540 nhưng hôn nhân bị hủy bỏ chỉ 6 tháng sau đó. Vua Henry VIII theo đuổi Catherine Howard - người vợ thứ 5 của ông.

Để xoa dịu sự tức giận của gia đình vợ cũ, Vua Henry VIII đã phong Anne làm em gái chính thức của mình. Với vai trò này, cô là người phụ nữ có địa vị cao bậc nhất ở Anh bên cạnh hoàng hậu và các công chúa. Vì Anne đồng ý ly hôn, Henry bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tặng cô nhiều tài sản và đất đai, bao gồm cả lâu đài Hever ở Kent.

Nhiều nhà sử học cho rằng Anne may mắn nhất trong số những người vợ của Henry VIII. Việc sẵn lòng chấp nhận ly hôn giúp bà có được một cuộc sống xa hoa và địa vị ở Anh.

Holbein không còn được nhà vua sủng ái nhưng vẫn ở lại Anh với tư cách là họa sĩ chính thức của triều đình.

Ngày nay, những bức chân dung của Christina và Anne vẫn còn tồn tại và nhận được sự ngưỡng mộ còn họa sĩ Holbein được đánh giá là một phần không thể thiếu trong giai đoạn lịch sử đó của triều đình Anh.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tro-thanh-vo-vua-nho-mot-buc-hoa-nhung-hon-nhan-chi-dai-6-thang-2241549.html