'Trợ lý ảo' là một phần quan trọng trong xây dựng và triển khai Tòa án điện tử

Thẩm phán Lê Thuần Phong, Chánh án TAND Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với PV Báo Công lý về tầm quan trọng của 'Trợ lý ảo' trong quá trình xây dựng và triển khai Tòa án điện tử của hệ thống Tòa án hiện nay.

Thẩm phán Lê Thuần Phong, Chánh án TAND Quận 7 (TP Hồ Chí Minh)

Trợ lý ảo đã mang lại nhiều lợi ích

PV: Phần mềm “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Theo đó, ngành Tòa án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này?

Chánh án Lê Thuần Phong: Thực hiện kế hoạch số 49/KH-TANDTC, ngày 15/3/2022 của TANDTC về triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho Thẩm phán nhằm mục đích đưa Trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo; góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; giúp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các Thẩm phán Tòa án.

TAND Quận 7 đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo 100% các Thẩm phán sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ cho công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn sử dụng.

Theo đó, trong quá trình sử dụng phần mềm Trợ lý ảo đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Điều đầu tiên phải kể đến là phần mềm đã giúp các Thẩm phán tiết kiệm thời gian hơn trong việc quản lý và lưu trữ hồ sơ.

Trước kia, khi thực hiện công bố bản án, các Thẩm phán phải thực hiện mã hóa hồ sơ một cách thủ công tốn rất nhiều thời gian, thì nay phần mềm Trợ lý ảo đã có thể thực hiện mã hóa một cách tự động chỉ trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, thông qua những câu hỏi trao đổi chuyên môn, tình huống đóng góp thực tế trong quá trình giải quyết giữa các Thẩm phán, góp phần giúp các Thẩm phán học hỏi, tham khảo cũng như nâng cao trình độ chuyên môn trong việc giải quyết các vụ án.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc sử dụng phần mền là thiết bị máy tính còn cấu hình thấp, hệ thống mạng chưa đủ mạnh để có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu lớn như phần mềm Trợ lý ảo…

PV: Việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” trong hệ thống Tòa án sẽ mang lại những thuận lợi gì cho các Thẩm phán, thưa ông?

Chánh án Lê Thuần Phong: Việc áp dụng phần mềm Trợ lý ảo trong hệ thống Tòa án có thể mang lại nhiều thuận lợi như tăng cường hiệu suất, giảm gánh nặng công việc đơn điệu và cung cấp thông tin pháp lý chính xác. Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh cần xem xét để đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán trong quá trình phán quyết.

Phần mềm Trợ lý ảo có thể giúp Thẩm phán tập trung vào những khía cạnh quan trọng của vụ án bằng cách tự động hóa nhiệm vụ đơn điệu và giúp họ tiếp cận nhanh chóng các tài liệu pháp lý và nghiên cứu. Tuy nhiên, có nguy cơ rằng sự tự động hóa quá mức có thể giảm sự tự quyết định của Thẩm phán, đặc biệt nếu họ trở nên quá phụ thuộc vào thông tin từ phần mềm mà không thực hiện kiểm tra độc lập. Một thách thức khác là khả năng hạn chế của phần mềm trong việc hiểu biết ngữ cảnh phức tạp và mất mát tương tác con người. Sự tương tác này là quan trọng để Thẩm phán hiểu rõ hơn về tình huống cụ thể và giữ được tính độc lập trong quá trình xét xử.

Chánh án Lê Thuần Phong trao đổi với PV Báo Công lý

Trong mỗi vụ án đều có những tình tiết riêng, khi giải quyết, xét xử các vụ án Thẩm phán phải tuân theo các quy định của pháp luật, lựa chọn áp dụng những quy định phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trước phán quyết đó nên phần mềm “Trợ lý ảo” chỉ là một công cụ hỗ trợ mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án.

PV: Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2021), Giai đoạn 2 (năm 2022), Giai đoạn 3 (từ năm 2023 -2030). Vậy, với các giai đoạn 1, 2 và 3 đơn vị đã có những kế hoạch để chuẩn bị, áp dụng và triển khai trên thực tế như thế nào, thưa ông?

Chánh án Lê Thuần Phong: Từ khi phần mềm “Trợ lý ảo” được đưa vào hoạt động, đơn vị đã tích cực tham gia các đợt tập huấn của TANDTC. Phân công Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm, có trình độ công nghệ thông tin nghiên cứu, học tập, sử dụng phần mềm, sau đó hướng dẫn lại cho toàn bộ cán bộ, Thẩm phán trong đơn vị. 100% Thẩm phán đã tham gia bình luận, đóng góp các tình huống pháp lý vào phần mềm “Trợ lý ảo” và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử, quản lý nghiệp vụ trong năm 2022 và 2023.

Trong giai đoạn 2023 đến 2030 để đáp ứng nhu cầu quản lý nghiệp vụ, tra cứu, cũng như tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. TAND Quận 7 tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho cán bộ, Thẩm phán có đầy đủ các điều kiện tốt nhất để khai thác “Trợ lý ảo” ở tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án, tiếp tục nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng “Trợ lý ảo” có hiệu quả; chủ động, tích cực tham gia góp ý, bình luận, xây dựng các tình huống pháp lý mới để góp phần hoàn thiện hơn phần mềm “Trợ lý ảo”.

PV: Phần mềm “Trợ lý ảo” được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng quá trình xây dựng Tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TANDTC, ông có chia sẻ gì về nội dung này?

Chánh án Lê Thuần Phong: Phần mềm Trợ lý ảo không chỉ giúp cán bộ Tòa án giảm gánh nặng công việc mà còn tăng cường hiệu suất và chính xác trong quá trình xử lý hồ sơ pháp lý.

Phần mềm không chỉ là một công cụ hữu ích mà còn là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai Tòa án điện tử. Nó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TANDTC trong việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế để cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý và tối ưu hóa quy trình làm việc.

Điều này đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống tư pháp, giúp chúng ta đáp ứng tốt hơn với yêu cầu ngày càng phức tạp của xã hội.

TAND Quận 7 sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp và phát triển phần mềm Trợ lý ảo để nó trở thành một công cụ hiệu quả, đồng hành cùng cán bộ hành chính tư pháp và các thành viên trong hệ thống Tòa án, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả của TANDTC.

Thẩm phán Lê Anh, Chánh Văn phòng TAND Quận 7: “Trợ lý ảo” cung cấp một nguồn tri thức pháp lý phong phú

Thẩm phán Lê Anh, Chánh Văn phòng TAND Quận 7 trao đổi với PV Báo Công lý

Thực tế, việc sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công việc. Đầu tiên và quan trọng nhất, phần mềm giúp tiết kiệm đáng kể thời gian trong quá trình tra cứu và xử lý thông tin pháp lý. Việc có thể nhanh chóng tìm kiếm các văn bản pháp luật và thông tin liên quan đã làm giảm đáng kể thời gian tìm kiếm các văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, sự chính xác của phần mềm cũng là một điểm mạnh, giúp đảm bảo rằng các thông tin được sử dụng trong quá trình đưa ra quyết định là đầy đủ và chính xác. Nó cung cấp một nguồn tri thức pháp lý phong phú, giúp tăng cường khả năng nghiên cứu và đưa ra quyết định chính xác.

Phần mềm Trợ lý ảo được toàn bộ các Thẩm phán trên cả nước sử dụng, do vậy có những tình huống pháp lý phức tạp, những tình huống pháp lý pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh sẽ được các Thẩm phán tương tác, phản hồi kinh nghiệm xử lý, giải quyết.

Qua đó tự thân các Thẩm phán học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế để giải quyết các vụ việc trong quá trình công tác.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tro-ly-ao-la-mot-phan-quan-trong-trong-xay-dung-va-trien-khai-toa-an-dien-tu-428595.html