Trở thành người đồng hành cùng khách du lịch qua dự án 'StuIS'

Nhóm bạn trẻ với dự án 'StuIS – Students Interpretation Service' đã xuất sắc đạt được giải Nhất trong cuộc thi Người Nhân văn khởi nghiệp mùa 2, với chủ đề 'Khởi nghiệp vì cộng đồng' mới đây.

Khởi nghiệp với dự án nhân văn

Với cái tên “Chilling”, nhóm gồm 5 sinh viên: Trương Thị Kiều Giang, Hoàng Phương Linh, Thượng Nguyễn Trà Giang, Trần Tấn Đạt và Trương Thị Hiền Diệu mong muốn tạo dựng môi trường để các bạn trẻ ứng dụng khả năng ngoại ngữ của mình. Đồng thời, giúp cho du khách nước ngoài hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Dịch vụ "StuIS" được hiểu là “Dịch vụ phiên dịch sinh viên”. Với hình thức đặt chỗ, các sinh viên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ sẽ làm phiên dịch viên đồng hành cùng các doanh nghiệp nước ngoài giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam, giảm thiểu rào cản về văn hóa hay ngôn ngữ.

Trương Thị Kiều Giang (năm 2, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết: “Dịch vụ đảm bảo rằng khách hàng luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn với các mức giá khác nhau, bởi mọi thông tin về chi phí thuê đều sẽ được công khai. Với công việc này, các bạn sinh viên có thể nhận được một khoản thù lao tương đối lớn. Ngoài ra, dịch vụ của chúng mình còn mang tính linh hoạt bởi vì doanh nghiệp là người chủ động quyết định lịch trình cho chuyến tham quan”.

Nhóm Chilling đạt giải Nhất trong cuộc thi "Người Nhân văn khởi nghiệp".

‘Bén duyên’ với dự án này, một phần vì các thành viên đều là những bạn trẻ thích xê dịch và kết bạn với nhiều người. Phần khác các bạn nhận thấy thị trường ngoại ngữ đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự hội nhập quốc tế, nhưng Việt Nam còn hạn chế trong việc thực hành trên thực tế. Ngoài ra, tình trạng chèo kéo, hét giá đối với du khách đang làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam, khiến các doanh nghiệp luôn cân nhắc trong việc đầu tư. Nhóm bạn trẻ còn lên án hiện trạng phiên dịch viên lợi dụng rào cản ngôn ngữ để đẩy giá thuê lên cao dù đã có sự thống nhất từ trước.

Môi trường phát triển lành mạnh

Trong quá trình hoàn thiện dự án, Hoàng Phương Linh (năm thứ hai, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) lo lắng: “Một tuần trước khi vòng chung kết diễn ra, dự án chúng mình đã vấp phải một vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến tính khả thi và tưởng chừng như đã phải dừng chân tại vòng bán kết. Tuy nhiên, bằng cách lắng nghe những gợi ý và nhận được sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám khảo, nhóm đã cấp tốc chỉnh sửa và khắc phục điểm bất lợi của dự án để mang lại một phiên bản tốt hơn của “StuIS” tại chặng cuối của cuộc thi”.

Đại diện nhóm đang trình bày về dự án "StuIS".

Đối với nhóm Chilling, cuộc thi "Người Nhân văn khởi nghiệp" mùa 2 là cơ hội để trau dồi và học hỏi thông qua những khó khăn, thách thức khi bắt tay hiện thực hóa một dự án. Một trong những trở ngại là sự đòi hỏi về kiến thức chuyên môn - thứ mà các thành viên còn thiếu sót rất nhiều, khiến cả nhóm vô cùng lo lắng và áp lực trong suốt quãng thời gian tham gia cuộc thi. Nhưng chính sự thiếu sót ấy đã tạo động lực thúc đẩy các bạn trẻ đến với kết quả chung cuộc. Họ đã cùng nhau tìm tòi, tiếp thu kiến thức từ nguồn có sẵn để vận dụng vào các phần như tính toán tài chính cho dự án, nghiên cứu thị trường...

Thượng Nguyễn Trà Giang (năm thứ hai, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) tỏ ra bất ngờ và tự hào khi biết dự án đạt ngôi vị cao nhất tại cuộc thi: “Chúng mình biết dự án còn nhiều thiếu sót, nhưng thật không ngờ có thể đạt được tới giải cao như vậy. Chúng mình chân thành cảm ơn mọi người đã luôn theo dõi từng bước chân của dự án, cho đến khi có được thành quả như hiện tại. Nhóm mong rằng những ai đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp thì đừng ngần ngại, bởi thành công luôn đến với những người can đảm nhất. Hãy dám ước mơ và đứng lên hành động vì ước mơ của mình”.

Phát triển dự án khi nhận thấy nhiều hạn chế tại thị trường ngoại ngữ Việt Nam, song các bạn trẻ càng quyết tâm hơn cho mục tiêu của mình.

Chia sẻ về mục tiêu tiếp theo của nhóm, Kiều Giang bộc bạch: “Chúng mình sẽ tích cực tham dự các cuộc thi, hội thảo,… nhằm quảng bá dự án rộng rãi hơn, tiếp thu những ý kiến đóng góp để dự án ngày càng hoàn thiện hơn. Sau đó là tìm nhà đầu tư, tìm nguồn nhân lực để có thể triển khai dự án. Ngoài ra, chúng mình cũng sẽ cân bằng thời gian dành cho dự án và cho việc học trên lớp để không bị ảnh hưởng”.

Dưới góc độ Ban Tổ chức cuộc thi, ThS Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp đánh giá: “Nhóm là sự kết hợp tuyệt vời giữa nhiều chuyên môn khác nhau trong 2 lĩnh vực, chủ yếu là xã hội nhân văn và kinh tế. Ý tưởng đưa ra rất khả thi để triển khai trên thực tế bằng ứng dụng kết nối giữa du khách và những hướng dẫn viên, người phiên dịch bản địa. Hơn nữa, sáng kiến này giúp cho rất nhiều sinh viên hay các hướng dẫn viên bản địa có khả năng dịch thuật có thể tham gia vào hệ sinh thái”.

Cuộc thi "Người Nhân văn khởi nghiệp" là cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp dành cho các bạn sinh viên toàn quốc do trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tổ chức. Sinh viên sẽ có cơ hội kết hợp kiến thức trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các lĩnh vực khác để tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp; tiếp cận với các nhà đầu tư, triển khai ý tưởng vào thực tế, góp phần phát triển xã hội.

Sơn Trà

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tro-thanh-nguoi-dong-hanh-cung-khach-du-lich-qua-du-an-stuis-post1515260.tpo